Hơn 93% hợp đồng hợp tác của các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam có thời hạn dưới 1 năm, đồng nghĩa với việc đa số các chương trình hợp tác trong lĩnh vực này không quan tâm tới chuyển giao công nghệ…
93,5% hợp đồng của DN công nghiệp chế tạo là hợp đồng ngắn hạn. Ảnh minh họa của Bách Linh |
Đa phần hợp đồng ngắn hạn
Khoảng 8000 doanh nghiệp (DN) chế biến, chế tạo ngoài nhà nước thuộc 63 tỉnh thành đã tham gia điều tra trong Dự án nghiên cứu trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam – Bằng chứng qua điều tra doanh nghiệp năm 2010, được thiết kế bởi Nhóm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (DEGR) thuộc Đại học Tổng hợp Copenhagen (Đan Mạch) và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM).
Kết quả cho thấy, các DN có quy mô lớn lại gặp nhiều khó khăn hơn khi cố gắng theo đuổi chiến lược tối ưu của mình. 81% DN phải đối mặt trở ngại khi thực hiện chiến lược nâng cấp, trong đó thiếu vốn/khó khăn trong tiếp cận tài chính được coi là vấn đề nghiêm trọng nhất, hơn cả lo ngại về mức độ cạnh tranh.
DN ngày càng coi trọng hơn đối với công nghệ sản xuất và công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ sản xuất, kinh doanh. 61% DN chỉ sản xuất các sản phẩm cho sử dụng cuối cùng, trong khi 21% DN chỉ sản xuất các sản phẩm trung gian. Khoảng 18% DN sản suất cả sản phẩm cho sử dụng cuối cùng và trung gian. Gần 10% DN ký kết hợp đồng dài hạn (trên 3 năm) trong khi 93,5% DN ký hợp đồng ngắn hạn (dưới 1 năm)…
Đưa ra cảnh báo
Con số thu nhận được không khiến nhiều người bất ngờ, nhưng một lần nữa lại dấy lên sự lo ngại về một hệ thống DN trong ngành quan trọng này “dường như lại không có chiến lược kinh doanh”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng bày tỏ những băn khoăn về kết quả điều tra, ví như khả năng tiếp cận vốn của DN công nghiệp chế tạo và tuổi thọ của DN. “Có tới 80% DN tự đánh giá công nghệ của họ là hiện đại. Nhưng có một thực tế khá phổ biến ở Việt Nam là DN thường tính là thiết bị, công nghệ “mới” từ lúc bắt đầu nhập về sử dụng, nhưng bản thân họ có thể không biết thiết bị nhập về chỉ là hàng tân trang. Ngay trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng vậy, không thiếu những dự án đầu tư chỉ là tháo lắp thiết bị cũ từ nước ngoài mang vào Việt Nam, để tận dụng nhân công rẻ” – bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Kết quả điều tra một lần nữa chỉ rõ bức tranh buồn về độ lan tỏa của công nghệ, khi trước đây chúng ta đã kỳ vọng rất nhiều ở đầu tư nước ngoài như lực lượng chính mang lại tác động lan tỏa công nghệ, nhưng thực tế mực độ lan tỏa công nghệ cả bề rộng và chiều sâu là khá yếu ớt, gần như là không có dấu ấn gì.
Nhân tố chuyển giao công nghệ thường gắn với các hợp đồng dài hạn. Các DN nhỏ và siêu nhỏ ít có khả năng ký hợp đồng dài hạn với khách hàng, và con số 93,5% các hợp đồng hiện tại có thời hạn dưới 1 năm cũng cho thấy đa phần DN công nghiệp, chế tạo là nhỏ và siêu nhỏ, và như vậy khả năng chuyển giao công nghệ giữa DN Việt Nam với đối tác bên ngoài rất ít. “Đó là một cảnh báo cả về chiến lược kinh doanh, chứ không phải chỉ là chiến lược công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam” - bà Lan nhận định.
Tuấn An