Bãi đổ chất thải rắn quá tải ở Hà Nội quá tải
Theo thống kê sơ bộ của UBND TP Hà Nội, lượng CTRXD mỗi ngày lên tới khoảng 2.000 tấn, chưa kể phát sinh từ những dự án giao thông xây dựng trong dân sinh. Năm 2011, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt chủ trương lập 14 điểm tập kết, xử lý CTRXD chung cho toàn TP, tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có quỹ đất để bố trí thực hiện.
TP hiện chỉ có 4 bãi đổ CTRXD chủ yếu xử lý bằng biện pháp chôn lấp là Nguyên Khê, Vân Nội (huyện Đông Anh), Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) và Dương Liễu (huyện Hoài Đức), không đủ để tiếp nhận khối lượng CTRXD ngày càng tăng. Hiện các bãi này đã quá tải không thể đáp ứng được nhu cầu xử lý CTRXD của TP. Không có điểm tập kết, xử lý, lượng chất thải này đang dần trở thành một vấn nạn của Thủ đô.
Thông tư 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về quản lý CTRXD quy định, chất thải rắn trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh. Bao gồm chất thải rắn có khả năng tái chế được; chất thải rắn có thể được tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác; chất thải không tái chế, tái sử dụng được và phải đem đi chôn lấp.
Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư công trình xây dựng cũng tìm mọi cách để giảm chi phí xử lý chất thải bằng cách đổ trộm trên đường, xuống các ao hồ, bãi đất trống, lòng lề đường. Việc làm này là một trong những nguyên nhân khiến ao hồ Hà Nội mất dần, gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm, bụi bẩn, tai nạn giao thông… ảnh hưởng tới cảnh quan TP, gây bức xúc trong dư luận.
Đột phá trong tái chế phế thải xây dựng
Hà Nội đã có 3 đơn vị nhập dây chuyền nghiền CTRXD RM70GO theo công nghệ của Đức. Việc xử lý chất thải rắn được thực hiện bằng thiết bị công nghệ hiện đại, với công suất 120-250 tấn/giờ. Điều đặc biệt là công nghệ hiện đại này cho phép nghiền được các khối bê tông có kích cỡ tới 60x80cm và tự động phân loại sắt, thép ra khỏi bê tông.
Ngoài ra, máy có thể sàng lọc các loại vật liệu từ cát mịn đến hạt cỡ 3x4cm. Các hạt thành phẩm có thể sử dụng ngay sau khi phân loại với các mục đích như trở thành vật liệu cấp phối xây dựng, cốt liệu tái chế hoặc vật liệu san lấp mặt bằng, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường của TP, tiết kiệm quỹ đất, giảm thiểu chôn lấp, đồng thời tái chế thành các vật liệu xây dựng, hạn chế việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Công nghệ xử lý chất thải rắn từ công trình xây dựng bị phá bỏ được áp dụng tại Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo đảm môi trường theo tiêu chuẩn EU6 (Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn EU4). Với lượng CTRXD hiện nay, TP Hà Nội chỉ cần 5 dây chuyền hoạt động liên tục là có thể xử lý hoàn toàn lượng rác thải vật liệu xây dựng phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội.
Ưu thế của máy là nhỏ gọn, khối lượng khoảng 20 tấn, có thể di chuyển đến tận công trình; máy chỉ cần tối thiểu một người điều khiển để vận hành tốt. Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ nghiền phế thải, tạo thành sản phẩm phục vụ xây dựng đã đáp ứng được một số tiêu chí chính như tiết kiệm chi phí, thời gian, quỹ đất để xử lý chất thải; đồng thời bảo đảm được vệ sinh môi trường.
Thành phẩm sau khi nghiền chất thải xây dựng có thể sử dụng thay cho cát đen hoặc đá dăm cấp phối dùng trong khâu trải nền đường. Giá thành một khối cát đen hiện nay khoảng 55.000-60.000 đồng, chưa kể chi phí vận chuyển; trong khi giá thành một khối vật liệu thay thế có được từ công nghệ nghiền phế thải thấp hơn từ 20-30%.
Tuy nhiên, do chưa có chế tài bắt buộc chủ đầu tư các công trình xây dựng phải có phương án xử lý phế thải xây dựng (PTXD), nên các DN nhập khẩu máy nghiền phế thải đứng trước nguy cơ không có việc làm. Hiện Công ty cổ phần (CTCP) Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu đã phối hợp với CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest áp dụng công nghệ nghiền, tái chế CTRXD trong việc phá dỡ 4 tòa nhà từ 3 - 7 tầng để thực hiện Dự án Khu nhà ở hỗn hợp Grandeur Place - Giảng Võ do Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư. CTCP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội đưa vào vận hành một dây chuyền tại khu tiếp nhận và xử lý ngoài bãi sông Hồng (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) từ tháng 11/2017.
Đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận, xử lý khoảng 13.000m3 PTXD tại dự án mở rộng đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động); dự án mở rộng Vành đai 3 (đoạn từ nút giao Mai Dịch đến Nam cầu Thăng Long) do UBND quận Bắc Từ Liêm làm đại diện chủ đầu tư. Hiện mới chỉ có hai chủ đầu tư (nêu trên) ký hợp đồng với công ty để xử lý khối lượng PTXD.
Lý do các chủ đầu tư chưa thực sự hợp tác là bởi còn thiếu cơ sở để đưa giá xử lý PTXD vào chi phí dự án. Do đó, các chủ đầu tư, chủ nguồn thải thường ký hợp đồng khoán trọn gói 3 khâu “phá dỡ - vận chuyển - xử lý” với nhà thầu thi công, không quan tâm đến địa điểm xử lý chất thải xây dựng có đúng quy định hay không.
Nên sớm ban hành khung giá dịch vụ
Để các DN đầu tư và vận hành hiệu quả thiết bị, công nghệ nghiền để tái chế PTXD, mang lại lợi ích kép về kinh tế cũng như môi trường, các DN cho rằng TP Hà Nội cần nhanh chóng ban hành khung giá dịch vụ xử lý CTRXD theo công nghệ nghiền làm căn cứ để các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách đưa vào chi phí lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ký kết hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý PTXD.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng, chính quyền các quận, huyện trước khi cấp phép xây dựng, phê duyệt nguồn vốn và dự toán các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP khi thẩm định hồ sơ cần yêu cầu các chủ đầu tư phải nêu rõ khối lượng CTRXD phát sinh cần xử lý, công nghệ xử lý và có chế tài giám sát việc chấp hành (nhất là các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách). Đặc biệt, lực lượng thanh tra xây dựng chuyên ngành, cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, xử lý PTXD trên địa bàn TP.
Ngày 29/8/2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo các quận, huyện khi phá dỡ các công trình lớn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phải đề nghị các chủ đầu tư triển khai sử dụng công nghệ tái chế PTXD bằng phương pháp nghiền. Thời gian tới, TP sẽ bố trí 3 vị trí làm trạm trung chuyển tạm thời đặt thiết bị nghiền, tái chế PTXD gồm: Bãi đổ bùn Yên Sở, quận Hoàng Mai; Phần lõi khu đất 6,5ha tại nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; Đảo giao thông tại nút giao Quốc lộ 5 với đường Vành đai 3.