Đại biểu tham dự lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi trực tuyến. |
Tiếp nối sự thành công của các Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức trong thời gian qua. Cuộc thi Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật” diễn ra từ ngày 27/9 - 27/10, với mục tiêu góp phần nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật nói chung và pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý, niềm tin pháp luật trong đời sống xã hội. Đồng thời, cuộc thi này còn là phương thức rất hiệu quả để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vì sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo đó, qua 1 tháng tổ chức Cuộc thi toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 19.615 lượt thí sinh tham gia dự thi, tăng 8.989 lượt thi so với Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” đầu năm 2024. Đồng thời, đây là lần thứ hai Sở Tư pháp tổ chức cuộc thi trực tuyến với nội dung "Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật".
Ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu, trao giải Nhất cho tập thể Trường THPT Gía Rai (thị xã Gía Rai) và giải Nhất cá nhân cho bạn Huỳnh Ngọc Hạ Vi (ngụ ở khóm 1, phường 7, thành phố Bạc Liêu). |
Ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, cho biết: “Qua thời gian tổ chức cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật” đã nhận được sự tham gia hưởng ứng, tuyên truyền, phát động tích cực của các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, các doanh nghiệp và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ thông, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Cuộc thi đã có sự tham gia dự thi của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong đó, có những tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng tích cực tham gia cuộc thi”.
Ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, trao giải Nhì cho tập thể Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình). |
“Để thực hiện Kế hoạch hàng năm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu, nhằm tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, Sở Tư pháp (Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật. Vì vậy, rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong công tác chỉ đạo, truyền thông, phát động về các Cuộc thi và sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong ý thức tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu mong muốn.
Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến đã trao 5 giải tập thể (1 giải Nhất, 1 giải Nhì; 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Đồng thời, Ban Tổ chức trao 09 giải cá nhân (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
Bà Phạm Thị Mỹ Linh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu trao giải Ba tập thể cho UBND xã Tân Phong (thị xã Giá Rai). |
Ông Lâm Danh Nhân - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu trao Giải Khuyến khích cho tập thể Trường THPT Bạc Liêu và Trường ĐH Bạc Liêu. |
Đại diện cho các tập thể, cá nhân đạt giải, bạn Huỳnh Ngọc Hạ Vi (ngụ ở khóm 1, phường 7, thành phố Bạc Liêu) đạt giải Nhất, chia sẻ: “Qua cuộc thi giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn chính sách, pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật, về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và trách nhiệm tìm hiểu pháp luật của mỗi công dân. Đặc biệt, tìm hiểu pháp luật nói chung và pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm mà bản thân mỗi chúng tôi phải thực hiện để không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật nói chung và kiến thức pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng để thực hiện và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện”.