“Đây là bản quy hoạch xi măng lần thứ 3 và có thể đây sẽ là bản quy hoạch cuối cùng” - PGS.TS Lương Đức Long - Viện trưởng Viện VLXD cho hay.
Dư cung - hụt cầu
Trước đó, từ tháng 9/2016 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tổ chức rà soát việc thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 19/8/2011 (gọi tắt là QH 1488), trên cơ sở đó tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ bản quy hoạch mới định hướng đến năm 2035.
Trước lần rà soát này, Bộ Xây dựng đã 2 lần rà soát và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung QH 1488. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 14 dự án xi măng quy mô công suất nhỏ (dưới 0,91 triệu tấn/năm/dự án), tương đương tổng công suất 8,7 triệu tấn) ra khỏi QH; hoãn triển khai 12 dự án (tổng công suất 15,46 triệu tấn) nhưng đã bổ sung 3 dự án vào QH, gồm Long Sơn 1 (Thanh Hóa); Đô Lương 1 và Đô Lương 2 (Nghệ An) với tổng công suất thiết kế 6,9 triệu tấn.
Theo QH 1488, đến năm 2015, tổng công suất thiết kế sản xuất xi măng là 94,24 triệu tấn, năm 2020 sẽ tăng lên mức 129,52 triệu tấn, và vào năm 2030 sẽ đạt con số 139,34 triệu tấn. Trên thực tế tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng công suất cũng đã tiệm cận đến mức dự báo, đạt 89 triệu tấn/năm. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước chỉ đạt 59,92 triệu tấn, xuất khẩu được 15,29 triệu tấn.
Theo PGS.TS Lương Đức Long, nhìn vào số liệu trên có thể thấy cung xi măng hiện tại đã thừa so với cầu. Trong khi còn có 5 dự án đang xây dựng và sẽ đi vào trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bổ sung thêm nguồn cung 12,7 triệu tấn, nâng tổng công suất đến năm 2020 đạt mức 101 triệu tấn.
“QH 1488 dự báo nhu cầu xi măng trong nước đến lúc đó đạt khoảng 95 triệu tấn, nhưng theo tôi con số sẽ không đạt mức đó được. Bởi năm ngoái mới chỉ đạt mức 59,9 và bốn năm nữa nhu cầu không thể tăng đột biến như vậy” - ông Long nhận định.
Âm thầm tăng 20% công suất
Viện trưởng Viện VLXD cho rằng, việc dư cung xi măng đến nay chưa gây ra hậu quả gì lớn bởi các nhà sản xuất đã ứng phó nhanh, chủ động tìm kiếm các thị trường nước ngoài có nhu cầu để xuất khẩu. “Khó khăn là có nhưng chưa có nhà sản xuất xi măng nào phá sản”, ông Long khẳng định.
Với sự mất cân đối cung - cầu nêu trên, điều gì sẽ xảy ra nếu thị trường xuất khẩu có biến động? Theo tìm hiểu của PLVN, nguồn cung xi măng vẫn đang tiếp tục được bổ sung một cách “ngoài luồng”. Theo đó, tại một số địa phương, do vị trí kinh doanh thuận lợi, nhiều nhà máy xi măng đã và đang âm thầm cải tạo, nâng cao công suất so với thiết kế ban đầu để tranh thủ kiếm lời.
Theo QH 1488, dây chuyền sản xuất xi măng của Nhà máy xi măng Nam Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) thuộc Công ty CP xi măng Sài Sơn có công suất 350 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2016, công ty này đã “nhờ” Viện VLXD giúp cải tạo công nghệ thiết bị của nhà máy. Mặc dù được gọi với tên nghe rất “lọt tai” là “Dự án cải tạo thiết bị công nghệ tiết kiệm năng lượng” nhưng kỳ thực hệ quả của dự án là công suất tăng thêm 20%.
Theo một chuyên gia về công nghệ sản xuất xi măng, chỉ các lò xi măng mang công nghệ Nhật thì không có cách nào để “cải tạo” thêm, còn các lò xi măng công nghệ Châu Âu cải tạo sẽ tăng được khoảng 5 -10%; lò Trung Quốc có thể tăng lên đến 15-20% so với công suất thiết kế.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lương Đức Long thẳng thắn: “Tại sao các nhà máy không được cải tạo, nâng cao công suất chỉ vì quy hoạch đã ghi một con số như vậy? Hiện, ta vẫn làm quy hoạch sản phẩm, nhưng theo xu thế phát triển thì tiến tới Nhà nước không nên can thiệp sâu, nhiều hay ít nên để thị trường quyết định và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm”.
Được biết, Luật Quy hoạch cũng đang được Quốc hội xem xét theo hướng loại bỏ quy hoạch sản phẩm như TS. Long nói. Tuy nhiên, cho đến khi có khuôn khổ pháp lý mới thì “luật chơi” hiện tại cần được tuân thủ. Vấn đề đối với các nhà máy xi măng là tăng công suất sẽ đồng nghĩa với việc tăng sản lượng khai thác tài nguyên khoáng sản đá vôi, gắn liền với các khoản nghĩa vụ thuế, phí liên quan.
Nếu như việc “âm thầm” tăng công suất không được minh bạch, thì không những không công bằng đối với các thành viên khác tham gia thị trường, gia tăng nguy cơ “khủng hoảng thừa” mà còn gây ra những quan ngại về thất thu ngân sách.