Tại sao Hà Nội được lựa chọn?
Để có Công ước này là một hành trình dài. Ông Nguyễn Hữu Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) khi bắt đầu có trao đổi liên quan đến không gian mạng cho tới khi quá trình đàm phán công ước về tội phạm mạng được khởi động là quá trình kéo dài gần 20 năm.
Năm 2013, lần đầu tiên văn phòng của LHQ về ma túy và tội phạm ban hành nghiên cứu toàn diện về vấn đề tội phạm mạng trên phạm vi toàn cầu. Tại LHQ, các nước đã tranh luận suốt 5 năm, cho đến năm 2019, qua quá trình trao đổi, các nước nhận thấy rằng, nhu cầu phải có một công cụ ở tầm quốc tế để điều chỉnh vấn đề tội phạm mạng đang rất bức thiết. Vào thời điểm đó, Việt Nam nằm trong nhóm 80 nước ủng hộ việc khởi động tiến trình. Tháng 9/2024, Công ước LHQ về chống tội phạm mạng ra đời. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đang có khoảng trống về khuôn khổ pháp lý. Việt Nam được rất nhiều nước đồng tình ủng hộ, ghi nhận công ước này rất xứng đáng được mở ký tại Hà Nội vào năm 2025 - một năm có nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử đất nước chúng ta. Ngoài ra, việc tự nhận vai trò thúc đẩy công ước này cũng đòi hỏi chúng ta cũng tự tin vào năng lực của chúng ta trong việc thực thi công ước này một cách toàn diện, đồng thời cũng hỗ trợ được các nước khác trong việc thực thi công ước này. Bên cạnh đó, tôi cũng tin tưởng việc đăng cai mở ký công ước này sẽ nâng cao được vai trò của Việt Nam trong việc định hình khuôn khổ quản trị số toàn cầu.
Các nước LHQ đều coi Công ước Hà Nội là khuôn khổ pháp lý quốc tế đầu tiên về không gian mạng. Nó cũng là thử nghiệm rất lớn của cộng đồng quốc tế, xem pháp lý quốc tế có phải là một công cụ hữu hiệu để can thiệp vào không gian mạng hay không? “Đến nay có thể nói, với thành tựu của Việt Nam về ứng dụng chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, tôi tin rằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý không gian mạng là một hướng đi rất đúng đắn. Nó tạo điều kiện cho các chủ thể trên không gian mạng có căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của mình”, ông Phú chia sẻ.
Về phía Bộ Công an, với vai trò là cơ quan thực thi pháp luật chủ chốt trong lĩnh vực an ninh mạng, đã, đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ không gian mạng Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mạng, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đánh giá, tội phạm mạng tại Việt Nam hiện nay là loại tội phạm có cơ cấu biến động gia tăng rất nhanh. Nếu thống kê chính xác, thì có lẽ hiện nay, tội phạm mạng đang nằm trong nhóm tội có cơ cấu lớn nhất trong tội phạm nói chung và có sự gia tăng rất nhanh. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước chúng ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các loại tội phạm sử dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Có nhóm đối tượng còn coi đây là một công cụ để kiếm sống. Chính vì vậy, sự đầu tư, sự phát triển về phương thức, thủ đoạn càng ngày càng phức tạp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta có thể thấy không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều đứng trước một thách thức. Với tính không biên giới của không gian mạng, đối tượng phạm tội có thể ngồi ở bất kỳ đâu, có thể xâm phạm vào các chủ thể được bảo vệ của Việt Nam hay của các quốc gia trên thế giới mà nếu chúng ta không có sự chung tay của cơ quan thực thi pháp luật tất cả các quốc gia trên thế giới hợp tác với nhau, thì không một quốc gia đơn lẻ nào có thể một mình chống lại thách thức như thế này.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng nhấn mạnh, trong những năm vừa qua, những vụ án mà chúng ta phải tổ chức bắt giữ hàng trăm đối tượng ở địa bàn nước ngoài đã diễn ra rất thường xuyên, phổ biến. Bên cạnh đó, “chúng tôi cũng đánh giá có rất nhiều trường hợp nếu như chúng ta không có một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh và có tính ràng buộc chặt chẽ với nhau, thì rất nhiều vụ việc xâm phạm về an ninh mạng có thể rất rõ nhưng thời gian xử lý rất lâu, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Đơn cử, những trường hợp hacker đã thực hiện tấn công và thay đổi tài khoản nhận tiền của các doanh nghiệp. Thậm chí chúng ta làm rất rõ, chúng ta giữ được tiền lên tới hàng chục triệu đô la cho các doanh nghiệp ở châu Âu. Tuy nhiên, với các quy định pháp lý hiện hành, hơn một năm, chúng ta vẫn chưa xử lý được việc trả lại khoản tiền cho các doanh nghiệp mà chúng ta đã xác định rất rõ họ là người bị mất. Với những khuôn khổ pháp lý mang tính toàn cầu, chúng tôi cho rằng những quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức cá nhân bị xâm phạm bởi tội phạm mạng sẽ được nhanh chóng giải quyết hơn và hợp tác giữa các cơ quan thực thi quốc tế trên lĩnh vực này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
|
Toàn cảnh phiên họp thông qua Công ước LHQ về Tội phạm mạng ngày 24/12. (Ảnh: TTTXVN) |
Khát vọng những sản phẩm Made in Việt Nam về an ninh mạng ra thế giới
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ & Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia nhận định, Công ước Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, các tổ chức về an ninh mạng tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp, tổ chức an ninh mạng Việt Nam gặp khó khi đưa các sản phẩm, dịch vụ của chúng ta ra nước ngoài đấy là chúng ta gặp những vấn đề liên quan đến pháp lý của các nước mà chúng ta muốn mở rộng thị trường tới. “Chúng tôi rất hy vọng Công ước Hà Nội sẽ giúp khoảng cách pháp lý của quốc gia sẽ được kéo lại gần nhau hơn. Cơ hội chúng ta có thể xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của Việt Nam ra nước ngoài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. “Chúng tôi muốn có những cơ chế mới để các đơn vị tư nhân có thể tham gia vào xây dựng các sản phẩm an ninh mạng quốc gia. Điều đó sẽ giúp cho các sản phẩm của Việt Nam được phát triển hơn nữa. Đặc biệt với giới công nghệ, những doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp được nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của an ninh mạng Việt Nam”, ông Sơn bày tỏ.
Ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ, mục tiêu và tham vọng của Việt Nam là sẽ đẩy mạnh ngành công nghiệp an ninh mạng. Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc về an ninh mạng ở trên thế giới. Việc Công ước Hà Nội sẽ tạo ra được một tiêu chuẩn chung cho các quốc gia về an ninh mạng. Chúng ta có bước chuẩn bị sớm để những dịch vụ, sản phẩm của chúng ta có những tiêu chuẩn toàn cầu. Hiệp hội An ninh mạng cũng đã có kế hoạch để chuẩn hóa lại các kỹ năng, chuyên môn này cho lực lượng chuyên môn làm về an ninh mạng tại Việt Nam.
Cùng đó, Hiệp hội cũng sẽ tham gia vào việc sản xuất, cung cấp các sản phẩm, giải pháp theo nhu cầu trên thế giới chứ không chỉ của Việt Nam. Đặc biệt với xu hướng như hiện nay, vấn đề bảo đảm an toàn an ninh trên không gian mạng đang là nhu cầu cấp thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam có lợi thế đó là có một lực lượng chuyên gia trẻ, sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này.
Chưa kể, theo ông Vũ Ngọc Sơn, đối với thị trường trên thế giới hiện nay, để làm được một sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng có thể đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, đòi hỏi tính thực chiến rất cao. “Chúng ta phải tiếp xúc được các cuộc tấn công thật, thiệt hại thật, từ đó mới biết triển khai các giải pháp như thế nào. Việt Nam hiện đang là quốc gia chịu nhiều cuộc tấn công với những hình thức tấn công an ninh mạng có thể nói là top đầu trên thế giới. Việc này lại cũng là lợi thế cho các chuyên gia, công ty làm về an ninh mạng tại Việt Nam, có môi trường thực tế lớn để ra được những sản phẩm, giải pháp không chỉ phù hợp với nhu cầu ở Việt Nam mà có thể trên toàn cầu.
Một điều quan trọng, với Công ước Hà Nội, Trung tá Triệu Mạnh Tùng nhấn mạnh một thông điệp, đó là tội phạm phải thấy rằng mình đang thực hiện hành vi mà ở bất kỳ đâu cũng có thể bị xử lý bởi sự hợp tác, sự cam kết rất mạnh mẽ giữa các quốc gia trong góc độ cùng nhau đấu tranh với loại tội phạm rất nguy hiểm, đó là tội phạm mạng trên bình diện toàn cầu...
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Việc Việt Nam chủ động đề xuất đăng cai lễ ký một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa của người dân đối với tội phạm mạng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Với việc các thành viên Liên hợp quốc nhất trí lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức lễ ký công ước, từ nay địa danh Hà Nội sẽ gắn liền với một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết một trong những thách thức của thế kỷ 21. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện công ước, góp phần định hình khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu vì một tương lai số an toàn, hợp tác và bao trùm trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để bứt phá trong kỷ nguyên mới.