Công trình khó có nhà thầu mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Đồng bằng sông Cửu Long không thực sự hấp dẫn lắm với các nhà thầu vì những khó khăn trong thi công xây lắp, cũng như những đặc thù về địa hình địa vật. Nhưng những “anh” đã vào tham gia dự án nói trên đều là những nhà thầu có tiềm lực tài chính, thiết bị máy móc và đặc biệt rất thông thuộc địa bàn miền Tây”, ông Lê Quyết Tiến - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) trao đổi với PLVN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 thi công trên công trường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 thi công trên công trường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.

“Căng” nhất là vật liệu đắp đường

Đầu năm 2022, dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã khởi công để kết nối 5 tỉnh, thành là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang và Cần Thơ. Theo Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đến thời điểm này, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cho 4 gói thầu xây lắp; các nhà thầu đã hoàn thành việc xây dựng văn phòng điều hành dự án tại công trường, đang huy động thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công…

Bộ GTVT và chủ đầu tư đã nhận diện được những khó khăn để tập trung tháo gỡ và điều hành dự án, với quyết tâm hoàn thành 35% giá trị hợp đồng trong năm 2023.

Thưa ông, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với dự án Cần Thơ - Cà Mau là vật liệu đắp nền đường, với nhu cầu khoảng 19 triệu m3 cát, trong khi mới có cam kết cung cấp khoảng 1 triệu m3 từ An Giang; các tỉnh khác như Vĩnh Long, Sóc Trăng cũng có loại vật liệu này nhưng do ở hạ lưu sông Tiền, sông Hậu nên chất lượng của cát không cao do lẫn tạp chất?

- Giải phóng mặt bằng, vật liệu đắp nền đường và xử lý nền đất yếu ở dự án này là những vấn đề đặc biệt quan tâm đối với các chủ thể giam gia dự án. Thực tế để đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương nhằm rà soát, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác theo Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời còn rà soát cả những khu vực chưa cấp phép để bổ sung nguồn vật liệu san lấp.

“Theo yêu cầu của Bộ trưởng GTVT, Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ là đầu mối tiếp nhận, xử lý các phản ánh từ các chủ đầu tư, nhà thầu, người dân... về quá trình triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam. Các cán bộ của Cục tới đây sẽ vào công trường nhiều hơn để nắm tình hình, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo bộ về vấn đề chất lượng, tiến độ công trình”, Quyền Cục trưởng Lê Quyết Tiến.

Công tác cấp phép khai thác mỏ thời gian gần đây đã được tạo điều kiện rút ngắn thủ tục, thời gian rất nhiều so với trước. Đặc biệt, các nhà thầu thi công dự án trên địa bàn cũng được cấp mỏ mới để có thể khai thác vật liệu phục vụ thi công dự án. Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long cần ưu tiên vật liệu cát cho dự án này, đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư, các nhà thầu thi công sớm hoàn thiện thủ tục mở mỏ mới ngay trong tháng 2 này để có thể phục vụ cho dự án Cần Thơ - Cà Mau.

Trước mắt, trong khi chưa hoàn thành các thủ tục mở mỏ mới, Bộ GTVT kiến nghị các địa phương cần tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác để có nguồn đưa ngay vào dự án này.

Công trình khó có nhà thầu mạnh

Địa hình miền Tây nhiều sông nước, nền đất lại yếu… sẽ là một trong những trở ngại khi thi công công trình. Thực tế này nếu không có các giải pháp kĩ thuật tối ưu và biện pháp thi công khoa học thì dễ dẫn tới chậm tiến độ?

- Việc xử lý nền đất yếu đối với các dự án hạ tầng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khá phổ biến và cũng cần nhiều thời gian để có thể thi công hoàn thành dự án. Có nhiều giải pháp để xử lý nền đất yếu, những căn cứ vào các điều kiện kinh tế - kĩ thuật, tại dự án án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ sử dụng các cọc cát, bấc thấm để gia tải. Và phải chờ trong một thời gian nhất định cho nền đất ổn định mới thi công.

Tuy nhiên, ở những vị trí địa chất ổn định, Bộ yêu cầu phải khẩn trương thi công, hoàn thiện luôn chứ không chờ để làm đồng loạt nhằm đảm bảo các yêu cầu về tiến độ.

Ông Lê Quyết Tiến - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT)

Ông Lê Quyết Tiến - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT)

Những khó khăn do các yếu tố khách quan nói trên có ảnh hưởng tới việc lựa chọn nhà thầu tham gia dự án này không, thưa ông?

- Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Đồng bằng sông Cửu Long thực sự không hấp dẫn lắm đối với các nhà thầu vì những khó khăn trong thi công xây lắp, cũng như những đặc thù về địa hình địa vật. Nhưng những “anh” đã được lựa chọn vào đây đều có tiềm lực về tài chính, thiết bị máy móc và đặc biệt rất thông thuộc địa bàn miền Tây.

Có thể kể ra vài thương hiệu uy tín trên thị trường xây lắp như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12), Tổng công ty Xây dựng số 1, Trung Nam… Đây là những doanh nghiệp lớn, đã từng thi công xây lắp nhiều công trình dự án hạ tầng ở miền Tây. Đặc biệt, trong số này có những doanh nghiệp của quân đội, với lợi thế đóng quân khắp nơi trong cả nước và tính kỉ luật cao trong lao động sản xuất sẽ là tiền đề quan trọng đảm bảo vấn đề chất lượng, tiến độ công trình sau này.

Nhân lực và xe máy của Binh đoàn 12 trên công trường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Nhân lực và xe máy của Binh đoàn 12 trên công trường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Cụ thể, trong chuyến công tác kiểm tra thực địa dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang hôm 30/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương tinh thần lao động của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) vì đã tổ chức thi công xuyên Tết trên công trường; thực hiện kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng về làm trụ sở Ban quản lý dự án, Ban chỉ huy tiền phương điều hành dự án Cần Thơ - Hậu Giang do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) và liên danh thi công. Tại nhà điều hành dự án này có thể thể kết nối trực tuyến với Bộ Tư lệnh Binh đoàn ở Hà Nội, các đơn vị trực thuộc trên địa bàn cả nước để báo cáo, cập nhật tình hình dự án một cách kịp thời, thông suốt nhất…

Thực tế, các nhà thầu trên tuyến đang trong giai đoạn đầu của dự án, nhưng những chi tiết có tính mắt thấy, tai nghe như thế đã chứng tỏ rằng, dự án này thi công có thể có khó khăn hơn ở các địa bàn khác nhưng các nhà thầu được lựa chọn vào đây đều là những nhà thầu mạnh và chuyên nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tổng trữ lượng các mỏ cát trong quy hoạch ở khu vực này là khoảng hơn 215 triệu m3, trong đó An Giang khoảng 54 triệu m3, Đồng Tháp 33 triệu m3, Vĩnh Long khoảng hơn 42 triệu m3, Sóc Trăng khoảng 85 triệu m3. Tuy nhiên, Vĩnh Long, Sóc Trăng ở hạ lưu sông Tiền, sông Hậu nên chất lượng cát không cao do pha lẫn tạp chất, hàm lượng bùn sét lớn. Ngoài ra, một số địa phương cũng lo ngại việc khai thác cát có thể gây ra nguy cơ sạt lở bờ sông nên vấn đề vật liệu đắp nền trước mắt khá khó khăn.

Đọc thêm