Công nghệ là yếu tố nội sinh của tăng trưởng

(PLVN) - Dẫn chứng mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng, đồng thời quyết định tăng trưởng trong dài hạn và là “chìa khóa” giúp đột phá vượt qua trạng thái dừng...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị.

Tại Hội nghị “Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” diễn ra hôm 15/5, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng để Chính phủ tham vấn ý kiến từ các tổ chức tư vấn quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, phục vụ xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030).

Đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chất xám - càng khai thác càng sinh sôi

Thực tế, tài nguyên tự nhiên có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó, tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt tới trạng thái dừng.

Lấy mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) là dẫn chứng cụ thể, người đứng đầu Chính phủ phân tích, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng; là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là “chìa khóa” để đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Thủ tướng cũng khẳng định, chúng ta có có thứ “tài nguyên” vô tận, đó là chất xám, là sự sáng tạo của con người. Nếu tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người - càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở.

Trong các doanh nghiệp và tổ chức, sự sáng tạo của con người là vốn quý giá nhất. “Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước”, Thủ tướng nói.

Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. 

Khuyến khích sáng tạo trong doanh nghiệp

Với cách đặt vấn đề như thế, Thủ tướng mong muốn  Bộ Khoa học và Công nghệ  trở  thành đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ. Trong đó, đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, cần coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ. 

Trên thực tế, nhận thức này còn nhiều vấn đề bất cập, chính sách cũng chưa làm tốt để phát huy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Vì thế, cần phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. 

Ở nước ngoài, các trung tâm kết nối trí tuệ đóng vai trò lõi ở các thành phố thông minh và bền vững. Xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động này.

Ngoài ra, cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin…

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Thống kê cần nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hơn hoạt động khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Cùng đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo (bao gồm Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp), và sớm đệ trình các chính sách cụ thể này. 

Đọc thêm