Gương sáng Pháp luật

Cô giáo Việt dạy ngôn ngữ và lan toả văn hoá Việt ở xứ sở hoa Chăm-pa

(PLVN) -  Đền đáp xứng đáng cho sự nỗ lực hết mình trong sự nghiệp giảng dạy Tiếng Việt trên đất nước Triệu Voi, năm 2009, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng.
Năm 2009, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền vinh dự được Chủ tịch nước Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba
Năm 2009, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền vinh dự được Chủ tịch nước Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba

Tôi gặp Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền tại Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” do Đại học Hà Nội tổ chức vào ngày 30/10/2024, hôm đó chị Hiền tham dự hội thảo với tư cách là đại biểu thuộc Đoàn cán bộ, giảng viên khoa Tiếng Việt, Đại học Ngôn ngữ - Trường Đại học Quốc gia Lào. Nữ giảng viên đến từ thủ đô Viêng Chăn với bài tham luận tâm huyết, truyền cảm hứng mạnh mẽ về việc dạy Tiếng Việt trên đất nước Triệu Voi, lan toả văn hoá Việt Nam, với một tình yêu và niềm tự tôn, tự hào dân tộc vô bờ. Bài tham luận “Một số lỗi phát âm thường mắc của sinh viên Lào học tiếng Việt và một vài giải pháp khắc phục” của chị được đánh giá là một bài viết nghiêm túc và có chất lượng, góp phần vào việc giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào đạt kết quả tốt.

Khoảng thời gian ngắn bên lề hội thảo cũng đủ để chị Hiền tranh thủ chia sẻ về công việc dạy tiếng Việt tại trường Đại học Quốc gia Lào, các hoạt động xã hội chị tham gia với tư cách tình nguyện viên phiên dịch Tiếng Việt, các lớp chị tham gia dạy Tiếng Việt miễn phí, và các dự định về các dự án thiện nguyện sắp tới… Tôi thực sự xúc động và cuốn hút bởi người phụ nữ tràn đầy nhiệt huyết, tràn trề năng lượng, hào sảng, với khát vọng dâng hiến hết mình, hào phóng và vô tư cho việc dạy tiếng mẹ đẻ trên đất bạn. “Có những hôm sau một ngày làm việc tất bật, tối Hiền lại đi xe máy hơn 10 cây số đến lớp dạy Tiếng Việt miễn phí. Nhìn các học viên háo hức, mê say với ngôn ngữ của dân tộc, của cội nguồn, thú thật Hiền chỉ ước sao mỗi buổi tối dài ra thêm nhiều giờ nữa, để Hiền có thêm thời gian dạy các em…” - chị Hiền tâm sự.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền với Kỉ niệm chương của cô học trò khoa Tiếng Việt đã đạt giải Nhì cuộc thi kể chuyện Tiếng Việt trong Lễ tôn vinh Tiếng Việt tại Lào tháng 09/2024.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền với Kỉ niệm chương của cô học trò khoa Tiếng Việt đã đạt giải Nhì cuộc thi kể chuyện Tiếng Việt trong Lễ tôn vinh Tiếng Việt tại Lào tháng 09/2024.

Nguyễn Thị Hiền quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm I Hà Nội năm 1995, chị tiếp tục theo học Thạc sỹ chuyên ngành Lý luận Ngôn ngữ. Cơ duyên khiến chị gắn bó với đất nước Lào và quyết định chọn xứ sở hoa Chăm-pa làm quê hương thứ 2 cho cuộc đời mình, theo chị là bởi chữ "Duyên". Thời sinh viên sôi nổi, Hiền yêu anh Xay Nhạ Sản SụkhănThạKhạTỵ (tên tiếng Việt là Toàn Thắng, ông xã Hiền bây giờ)- một nghiên cứu sinh người Lào sang làm luận văn Tiến sĩ tại Việt Nam. Mối tình xuyên quốc gia của họ kéo dài 9 năm, kết quả là đám cưới ngọt ngào diễn ra tại 4 địa điểm: lễ cưới tại nhà vợ - tại quê của Hiền ở Thái Bình, với sự tham dự của đại diện Tham tán Văn hóa Giáo dục, Đại sứ quán Lào; Lễ báo hỷ tại Nhà văn hoá Cầu Giấy, có các thầy cô trường Đại học Sư phạm I Hà Nội; và tiệc cưới tại trường Đại học Quốc gia Lào, nơi hai vợ chồng làm việc và cuối cùng là lễ báo hỉ tại tỉnh Xiêng Khoảng, quê hương của anh Xay Nhạ Sản.

Theo chồng sang định cư ở thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào cuối tháng 10 năm 2002, Hiền đã đăng kí ngay vào học Khóa dự bị tiếng Lào (1 năm học) dành cho người nước ngoài tại khoa Ngữ văn, trường ĐHQG Lào. Tại đây, Hiền còn được các bạn trong nước tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Lớp học của Hiền rất vui vì có người Việt Nam,Trung Quốc, Nhật Bản và người Campuchia. Hiền học chăm chỉ và rất nghiêm túc. Chị luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn thành công trên đất nước họ thì phải thông thạo ngôn ngữ của họ, hiểu biết văn hoá của họ. Điều tâm niệm đó, sau này chị cũng chia sẻ tới các thế hệ học sinh, sinh viên của mình, nhiều người làm theo và đã thành công.

Tháng 10 năm 2003, Chính phủ Lào cho thành lập khoa Tiếng Việt, trường ĐHQG Lào, chị Hiền được nhà trường mời vào làm giáo viên dạy hợp đồng tại khoa Tiếng Việt, Đại học Ngôn ngữ, trường Đại học Quốc gia Lào. Tại đây, chị và thầy Khăm Sỏn, nguyên Chủ nhiệm khoa tiếng Việt đã trở thành hai cán bộ giảng dạy đầu tiên của khoa. Ngày đầu mới thành lập khoa, giáo viên phải “dạy chay” nhưng đến tháng 02/2004 khi về Việt Nam ăn Tết, chị đã chủ động đến khoa Tiếng Việt ở Bis7 Bách Khoa, Hà Nội và bỏ tiền túi ra mua sách dạy tiếng Việt. Việc làm này của chị được thầy GS.TS. Sổm Kốt, nguyên Giám đốc trường ĐHQG Lào đánh giá cao, khen chị là người sáng dạ, dám nghĩ dám làm. Thầy liền đề nghị chị để lại toàn bộ số sách đó cho khoa Tiếng Việt làm tư liệu giảng dạy. Sau đó chị còn xin được Chương trình giảng dạy Tiếng Việt bên Việt Nam để thầy Khăm Sỏn dựa vào đó dựng được khung chương trình dạy Tiếng Việt cho khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào.

Chị Hiền nhận Bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại LàoChị Hiền nhận Bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào

Tại Đại học Quốc gia Lào, công việc chính của chị là giảng dạy, đào tạo sinh viên hệ cử nhân Ngôn ngữ tiếng Việt; ngoài ra chị còn tích cực tham gia dạy tiếng Việt cho học sinh hệ dự bị tiếng Việt, dạy tiếng Việt cho học sinh ở trường Phổ thông và được mời đi dạy nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Việt ở nhiều cơ quan, ban ngành. Chồng chị là Tiến sĩ Văn học, giảng viên khoa Ngữ văn & Báo chí (giờ là “khoa Ngôn ngữ và Văn hóa”) cùng trường.

Không chỉ làm tốt công việc giảng dạy ở Đại học Quốc gia Lào, chị còn tham gia các công việc xã hội với tinh thần trách nhiệm cao. Các Bộ ngành, Đại sứ quán, doanh nghiệp… cần phiên dịch, hỗ trợ về ngôn ngữ Tiếng Việt đều được chị giúp đỡ hết lòng. “Cô Hiền Tiếng Việt” của Đại học Quốc gia Lào trở thành nhân vật được nhiều lãnh đạo, nhiều bộ, ngành, cơ quan ở Viêng Chăn biết đến là vậy.

Năm 2009, chị vinh dự được Chủ tịch nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích dạy Tiếng Việt, lan toả văn hoá Việt trên đất Lào. Chị cũng là một trong số ít công dân nước ngoài được tặng Huân chương cao quý này.

Miệt mài lan toả tinh hoa văn hóa Việt tại xứ sở hoa Chăm pa

Thủ đô Viêng Chăn có trên 100 ngàn người Việt Nam làm ăn, sinh sống, trong đó có nhiều người định cư, lập nghiệp ổn định, chọn nơi này là quê hương thứ hai của mình nên nhu cầu học tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt tương đối lớn. Đặc biệt, đối với người Việt xa quê, việc làm sao để các thế hệ con cháu biết tiếng Việt, duy trì ngôn ngữ của dân tộc luôn là vấn đề cần được ưu tiên. Trước thực tế này, năm 2022, với sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Hội người Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn cùng Chùa Phật tích Viêng Chăn mở lớp Tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt. Lớp học duy trì 3 buổi/tuần, mỗi khóa học kéo dài 06 tháng, học xong được cấp chứng chỉ.

Chị Hiền tham gia dạy Tiếng Việt miễn phí cho dự án của Hội người Việt Nam ở Viêng Chăn ngay từ khoá đầu tiên. Lớp học miễn phí dạy vào các buổi tối, chùa Phật Tích Viêng Chăn ở ngoại ô, nên sau mỗi ngày làm việc, chị tiếp tục đi xe máy hơn 10km đến lớp. Tại các buổi dạy, ngoài dạy chữ cho các em, chị còn chia sẻ những câu chuyện cổ, thành ngữ, ca dao Việt Nam giúp vun đắp cho các em tình yêu đất nước, cội nguồn dân tộc, bồi dưỡng cho các em giá trị đạo đức, truyền thống của người Việt Nam ta. Những câu ca dao tục ngữ chị đã được cha mẹ, thầy cô dạy từ tấm bé, giờ chị truyền dạy lại học sinh của mình trên đất Lào. Nào là “Chị ngã em nâng”, “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”; rồi thì: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm…”

Phải chăng vì thế mà những tiết học của chị luôn mang lại những điều mới mẻ, háo hức mê say. Có những hôm dạy quá giờ, lớp học tiếng Việt miễn phí vẫn sôi nổi vì các em muốn học nữa, không muốn về. Chị chỉ ước sao mỗi buổi tối kéo dài thêm nhiều giờ nữa để chị có thể truyền tải nhiều hơn nữa vốn kiến thức, vốn văn hóa, tình yêu và lòng tự hào với dân tộc đến học sinh của mình! Với chị, đó là niềm hạnh phúc không gì sánh được!

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Tôi rất tâm huyết với Dự án dạy Tiếng Việt cho con em người Việt tại Lào, qua đó không chỉ góp phần gìn giữ Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Lào mà còn lan tỏa Tiếng Việt tới cộng đồng người bản địa, giúp tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt – Lào, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.”

Yêu và tự hào vì mình là người Việt Nam, tình yêu của chị lan toả mạnh mẽ tới gia đình, người thân. Chồng chị là Tiến sĩ Văn học, anh sử dụng Tiếng Việt như tiếng Lào. Hai con gái của chị cũng rất giỏi Tiếng Việt. Vì yêu chị, muốn chị không có cảm giác xa quê, nên ở nhà chị mọi người giao tiếp bằng Tiếng Việt, chỉ có đến trường mới sử dụng tiếng Lào.

Chị Hiền kể, con gái đầu lòng của chị có năng khiếu về hội hoạ. Khi cháu còn nhỏ, ngoài phác hoạ chân dung ba mẹ, vẽ bông hoa hay ông mặt trời, thì bức vẽ cháu yêu thích là chân dung Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc Việt Nam. Năm 2022, cháu thi đỗ 3 trường Đại học và năm 2023 cháu đã được Vụ công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục Lào xét duyệt cho cháu suất học bổng hiệp định sang du học ở Việt Nam. Hiện cháu đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội.

“Lòng biết ơn giúp tôi sống có khát vọng, có trách nhiệm và ý nghĩa hơn”

“Cô Hiền tình nguyện”, “cô Hiền Tiếng Việt”, “Cô Hiền phiên dịch” là những tên gọi thân thương người Viêng Chăn dành cho Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền. Bất cứ sự kiện nào ở Thủ đô Viêng Chăn cần người phiên dịch Tiếng Việt, cần sự hồ trợ về ngôn ngữ Tiếng Việt, chị đều nhiệt tình tham gia với tinh thần trách nhiệm cao.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh tại một lớp học Tiếng Việt thuộc Dự án dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại LàoThạc sỹ Nguyễn Thị Hiền chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh tại một lớp học Tiếng Việt thuộc Dự án dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại Lào

Còn nhớ, năm 2009, kỳ Sea Game 25 tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), chị Hiền và cô con gái lớn với băng rôn khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng luôn đồng hành đi cổ vũ hết mình cho đội tuyển Việt Nam. Ngoài ra, chị Hiền còn tham gia vào đội tình nguyện, làm phiên dịch Tiếng Việt cho các vận động viên và nhà báo Việt Nam. Hình ảnh cô giáo người Việt trên đất nước Triệu Voi cùng cô con gái nhỏ mặc áo cờ đỏ sao vàng, gương mặt kiêu hãnh có dán hình cờ Tổ quốc trên đôi má đã được báo chí, truyền hình đăng tải.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng là thành viên của Hội đồng biên dịch cuốn Ký sự lịch sử “Lần theo dấu tích lịch sử con đường Hồ Chí Minh trên đất Lào”. Cuốn sách phát hành 3000 bản, được giới chuyên gia và độc giả đón nhận nhiệt liệt, đánh giá cao. Chị Hiền chia sẻ: “Mình rất tự hào vì được góp phần giúp các thế hệ người dân hiểu về lịch sử, về sự khốc liệt của chiến tranh. Qua đó thấy được tình hữu nghị đặc biệt thuỷ chung keo sơn gắn bó giữa hai đất nước Việt - Lào.””

Ở cái tuổi không còn trẻ, đảm nhiệm nhiều vai trò giảng dạy ở nhiều nơi, nhưng hễ cơ quan nào có sự kiện cần người phiên dịch Tiếng Việt, bất cứ cá nhân, tổ chức nào gặp khó khăn về ngôn ngữ Tiếng Việt cần sự trợ giúp, là chị Hiền lại cố gắng thu xếp công việc để có mặt.

“Công việc dạy Tiếng Việt không chỉ mang lại cho mình niềm vui, sự tôn trọng của xã hội, mà còn mang lại nguồn thu nhập tốt. Bởi vậy, không chỉ yêu Tiếng Việt, tự đáy lòng mình, tôi biết ơn ngôn ngữ của dân tộc, biết ơn nguồn cội! Và tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình tham gia các công việc thiện nguyện, tình nguyện như một cách để sẻ chia, để tri ân cuộc đời. Lòng biết ơn giúp tôi sống có khát vọng, có trách nhiệm và ý nghĩa hơn” - chị Hiền xúc động chia sẻ.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền - Giảng viên khoa Tiếng Việt, Đại học Ngôn ngữ, Trường Đại học Quốc gia Lào:

-Năm 2009 được Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích dạy Tiếng Việt, lan toả văn hoá Việt trên đất nước Lào.

-Nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương của Trường Đại học Quốc gia Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Hội người Việt Nam tại Viêng Chăn, các Bộ, ngành của Lào tặng thưởng về thành tích dạy Tiếng Việt, tôn vinh văn hoá Việt trên đất nước Triệu Voi.

Đọc thêm