Ở Việt Nam, ngoài dân tộc Kinh, 53 dân tộc khác đều thuộc diện được TGPL khi họ “cư trú ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn” theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL. Trường hợp người dân tộc thiểu số không cư trú ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn thì được TGPL khi họ là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người có khó khăn về tài chính (thuộc hộ cận nghèo hoặc đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng): thân nhân liệt sĩ, người nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi, người khuyết tật, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình,...
Chính sách TGPL còn được quy định trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quy định địa bàn xã, ấp thuộc vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn; phê duyệt xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc…
Ở Kiên Giang, tính đến thời điểm hiện tại có 10 xã và 15 ấp thuộc vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, là: Bình Giang, Thổ Sơn (Hòn Đất); Phú Lợi, Vĩnh Điều, Vĩnh Phú, Phú Mỹ, Tân Khánh Hòa (Giang Thành); Vĩnh Phú (Giồng Riềng); An Minh Bắc, Minh Thuận (U Minh Thượng). Các ấp: Vàm Răng, Hòn Sóc, Giồng Kè, Ranh Hạt (Hòn Đất); Kinh Làng Đông (An Biên); Xà Xiêm, Minh Hưng, Hòa Hưng, khu phố Minh Lạc (Châu Thành); Kinh Năm (U Minh Thượng); Giồng Đá (Giồng Riềng); Tràm Trổi, Tà Teng, Cỏ Quen, Giồng Kè (Giang Thành). Có 49 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025 ở 11 huyện, TP, trong đó nhiều nhất tại các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và Hòn Đất.
Triển khai các chương trình, kế hoạch, Trung tâm TGPL Nhà nước Kiên Giang đã phối hợp Phòng Tư pháp và UBND các xã tổ chức hội nghị tập huấn, tư vấn pháp luật và các hoạt động TGPL khác cho 874 đại biểu là trưởng ấp/khu phố, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở và đại diện Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer… tại 15 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số: Ngọc Chúc, Ngọc Hòa, Vĩnh Phú, Vĩnh Thạnh, Thạnh Hưng, Long Thạnh (Giồng Riềng); Định An, Định Hòa, Thới Quản (Gò Quao); Bình An, Bình Trị (Kiên Lương); Vĩnh Hòa Phú, Bình An (Châu Thành); Sơn Kiên, Kiên Bình (Hòn Đất).
Các hoạt động truyền thông về TGPL được đẩy mạnh trên báo, đài, cổng thông tin điện tử của Trung tâm; phát 14.859 bản thông tin và tờ gấp các loại.
Với nhiều biện pháp đồng bộ, công tác dân tộc trong hoạt động TGPL năm 2022 ở Kiên Giang đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thể hiện qua việc nhận biết của cán bộ cơ sở về TGPL được nâng lên; sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan với Trung tâm TGPL Nhà nước chặt chẽ hơn; 157 người dân tộc thiểu số và người thuộc diện TGPL khác thuộc vùng dân tộc thiểu số được TGPL, bao gồm: tư vấn 12 vụ việc, tham gia tố tụng bào chữa/bảo vệ 144 vụ (hình sự 98 vụ, dân sự 46 vụ) và đại diện ngoài tố tụng 1 vụ.