Nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2019, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác năm 2020, hôm nay 24/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 64 điểm cầu.
Ngay từ đầu năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát phương châm của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong công tác chỉ đạo, điều hành; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Nhờ vậy, toàn ngành Tư pháp đã tổ chức triển khai đầy đủ tất cả các chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Trao Quyết định của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người Lào di cư tự do cư trú tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa |
Đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Thực hiện chức năng quan trọng hàng đầu trong quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất định hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương năm 2019 đã tập trung tổng kết, đánh giá và tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng Báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội về tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013; chuẩn bị Báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 8.
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 18 dự án luật và nhiều nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác. Riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; cho ý kiến đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Chất lượng hồ sơ các dự án luật, nghị quyết tiếp tục được cải thiện; các dự án do Chính phủ trình được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao. Nội dung của các luật, nghị quyết đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 881 VBQPPL (giảm 108 văn bản so với năm 2018); các địa phương ban hành 3.556 văn bản cấp tỉnh (tăng 6,3%), 1.074 văn bản cấp huyện (giảm gần 34%) và 3.524 văn bản cấp xã (giảm 57%). Như vậy, số lượng VBQPPL được ban hành tiếp tục giảm mạnh so với những năm trước, nhất là ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Chất lượng VBQPPL do các cơ quan ở Trung ương và địa phương ban hành được bảo đảm hơn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng, ban hành và trình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh được các bộ, cơ quan ngang bộ chú trọng. Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá nhiệm vụ này. Năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 49 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh.
Dấu ấn tích cực trong nhiều lĩnh vực
Đối với các lĩnh vực công tác khác của ngành, đáng chú ý phải kể đến công tác thẩm định VBQPPL, vốn là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Trong năm 2019, công tác này tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Bộ Tư pháp đã thẩm định 25 đề nghị, các Sở Tư pháp thẩm định 354 đề nghị xây dựng VBQPPL. Toàn ngành đã thẩm định 6.606 dự thảo VBQPPL, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 252 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 744 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.573 dự thảo và 1.037 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định.
Công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng bám sát và kịp thời hơn với công tác ban hành VBQPPL; đảm bảo sự chủ động của các cơ quan trong phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện và đôn đốc xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; ngăn ngừa hậu quả, tác hại do văn bản trái pháp luật gây ra đối với xã hội. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 4.885 VBQPPL; qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 165 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành và văn bản không phải VBQPPL nhưng có chứa quy phạm pháp luật (đến nay có 69/165 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý).
Thể chế cho công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính được chú trọng hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS… Bộ Tư pháp và các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Kết quả THADS năm 2019 (từ ngày 1/10/2018 đến ngày 30/9/2019) cho thấy số lượng việc và nhất là số tiền đã thi hành xong tăng cao so với năm 2018 và tăng rất cao so với đầu nhiệm kỳ.
Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp (ở cấp tỉnh) và trong lĩnh vực tư pháp (ở cấp xã) đạt mức cao (đạt 83,08% ở cấp tỉnh và 84,04% ở cấp xã). Một số địa phương tích cực nghiên cứu, thử nghiệm các sáng kiến cải cách liên quan đến công tác tư pháp (như UBND TP HCM, tỉnh Hải Dương chỉ đạo ban hành Quy chế phối hợp liên thông các thủ tục: cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh).
Năm 2019 là năm cuối thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các địa phương liên quan hướng dẫn việc lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, hồ sơ đăng ký khai sinh, kết hôn cho người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong danh sách đã được phê duyệt hiện cư trú tại các tỉnh biên giới với Lào. Chủ tịch nước đã ký Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 1.262 trường hợp, đánh dấu sự thành công trong thực hiện Thỏa thuận, đem lại quốc tịch và các giấy tờ hộ tịch cho hàng nghìn người dân…
Công tác trao đổi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo thực hiện thống nhất, kịp thời, bảo đảm sự thông suốt, gắn kết trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế các cấp. Bộ đã tiếp nhận, trả lời gần 800 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương (trong đó, có 502 kiến nghị gửi trực tiếp đến các đơn vị thuộc Bộ, 107 kiến nghị được gửi qua các báo cáo sơ kết 6 tháng, 185 kiến nghị được gửi qua các báo cáo tổng kết); 124 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, 7 Quốc hội khóa XIV; 20 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Hệ thống theo dõi của Văn phòng Chính phủ.