Cùng một mô tả mặt hàng như nhau nhưng thuế suất lại chênh nhau đến 10% nên chẳng DN nào kê khai vào dòng thuế suất cao cũng là điều dễ hiểu… Không chỉ công khai hưởng thuế ưu đãi, không ít DN còn cố tình khai sai mã thuế gây thất thu cho ngân sách nhiều tỷ đồng..
6 DN sản xuất các mặt hàng cây đặc Inox và dây Inox vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế “tố” về tình trạng lách thuế đối với cây đặc inox và trốn thuế đối với dây inox của DN nhập khẩu…
6 DN đứng đơn là Cty CP tập đoàn Thiên Quang, Cty TNHH Thép không gỉ Đông Bang, Cty TNHH Thép không gỉ Hà Anh, Cty Inox Hòa Bình, Cty TNHH MTV Thép không gỉ Long An, Cty TNHH Trung Thu.
Ông Nguyễn Thế Hưng, đại diện Cty TNHH MTV Thép không gỉ Long An |
Các DN này cho biết, hiện mặt hàng cây đặc thép không gỉ (inox) tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt, trung bình khoảng 20%/năm trở lên. Nguồn cung mặt hàng này cho thị trường là từ các DN sản xuất trong nước (khoảng 60%) và các công ty thương mại nhập khẩu (khoảng 40%).
Cây đặc inox gồm 2 loại: cây đặc inox thành phẩm và phôi thô (cán nóng). Trong đó, cây đặc Inox dạng phôi thô (cán nóng) là nguyên vật liệu thô đầu vào của các nhà sản xuất, được nhập về làm nguyên liệu để sản xuất ra cây đặc inox thành phẩm. Cả 2 loại này đều có chiều dài tiêu chuẩn thông thường là 6.000 mm và có mặt cắt ngang hình tròn.
Tuy nhiên, về thuế suất thuế nhập khẩu, phôi cây inox cán nóng có mã số áp thuế là 7222 11.00 và 7222 19.00 với thuế suất nhập khẩu 0% (vì là nguyên liệu sản xuất). Trong khi đó, cây đặc inox thành phẩm được chia thành 4 loại, có 4 mã số áp thuế, trong đó, chỉ có mã số 7222 30.10 có thuế suất nhập khẩu 10%. Các loại còn lại (7222 20.10; 7222 20.90; 7222 30.90) có đều có thuế suất thuế nhập khẩu là 0%.
Điều đáng nói là Biểu thuế xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan- Bộ Tài chính phát hành đều mô tả hàng hóa là: “Thép không gỉ dạng thanh và que được gia công tạo hình nguội hoặc gia công kết thúc nguội: có mặt cắt ngang hình tròn/ hoặc loại khác”, chỉ khác mã hàng và mã duy nhất 7222 30.10 có thuế suất 10%.
“Từ đầu năm 2012 đến nay có rất nhiều công ty đã nhập khẩu với số lượng lớn mặt hàng này và cố tình áp sai mã hàng hóa cây đặc Inox thành phẩm để trốn thuế, gây thất thoát rất nhiều tiền thuế của nhà nước và làm ảnh hưởng rất lớn đến các DN sản xuất trong nước…”- các DN lên tiếng.
Không chỉ “tố” các DN lách thuế đối với mặt hàng cây đặc inox, các DN đứng đơn còn cảnh báo tình trạng trốn thuế đối với mặt hàng dây inox (dây thép không gỉ)..
Theo biểu thuế xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính phát hành, mặt hàng dây thép không gỉ có mã hàng hoá là: 7223.00.00 và thuế suất nhập khẩu là:10%. Mặt hàng phôi dây thép không gỉ có mã hàng hóa: 7221.00.00- thuế suất nhập khẩu: 0% và đường kính nhỏ nhất của phôi là 5.5mm.
Vì mặt hàng dây thép không gỉ là mặt hàng được tiêu thụ rất nhiều tại Việt Nam và sản lượng tiêu thụ hàng năm tăng trưởng mạnh, nên một số công ty thương mại đã cố tình trốn thuế mặt hàng này bằng cách khai sang mã 7221.00.00 với thuế suất 0%. Ngoài ra, có một số trường hợp trốn thuế khác là DN khi nhập loại dây thép không gỉ có đường kính từ 1.0mm đến 1.5mm, với đường kính nhỏ ở mức này thì chỉ có ở dạng dây thành phẩm, không thể khai sang mã phôi, nên các DN này đã khai sang mã 7222.20.10-mã của cây đặc inox để trốn thuế…
Các DN đứng đơn cho biết, việc trốn thuế, lách thuế nhập khẩu của các đơn vị kinh doanh mặt hàng dây và cây đặc Inox nêu trên đã làm cho các nhà sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận bị giảm sút, cạnh tranh giữa các DN nhập khẩu phôi thép và thành phẩm không lành mạnh. Các DN đề nghị điều chỉnh thuế suất nhập khẩu hàng thép không gỉ dạng thanh và que với các mã 7222.20.10; 7222.20.90; 7222.30.90 từ 0 lên 10% như mã 7222 3010 đang áp dụng; Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, phân biệt đánh thuế chặt chẽ 02 loại mặt hàng trên khi nhập khẩu vào Việt Nam nhằm tránh thất thu thuế cho nhà nước và đảm bảo sự công bằng cho DN…
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Thế Hưng, đại diện Cty TNHH MTV Thép không gỉ Long An, một trong 6 DN ký đơn cho biết, khó khăn lớn nhất của các DN sản xuất mặt hàng thép không gỉ dạng dây và cây đặc là việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu dạng trốn và lách thuế. Theo đó, nếu áp đúng thuế suất của mặt hàng dây và cây đặc, giá thành bán ra của hàng nhập khẩu thấp nhất là 41.500.000 đồng/tấn. Nhưng do trốn và lách thuế, giá hàng nhập đang được bán tại thị trường Việt Nam là 37.500.000 đồng/tấn, trong khi đó giá xuất xưởng của các nhà sản xuất trong nước là 40.000.000 đồng/tấn. |
Thanh Thanh