Thực sự khẳng định được vai trò của ngành Tư pháp
Thưa Phó Chủ tịch, với cương vị Lãnh đạo tỉnh phụ trách công tác tư pháp, ông đánh giá như thế nào về công tác tư pháp của tỉnh nhà trong năm 2016?
- Năm 2016 là năm đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2020 và là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Với ý nghĩa đó, ngay từ đầu năm UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động chỉ đạo công tác tư pháp bám sát vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2016, chỉ đạo cụ thể của Bộ Tư pháp và các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai công tác tư pháp năm 2016 một cách bài bản, khoa học, trọng tâm, trọng điểm và có giải pháp thực hiện phù hợp góp phần phục vụ tốt yêu cầu và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong năm qua, chúng ta có thể thấy rõ sự phát triển nhanh chóng của ngành Tư pháp. Ngành tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò, chức năng trong việc tham mưu ở lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác tư pháp, đặc biệt là vai trò của ngành Tư pháp trong phối kết hợp để tham gia vào quản lý, điều hành và chỉ đạo của UBND, của lãnh đạo UBND tỉnh đã được khẳng định rất rõ ràng. Cùng với đó, công tác chuyên môn trên các lĩnh công tác tiếp tục được nâng cao, với khối lượng công việc tăng và ngày càng đi vào chiều sâu. Tổ chức bộ máy của ngành thường xuyên được củng cố, kiện toàn và phát triển. Đến nay, ngành Tư pháp đã có hệ thống tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức ở cả 3 cấp chính quyền, với lực lượng cán bộ ngày càng được chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả đảm bảo cho việc triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp một cách thống nhất, đồng bộ, thông suốt từ tỉnh tới cơ sở.
Nhìn vào cả quá trình cống hiến và trưởng thành cũng như những kết quả đã đạt được trong năm 2016, có thể nói ngành Tư pháp đã thực sự khẳng định được vai trò của mình đóng góp trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang. |
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về vị trí, vai trò của công tác tư pháp
Là một trong số ít các địa phương luôn quan tâm đến công tác tư pháp, ông có thể chia sẻ suy nghĩ của cá nhân về vai trò, ý nghĩa thiết thực của công tác tư pháp trong quá trình phát triển của Vĩnh Phúc?
- Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến đạt 8,56%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao so với cùng kỳ, ước tổng thu ngân sách nhà nước cả năm đạt trên 30.000 tỷ đồng, vượt dự toán; hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư có nhiều đổi mới; các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo; hệ thống chính trị các cấp được xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Có được những kết quả quan trọng này là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo kịp thời, chủ động của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có ngành Tư pháp. Với những đóng góp tích cực được đánh giá cao trong năm vừa qua, công tác tư pháp đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
Cụ thể là, vai trò của ngành Tư pháp trong công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh được khẳng định rõ ràng và hiệu quả. Với tư cách là thành viên UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tham gia thực chất vào quá trình điều hành của chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành của UBND tỉnh, trong đó Sở Tư pháp vừa chủ động, vừa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ban, ngành có liên quan để tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tuân theo Hiến pháp, pháp luật thông qua việc tham gia ý kiến vào các quyết định đúng pháp luật, sát thực tiễn của UBND tỉnh; tham mưu giải quyết những vướng mắc về pháp lý ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, khiếu nại, kiến nghị của công dân; tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình công tác năm, các kế hoạch, đề án chuyên đề theo chỉ đạo của các cơ quan trung ương, yêu cầu của HĐND tỉnh; tư vấn để UBND tỉnh giải quyết các vấn đề thuộc thẩm thẩm quyền, đặc biệt phương hướng, biện pháp giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài liên quan tới thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đề nghị của các doanh nghiệp về giải quyết các thủ tục đầu tư, chế độ hỗ trợ, thu hút đầu tư, giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) gắn kết với kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật nên chất lượng VBQPPL của tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2016. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, đã góp phần đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các lĩnh vực công tác khác có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Nội dung, hình thức phổ biến pháp luật phong phú, đa dạng và sáng tạo, kết quả trợ giúp pháp lý đã giải quyết được nhiều kiến nghị của nhân dân, giảm thiểu các khiếu kiện. Các doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý kịp thời nhằm tiếp cận được các quy định về chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, các quy định bảo đảm kinh doanh an toàn, ổn định và phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, trong năm 2016, ngành tuyên truyền có hiệu quả pháp luật về bầu cử đến cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh nhằm phục vụ tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền pháp luật về đất đai, khoáng sản, đê điều, bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh cho cán bộ và nhân dân các xã ven sông.
Những đóng góp của công tác tư pháp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua, tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, ngành Tư pháp Vĩnh Phúc sẽ có bước “chuyển mình” trong năm mới 2017, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội tỉnh đề ra.
Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quan hệ phối hợp
Bước sang năm 2017, ông có thể chia sẻ UBND tỉnh sẽ có những định hướng gì để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác tư pháp, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
- Trong năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực trong nước và ở tỉnh sẽ tạo ra cả những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, tác động trực tiếp đến tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phải thực sự đoàn kết, quyết tâm cao hơn nữa, năng động, sáng tạo và hành động quyết liệt hơn nữa; tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017, của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Do vậy, đối với công tác tư pháp, UBND tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và hội nhập quốc tế đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trách nhiệm về vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong tình hình mới, từ đó xác định quyết tâm chính trị phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng các ngành, các cấp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng chính quyền vững mạnh.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp ở địa phương. Đổi mới công tác chỉ đạo theo phương châm hướng công tác tư pháp về cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp cấp huyện, cấp xã cho tương xứng với vai trò, nhiệm vụ được giao. Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quan hệ phối hợp của ngành với cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, phục vụ đắc lực việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ba là, triển khai và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với mọi mặt công tác tư pháp theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, chú trọng triển khai những chức năng, nhiệm vụ công tác tư pháp.
Bốn là, tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thẩm định VBQPPL, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng, đề cao trách nhiệm trong hoạt động thẩm định ban hành VBQPPL… Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành theo hướng đề cao trách nhiệm tự kiểm tra, thanh tra kế hoạch; kết hợp đồng bộ trong thực hiện chức năng kiểm tra và thanh tra nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc từ cơ sở và hoàn thiện cơ chế quản lý công tác tư pháp ở địa phương.
* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!