Luật Nuôi con nuôi đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Ngày 01/02/2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi của Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật.
Hơn 30.500 trẻ em được nhận làm con nuôi
Kể từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi trong giai đoạn 2011-2020, trên toàn quốc đã giải quyết 30.519 trẻ em làm con nuôi trong nước và nước ngoài, trong đó đã giải quyết 26.623 trẻ em làm con nuôi trong nước (chiếm hơn 87,2%). Qua số liệu này cho thấy, số lượng trẻ em được cho làm con nuôi trong nước cao gấp gần 7 lần so với số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, điều này phản ánh đúng chủ trương của nhà nước về lĩnh vực con nuôi.
Theo kết quả kiểm tra và khảo sát năm 2021, khi đăng ký việc nuôi con nuôi, các công chức tư pháp - hộ tịch đều ý thức được trách nhiệm theo dõi việc nuôi con nuôi. Cụ thể, khi tiến hành đăng ký nuôi con nuôi, công chức tư pháp - hộ tịch thông báo, nhắc nhở cha mẹ nuôi thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi cho UBND cấp xã. Việc kiểm tra, theo dõi việc nuôi con nuôi được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện làm việc, điều kiện cư trú của người dân địa phương.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi trao Quyết định nuôi con nuôi cho 91 gia đình từ châu Âu |
Như: trực tiếp đến gia đình cha mẹ nuôi để kiểm tra; gửi văn bản đề nghị cha mẹ nuôi thông báo tình hình phát triển của con nuôi; gọi điện thoại đôn đốc, nhắc nhở, trao đổi với nhà trường, cơ quan đoàn thể ở địa phương; nắm bắt thông tin khi công dân đến UBND cấp xã xin trích lục bản sao hộ tịch; lập đoàn kiểm tra hàng năm đến trực tiếp gia đình nhận con nuôi để theo dõi hoặc thăm hỏi trẻ em được nhận làm con nuôi vào những ngày lễ, tết thiếu nhi.
Nội dung kiểm tra, theo dõi tương đối phong phú, phản ảnh được những mặt phát triển cơ bản của con nuôi về thể chất, sự hòa nhập với môi trường gia đình, xã hội mới, về việc có hành vi xâm hại con nuôi hay không và các nội dung khác như: con nuôi có ở chung với cha mẹ nuôi hay không; điều kiện nuôi dưỡng của cha mẹ nuôi như thế nào, cha mẹ nuôi có yêu thương, chăm sóc con nuôi chu đáo hay không; con nuôi có được tạo điều kiện để đi học hay không...
Bên cạnh đó, công tác xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài được thực hiện tốt, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Việc giải quyết cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi nước ngoài vừa tạo cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường gia đình cha mẹ nuôi phù hợp, vừa tạo điều kiện cho trẻ em sớm được điều trị bệnh, khuyết tật trong điều kiện y tế hiện đại của nước ngoài, trong khi ở Việt Nam khó có thể có được những điều kiện chữa trị cho các cháu.
Đây là kết quả nổi bật trong giai đoạn 10 năm thực thi Luật Nuôi con nuôi, là khâu mấu chốt, tạo tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục tiếp theo trong quá trình cho nhận con nuôi nước ngoài; đồng thời cũng là biện pháp bảo đảm nhằm thực thi tốt Công ước La Hay. Cho đến nay, việc xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài đã được thực hiện đối với tất cả các trường hợp, về cơ bản tuân thủ đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, góp phần tạo điều kiện cho nhiều trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo sớm tìm được gia đình thay thế phù hợp, được chữa bệnh kịp thời và được chăm sóc trong môi trường gia đình.
Dấu ấn trong quan hệ hợp tác ngoại giao
Sau 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước LaHay số 33, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp và tạo dựng được niềm tin của các Nước nhận là thành viên của Công ước La Hay số 33; sự đánh giá cao của một số nước gốc trong khu vực và khẳng định được vai trò là một thành viên tích cực, tránh nhiệm của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế; củng cố và tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác quốc tế với những nước có quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam, tranh thủ được sự hỗ trợ từ Cơ quan Trung ương và Chính phủ của các nước.
Thực tế những năm qua cho thấy, trong quá trình thực hiện Hiệp định hợp tác song phương đã có một số nước tích cực trợ giúp Việt Nam trong việc trợ giúp kỹ thuật, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về con nuôi quốc tế theo quy định của Hiệp định. Đặc biệt phải kể đến sự hỗ trợ phi dự án của Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của Pháp (2016-2019), Ai-len (2019), Italia (2018 -2019)... để tiến hành các hoạt động tập huấn, soạn thảo tài liệu hướng dẫn các quy định về nuôi con nuôi nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn trong việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi.
Trên cơ sở cơ chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các bên, Việt Nam nắm bắt kịp thời các thông tin, các phản ánh của các Nước nhận về hoạt động của các tổ chức con nuôi được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, về các vấn đề khác có liên quan như hỗ trợ, tặng cho của cha mẹ nuôi và các tổ chức con nuôi nước ngoài... Qua đó, có những nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh những hành vi thực hiện không tốt Công ước, để đảm bảo Công ước được tuân thủ tại Việt Nam.
Đồng thời, các nước nhận được kịp thời các thông tin về pháp luật, chính sách và tình hình giải quyết nuôi con nuôi của Việt Nam, qua đó, các bên hiểu nhau hơn, giải quyết được những vấn đề khác biệt về nhận thức, tạo ra sự tin tưởng của các nước đối với Việt Nam. Vì thế, việc tiến hành các thủ tục nuôi con nuôi quốc tế cũng như theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được được thực hiện hiệu quả, không phát sinh các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, trong những năm qua, do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình trạng trẻ em Việt Nam đã có quyết định cho làm con nuôi nước ngoài nhưng chưa thực hiện được thủ tục bàn giao đã ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của trẻ em và của cha mẹ nuôi người nước ngoài. Do đó, Lễ giao nhận 92 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cư trú tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho 91 gia đình cha mẹ nuôi của 08 nước châu Âu đã được tổ chức tập trung, an toàn và thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sự kiện này là minh chứng cho thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác nuôi con nuôi, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ, ngành Tư pháp trong thúc đẩy công tác con nuôi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ em được nuôi dưỡng và phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, qua đó đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Nhà nước, thực thi hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên cũng như góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, đất nước ta.
Hoạt động này nhận được sự quan tâm của xã hội cũng như tạo dấu ấn sâu sắc trong quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam với Châu Âu, thể hiện gốc rễ nhân đạo. Các nước đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt công tác đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có mục tiêu vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập, đặc biệt là cơ sở tôn giáo chưa có biện pháp hữu hiệu để tìm gia đình thay thế. Còn tình trạng thỏa thuận cho nhận con nuôi bằng giấy viết tay, hoặc tự ý đem trẻ bị bỏ rơi về chăm sóc… không tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi… Do đó, trong thời gian tới, việc sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi cần thiết phải đáp ứng các điều kiện, như: thể chế hoá các chính sách của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, thông qua việc phát triển dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi có tính tới yếu tố xã hội hóa một số khâu trong thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi.
Tiếp tục nội luật hóa Công ước La Hay nhằm bảo đảm sự phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Công ước như việc tách bạch hỗ trợ nhân đạo trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, bổ sung hệ quả của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; quy định rõ trường hợp nào là nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo tiêu chí thường trú của cha mẹ nuôi và trình tự thủ tục thực hiện.
Tăng cường bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em được cho làm con nuôi trong nước thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy trình đánh giá điều kiện đối với người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi trên phương diện gia đình, xã hội, tâm lý và pháp lý, nhằm khắc phục tình trạng người nhận con nuôi tự ý tìm kiếm trẻ em được nhận làm con nuôi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Thể chế hóa công tác phối hợp liên ngành trong việc giải quyết nuôi con nuôi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tạo điệu kiện thuận lợi cho việc giải quyết nuôi con nuôi…