Công ty Mỹ phẩm Nano TechCo cho khách hàng ăn 'trái đắng'?

(PLO) - Thực phẩm chức năng (TPCN) vốn không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nhưng một Cty chuyên về mỹ phẩm đã sản xuất và bán các sản phẩm TPCN được giới thiệu, quảng cáo đến người tiêu dùng như sản phẩm thuốc. 
Dù là thực phẩm chức năng, nhưng Cty TechCo quảng cáo sản phẩm của mình có khả năng “điều trị”

Thực phẩm chức năng trị được... bệnh

Cty TNHH Mỹ phẩm Nano TechCo (sau đây gọi tắt là Cty TechCo) có địa chỉ tại số 149/30 Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Tên gọi là công ty mỹ phẩm, nhưng trên website của công ty này đăng tải và rao bán những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh, liên quan đến các bệnh như tim mạch, viêm gan, đau nhức xương khớp, viêm mũi…

Theo quy định về TPCN, với các sản phẩm chưa được thử nghiệm lâm sàng thì phải ghi rõ dùng để hỗ trợ cho chức năng cơ thể con người, tăng cường sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Còn đối với các sản phẩm đã có thử nghiệm lâm sàng thì phải ghi rõ là hỗ trợ điều trị cho một hoặc một số bệnh cụ thể. Hoặc phải ghi rõ là “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Thế nhưng, phớt lờ những quy định chung đối với TPCN như đã nêu, Cty TechCo ngang nhiên quảng cáo trên trang medihappy.vn nhiều nội dung sai với quy định, khiến người tiêu dùng ngộ nhận những thực phẩm này có khả năng điều trị bệnh, tức là thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, tại mục “Đau nhức xương khớp”, Cty này rao bán sản phẩm Kiện Cốt Vương, giá 180.000 đồng/hộp, với lời quảng cáo có khả năng điều trị viêm khớp, thấp khớp, khô dịch khớp, thoái hóa khớp, thoái hóa đốt sống; đau vai gáy, đau cổ, đau nhức lưng. Cty này cũng hướng dẫn liều lượng sử dụng là “uống đợt một từ 2 đến 4 hộp, nếu thấy hết bệnh thì có thể ngừng sử dụng. Nếu đã thuyên giảm nhiều nhưng chưa khỏi hẳn thì tiếp tục sử dụng 1 đến 2 liệu trình để chữa khỏi bệnh”.

Rõ ràng trong cách giới thiệu, quảng cáo này của Cty sẽ khiến người tiêu dùng ngộ nhận rằng sản phẩm này có khả năng thay thế thuốc chữa bệnh và có tác dụng “chữa khỏi bệnh”.

Tương tự, tại mục “Điều trị viêm gan”, Cty TechCo đăng bán ba sản phẩm TPCN với giá bán từ 120.000 đồng đến 350.000 đồng/hộp. Sản phẩm Gan Vương được bán giá 350.000 đồng/hộp với lời quảng cáo có khả năng “Điều trị viêm gan A B C, viêm gan virus, làm hạ men gan…”.

Nhiều người “ăn” trái đắng?

Đặc biệt, tại mục “Tăng cường sinh lý”, website bán hàng của Cty TechCo bán sản phẩm Cường Lực Vương (giá 560.000 đồng/hộp), được quảng cáo có tác dụng “kéo dài thời gian quan hệ”, “làm to và dài dương vật”. 

Theo các chuyên gia y tế, hiện không có loại biệt dược nào có tác dụng thần dược như những lời quảng cáo trên. Cách quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng của TPCN khiến người tiêu dùng có thể ngộ nhận về tác dụng của sản phẩm, có thể dẫn đến “tiền mất tật mang”. Trong khi đó, nhà sản xuất bán một hộp TPCN Cường Lực Vương, được nói là làm từ cây cỏ tự nhiên nhưng mức giá khá “chát” lên tới hơn nửa triệu đồng một hộp. 

Theo Cty TechCo, các sản phẩm Medi Happy được công ty này sản xuất từ những cây thuốc tự nhiên. Những sản phẩm này được phân phối ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Theo tìm hiểu của phóng viên PLVN, ngoài bán trực tiếp ở các đại lý, Cty này còn bán hàng thông qua trang web của Cty. Trên trang này, Cty đăng hình ảnh các hộp thuốc cùng lời quảng cáo như thuốc chữa bệnh và để lại các số điện thoại, khách hàng có nhu cầu mua chỉ cần gọi điện là có thể được giao hàng đến tận nơi.

Ngoài ra, để thu hút nhiều người biết đến “cửa hàng trên mạng”, Cty TechCo quảng cáo trang web này thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Do đó, lượng người tiếp cận nơi bán hàng trên mạng của doanh nghiệp này rất lớn. Với việc quảng cáo về tác dụng sai quy định như trang web này đã làm, có thể rất nhiều người đã “ăn quả đắng” khi mua phải sản phẩm không có tác dụng đúng như lời quảng cáo.

Theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử, những website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ thì phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, website bán hàng của Cty TechCo có mục “chờ đăng ký Bộ Công Thương”. Như vậy, có thể trang bán hàng này chưa được đăng ký và hoạt động đúng pháp luật?

Trao đổi với PLVN, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các loại TPCN không được quảng cáo có nội dung giống với thuốc. Việc Cty TechCo quảng cáo TPCN dùng hai từ “điều trị”, ông Phong khẳng định: “Các loại TPCN không được quảng cáo có hai từ “điều trị”.

Lập lờ đánh lận con đen?

“Theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử, những website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ thì phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, website bán hàng của Công ty TechCo có mục “chờ đăng ký Bộ Công Thương”. Như vậy, có thể trang bán hàng này chưa được đăng ký và hoạt động đúng pháp luật?”.

Đọc thêm