Công nhân mất việc, thiệt hại hàng triệu USD vì một con dấu

 Mới đây,  toàn bộ hơn 500 công nhân Công ty TNHH Ecosoft Việt Nam đã đình công, yêu cầu được giải quyết lương và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong khi đó, cả ban điều hành của công ty cũng như “ngồi trên đống lửa”. Gần như mọi hoạt động doanh nghiệp đã bị đình trệ từ sau khi  Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHCVTTXH)- Công an tỉnh Đồng Nai  có văn bản thông báo con dấu của công ty không còn giá trị sử dụng.

Toàn bộ hơn 500 công nhân Công ty TNHH Ecosoft Việt Nam đã đình công, yêu cầu được giải quyết lương và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong khi đó, cả ban điều hành của công ty cũng như “ngồi trên đống lửa”. Gần như mọi hoạt động doanh nghiệp đã bị đình trệ từ sau khi  Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHCVTTXH)- Công an tỉnh Đồng Nai  có văn bản thông báo con dấu của công ty không còn giá trị sử dụng.

Tranh chấp nội bộ công ty

Năm 2006, Công ty TNHH Ecosoft Việt Nam (sau đây viết tắt là Cty Ecosoft) được Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trụ sở của công ty tại Khu công nghiệp Amata, với trên 500 công nhân, ngành nghề là may gia công, hàng hoá được xuất qua Mỹ và Đài Loan. 

a
Trụ sở Công ty TNHH Ecosoft (Việt Nam ) tại Khu công nghiệp Amata.

Cty Ecosoft do ông Wan Shun Hsu (quốc tịch Mỹ) là người đại diện theo pháp luật nhưng thực tế việc điều hành, quản lý công ty do ông Lin Pei Tong (quốc tịch Đài Loan) và bà Lin Hsuan Jung (quốc tịch Mỹ) đảm nhiệm từ ngày thành lập đến nay.

Toàn bộ nhà xưởng, máy móc là tài sản của ông Lin Pei Tong và bà Lin Hsuan Jung; còn ông Wan Shun Hsu chỉ là người đứng tên trên danh nghĩa. Các giấy tờ thành lập, hoạt động kinh doanh, quan hệ với đối tác và con dấu của công ty đều do ông Lin Pei Tong và bà Lin Hsuan Jung quản lý và điều hành. Ông Wan Shun Hsu cũng đã có văn bản uỷ quyền về việc này.

Đến năm 2009, khi Cty Ecosoft hoạt động có hiệu quả thì xảy ra tranh chấp giữa ông Wan Shun Hsu và ông bà Lin Pei Tong- Lin Hsuan Jung. Việc tranh chấp về tài sản không được giải quyết êm thấm nên các bên đã đưa sự việc ra toà án. Hiện nay, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai đang thụ lý vụ kiện tranh chấp tài sản giữa ông Wan Shun Hsu và ông bà Lin Pei Tong – Lin Hsuan Jung.

Cấp con dấu thứ hai

Trong khi vụ tranh chấp nội bộ Cty Ecosoft đang diễn ra thì ông Wan Shun Hsu đã có văn bản cá nhân gửi Công an tỉnh Đồng Nai xin huỷ con dấu công ty đang sử dụng và xin khắc con dấu mới của Cty Ecosoft. Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH- Công an tỉnh Đồng Nai đã tiến hành khắc con dấu thứ hai cho ông Wan Shun Hsu.

Và ngày 14-/5/2010, Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH- Công an tỉnh Đồng Nai đã có Thông báo số 06 về việc con dấu thứ nhất mà Cty Ecosoft đang giữ là không còn giá trị sử dụng. Với thông báo này của Công an tỉnh Đồng Nai, toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh, quan hệ đối tác của Cty Ecosoft đã bị đình trệ vì không có con dấu để giao dịch.

Theo một luật sư, việc Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành khắc con dấu thứ hai của Cty Ecosoft là trái quy định pháp luật hiện hành. Bởi vì, con dấu thứ nhất của công ty không bị mất (theo Khoản 6, Điều 6 Nghị định số 58 ngày 24-/8-/2001 của Chính phủ) và Cty Ecosoft không bị chia tách, sáp nhập, giải thể (theo Điều 7 Nghị định số 58 ngày 24/8/2001 của Chính phủ). Hơn nữa, theo quy định pháp luật, khi có con dấu mới thì con dấu cũ phải bị thu hồi, nộp lại cơ quan công an. Thế nhưng, hiện nay con dấu thứ nhất vẫn còn ở Cty Ecosoft.

Ngoài ra, theo luật sư này, việc quản lý, sử dụng con dấu thứ hai của Cty Ecosoft cũng trái pháp luật. Khoản 4, Điều 6 Nghị định 58 ngày 24/8/2001 của Chính phủ, quy định: “Con dấu phải được để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ”.

Thế nhưng, hiện nay con dấu thứ hai không được để tại Cty Ecosoft, mà do ông Wan Shun Hsu chiếm giữ, trong lúc ông Hsu không một ngày nào điều hành công ty. Nếu ông Wan Shun Hsu xuất cảnh và đem theo con dấu thì ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đình đốn hoạt động của Cty Ecosoft ?

Thiệt hại hàng triệu USD, hơn 100 công nhân mất việc

Ông Lin Pei Tong, giám đốc Cty Ecosoft cho biết: Kể từ ngày 17/5/2010, khi có văn bản của Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH- Công an tỉnh Đồng Nai thông báo con dấu thứ nhất của công ty không còn giá trị thì mọi hoạt động của công ty đã bị đình trệ.

Tính đến nay, thiệt hại mà công ty phải gánh chịu là rất lớn. Tháng 6/2010 công ty không xuất được 70.000 chiếc áo cho đối tác nên bị phạt 2 triệu USD; tháng 7/2010 không xuất được 60.000 chiếc áo nên bị phạt 1,5 triệu USD; tháng 8/2010 không xuất được 100.000 chiếc áo nên đang đối diện mức phạt 3 triệu USD.

Trong tháng 9/2010, nếu công ty không xuất được 150.000 chiếc áo sẽ bị đối tác phạt 4,5 triệu USD. Cũng vì không có con dấu nên công ty không rút được tiền ở ngân hàng để trả lương cho công nhân, dẫn đến việc công nhân đã nhiều lần đình công. Hiện công ty phải đi vay tiền bên ngoài để trả lương cho công nhân và phải cắt giảm từ 550 công nhân xuống còn hơn 400 công nhân.

Đứng trước tình thế nguy cấp này, ông Lin Pei Tong, giám đốc Cty Ecosoft đã gửi nhiều đơn thư kêu cứu đến các cơ quan hữu quan ở Đồng Nai. Ngày 1/6/2010, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn số 4233 gửi giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu xem xét, giải quyết việc khiếu nại của Cty Ecosoft.

Tiếp theo đó, ngày 25/6/ 2010 UBND tỉnh Đồng Nai lại có công văn số 5089 gửi giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị giám đốc Công an tỉnh thực hiện, trả lời và báo cáo kết quả lên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong tháng 6/2010. Thế nhưng, cho đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai vẫn im lặng, không có văn bản trả lời.

Thiết nghĩ, Toà án tỉnh Đồng Nai đã thụ lý vụ kiện thì việc tranh chấp tài sản giữa ông Wan Shun Hsu và ông bà Lin Pei Tong – Lin Hsuan Jung sẽ do tòa giải quyết, Công an tỉnh Đồng Nai và chính quyền tỉnh Đồng Nai cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ việc ngưng trệ hoạt động ở Cty Ecosoft để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và công ăn việc làm cho công nhân.

Nguyễn Hạnh Nguyên

Đọc thêm