“Tôi đầu tiên đưa lên Facebook chia sẻ với anh em, nhưng không ngờ nhiều anh chị em họa sĩ cũng có tranh bị chép, rồi bị đem đi bán, cũng bức xúc như thế, chỉ mong có cách giải quyết triệt để” là những trăn trở của họa sĩ Đặng Tiến. Đồng tình, họa sĩ Thu Trần cũng chia sẻ “đây là một nỗi đau của nghệ sĩ Việt, khi các họa sĩ vẫn ngồi đây mà tranh của họ bị chép ngang nhiên ở khắp nơi mà không biết làm thế nào”.
Điều khó khăn nhất với thị trường mỹ thuật Việt Nam chính là người ta không thể phân biệt thật giả. Mỗi khi có những tố giác về nạn chép tranh, giả tranh, đều là do họa sĩ hoặc người thân của họa sĩ tự lên tiếng, chủ yếu thông qua mạng xã hội như Facebook. Vậy các cơ quan chức năng, các chuyên gia thẩm định, nhà phê bình, bình luận đang ở đâu? Ai có thể bảo vệ cho các nghệ sĩ cũng như những “đứa con trí tuệ” của họ?
Bảo tàng đã không còn là “thánh đường” của mỹ thuật?
Ai cũng hiểu rằng bảo tàng mỹ thuật là “thánh đường” tối thượng để bảo chứng cho một tác phẩm nghệ thuật. Song, ở Việt Nam, đến cả những cơ sở có tiếng như Bảo tàng quốc gia cũng không thể chắc chắn tất cả những tác phẩm họ đang giữ là tranh gốc hay tranh chép.
Được biết, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vào khoảng những năm 1960, hàng trăm bức tranh đã được đưa khỏi bảo tàng để đề phòng trường hợp Hà Nội bị ném bom, thay thế bởi những bức tranh chép. Sau đó, nhiều bức tranh thật có thể đã biến mất, tranh chép trở thành thật, không ai còn phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Cũng nhắc lại một câu chuyện từng gây rúng động giới mỹ thuật Việt, ngay buổi khai mạc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM năm 2016, họa sĩ Thành Chương bất ngờ tố bức tranh được trưng bày dưới tên họa sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1952, giống hệt với tác phẩm “Trừu tượng” được ông vẽ vào khoảng năm 1970.
Sau khi thẩm định lại, 15 bức tranh bị cho là giả và 2 bức tranh bị cho là mạo danh trong số 17 bức tranh được trưng bày tại triển lãm. Vấn đề là, 17 bức tranh thuộc triển lãm đều do một nhà thẩm định xác nhận, tên Jean-François Hubert, được coi là “chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của nhà đấu giá danh tiếng Christie’s Hồng Kông”. Nhà thẩm định “nổi tiếng” này đồng thời cũng thẩm định, chứng thực nhiều tác phẩm nghệ thuật khác ở Việt Nam.
Sự phát giác của họa sĩ Nguyễn Thành Chương hé lộ một sự thật đáng xấu hổ rằng thị trường mỹ thuật Việt Nam, tuy ngày càng nổi danh trên thế giới, có những tác phẩm đạt mốc triệu đô, lại đang bị “xâm chiếm” bởi “bệnh dịch” tranh giả. Vấn nạn cũng được những tờ báo lớn của thế giới như New York Times quan tâm, đưa tin.
Họa sĩ Thành Chương bất ngờ tố bức tranh ghi tên của họa sĩ Tạ Tỵ là tác phẩm “Trừu tượng” của ông. |
Quả thực, thị trường tranh Việt đầu thế kỷ 20 ngày càng được thế giới biết đến và sẵn sàng trả giá cao, gắn liền với các họa sĩ tên tuổi như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Văn Nhân, Trần Bình Lộc, Trần Duy… Trong hàng ngàn bức tranh của nhiều thế hệ họa sĩ Việt được bán trên thế giới, tác phẩm “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ đã đạt mức giá khoảng 1,17 triệu đô tại phiên đấu giá Modern and Contemporary Art của nhà Sotheby’s vào đầu tháng 4 năm 2017.
Tuy nhiên, kể cả những nhà đấu giá lớn thế giới cũng nhiều lần bị nghi ngờ bán những bức tranh Việt giả, nhái. Trong một cuộc triển lãm ở Hồng Kông năm 2016, một nhà bán đấu giá đã bán ra bức tranh “Thuyền trên sông Hương” của Tô Ngọc Vân với giá 57.000 USD và bức tranh “Lady of Hue” của Lê Văn Đệ với giá 89.000 USD.
Tác phẩm y hệt 2 bức tranh trên hiện vẫn được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, được cán bộ bảo tàng xác nhận có được 2 bức tranh này lần lượt vào năm 1965 và 1976. Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng từng phát hiện ra hơn 200 bức tranh giả của bố mình được bán rộng rãi ở nhiều nhà đấu giá danh tiếng trên thế giới.
Thiệt hại lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam
Không ít người trong giới chuyên ngành, phê bình, truyền thông báo chí, đều không khỏi nghi ngờ về một đường dây “rửa tranh” tồn tại từ nhiều năm qua, do lỗ hổng về hành lang pháp lý đối với ngành mỹ thuật Việt Nam.
Theo nhiều nguồn thông tin, quy trình “rửa tranh” có thể khái quát như sau: Những người làm tranh giả muốn thông qua triển lãm ở một bảo tàng có tiếng ở Việt Nam để hợp thức hóa, biến tranh giả thành tranh thật. Dấu của Bảo tàng Mỹ thuật chứng nhận đã được triển lãm tại đó là một khẳng định bức tranh là thật. Sau đó, họ mang ra nước ngoài bán tại các nhà đấu giá danh tiếng với giá cao như tranh thật.
Theo quy định của một nhà đấu giá nổi tiếng thế giới, các thương vụ mua bán tác phẩm mỹ thuật luôn kèm theo bảo đảm: trong vòng 5 năm, nếu người mua có thể chứng minh tác phẩm là giả sẽ được hoàn trả lại tiền. Tuy nhiên, mỗi khi họa sĩ Việt lên tiếng về những bức tranh giả được mua bán ở nước ngoài, đa số đều chỉ nhận được sự im lặng.
Lý do không khó hiểu. Để xác thực một bức tranh, các chuyên gia có thể xem xét bề ngoài của nó, truy vết về lịch sử những người sở hữu hoặc sử dụng công nghệ để kiểm tra thời gian hoặc vật liệu có bức tranh có phù hợp với thời đại của người nghệ sĩ đó hay không.
Bức tranh gần triệu USD của họa sĩ Lê Phổ. |
Song, tại Việt Nam, tài liệu về tác phẩm không được lưu trữ đầy đủ, vẫn chưa có phòng thí nghiệm nào để phân tích các tác phẩm nghệ thuật. Người ta cũng không có dữ liệu lưu trữ về các vật liệu được nghệ sĩ sử dụng để vẽ tranh trong thời chiến.
Tranh cãi, chia sẻ trên mạng xã hội hoặc phát biểu của họa sĩ hay người thân của tác giả không thể là bằng chứng đầy đủ để chứng minh những bức tranh được nói đến là giả mạo, cũng như chứng minh tác phẩm của họ là nguyên gốc. Vì vậy, “gánh nặng” được “dồn” hết lên mắt nhìn của người thẩm định. Nhưng nếu người thẩm định cũng có thể “mua được” thì câu chuyện thật, giả gần như đi vào ngõ cụt.
“Các nhà sưu tầm trên thị trường bắt đầu xa rời việc sưu tập tranh Việt Nam. Vì họ sợ, không biết bỏ đồng tiền thật ra có mua được tranh thật, nên ngại không dám đầu tư nữa. Ấy là một thiệt hại lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam”, họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ.