Công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ được Quốc hội đánh giá cao

(PLVN) - Tại phiên thảo luận sáng 29/3 của Quốc hội về các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ là một trong những nội dung được ĐBQH đánh giá là có kết quả tích cực.

Nhiều luật mang lại hiệu quả ngay trong thực tiễn 

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng: 5 năm qua dù có rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ đã chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt, đạt kết quả trên các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch.

Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật được Chính phủ quyết tâm thực hiện, tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là 1 trong những kết quả nổi bật của Chính phủ 5 năm qua, đồng thời cũng là kết quả của QH trong công tác lập pháp.

 Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ninh Đỗ Thị Lan.

Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức hội nghị toàn quốc về hoàn thiện thể chế, chỉ đạo rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xây dựng trên 80 dự án luật, trình QH ban hành, thông qua 72 dự án luật. Qua đó, đã sửa đổi nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, có vướng mắc, không còn phù hợp với thực tiễn.

Nhiều luật thực hiện tính khả thi cao mang lại hiệu quả ngay trong thực tiễn như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đầu tư công, Luật Phòng chống tác hại rượu bia...

Riêng lĩnh vực kinh tế, đã hoàn thiện cơ bản cơ chế chính sách trong hệ thống đầu tư kinh doanh, xây dựng, ngoại thương, xuất nhập khẩu, tài chính, thuế và quản lý nhà nước về kinh tế; đã cụ thể hóa nhiều chủ trương của Đảng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ trình QH ban hành nghị quyết phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quan trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam vào Liên minh châu Âu; xây dựng đề án đề xuất QH có nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển kinh tế một số thành phố lớn, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, từ thực tiễn cuộc sống còn một số bất cập, Chính phủ đã xác định 15 nhiệm vụ cần tập trung trong năm 2021 và thời gian tới. Cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ này, ĐB Lan đề xuất cụ thể về công tác hoàn thiện thể chế.

Theo đó, thực tế cho thấy có quy định không khả thi do chưa đánh giá đủ tác động của chính sách về kinh tế - xã hội, bao gồm cả điều kiện nguồn lực thực hiện; thời gian gấp nên việc lấy ý kiến, thẩm định dự án chưa kỹ lưỡng. Bà Lan đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ của các dự án trước khi trình QH.

Bà Lan cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, trình QH dự án Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quản lý nhà nước về đất công, có cơ chế, chính sách phù hợp để giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo về đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất; sớm hoàn thành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được QH ban hành.

Cần tiếp thu nhiều hơn ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp

Cũng quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) cho biết, QH khóa XIV thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh, nhiều nghị quyết. Trong đó, hầu hết các dự án, dự thảo là do Chính phủ trình, thể hiện Chính phủ đã sâu sát, kịp thời, nắm bắt nhu cầu pháp lý của xã hội, tùy vào từng tình hình, từng thời điểm mà chủ động ban hành các quy định pháp luật cũng như trình Quốc hội, Thường vụ ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại.

 Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An).

Vấn đề này, bà Dung mong muốn trong thời gian tới khi xây dựng các dự án luật cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn, cầu thị hơn, tiếp thu nhiều hơn các ý kiến đóng góp, đặc biệt là các ý kiến trong báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban. Bởi thời gian qua cho thấy, các ý kiến của ĐBQH khi thảo luận dự án luật trình lần đầu phần lớn những ý kiến này đã được báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra phân tích. 

Nếu như ngay từ đầu, dự thảo được tiếp thu sâu sắc hơn, cầu thị hơn thì QH sẽ không mất thêm thời gian cho những dự án chưa chín muồi, chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa đảm bảo phù hợp, khả thi. Thậm chí đã có ĐBQH bức xúc, “trách” Ủy ban Thường vụ QH phải chăng có nể nang để các dự án chưa chín muồi được đưa vào chương trình kỳ họp QH.

Đọc thêm