AI bước vào lãnh địa văn hóa - hiệu quả và lo ngại
Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa lạ trong lĩnh vực công nghệ mà đã và đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, đặc biệt là trong công nghiệp văn hóa. Những tác phẩm hội họa do AI vẽ, các ca khúc do AI sáng tác, phim ngắn do AI dựng… không còn là chuyện của tương lai. Chúng đang hiện diện và thậm chí gây tiếng vang - nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối về ranh giới sáng tạo và đạo đức. AI đã trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp tăng tốc quy trình sản xuất nội dung. Tuy nhiên, chính sự hiện diện ngày càng sâu của AI trong không gian văn hóa đã chạm đến những ranh giới từng được xem là bất khả xâm phạm: cảm xúc, tính độc bản, và quyền sở hữu trí tuệ.
Còn nhớ, khi AI đang được ứng dụng rộng rãi trong âm nhạc - từ việc tạo beat, viết lời cho tới mô phỏng giọng hát, những công cụ như Suno, AIVA, Jukebox của OpenAI hay Synthesizer V Studio đã cho phép người dùng tạo nên bản nhạc gốc chỉ trong vài phút. Nhưng khi nói về những tác phẩm do AI tạo ra, một nhạc sĩ đã từng nói: “AI tạo ra nhạc không tệ, thậm chí có lúc rất bắt tai. Nhưng nó thiếu điều quan trọng nhất là trái tim”.
![]() |
AI tạo ra nhạc không tệ, thậm chí có lúc rất bắt tai. Nhưng thiếu điều quan trọng nhất là trái tim. (Nguồn: Linkedln) |
Lĩnh vực âm nhạc là vậy, còn lĩnh vực điện ảnh thì sao? Liệu trong tương lai làm phim có thể không cần đạo diễn không. Trong ngành điện ảnh, AI được dùng để viết kịch bản, chỉnh sửa video, tạo hiệu ứng hình ảnh và thậm chí tạo nhân vật ảo. Sự kiện nổi bật năm 2023 là bộ phim ngắn “The Frost” do đạo diễn người Đức sử dụng toàn bộ công cụ AI để sản xuất - từ ý tưởng, bối cảnh đến hình ảnh.
Một số hãng phim lớn tại Hollywood từng thử nghiệm dùng AI để dự đoán doanh thu phòng vé dựa trên nội dung kịch bản. Tuy nhiên, trong cuộc đình công lịch sử năm 2023, hàng ngàn biên kịch và diễn viên đã xuống đường phản đối việc dùng AI thay thế nhân lực sáng tạo - yêu cầu được trả thù lao nếu hình ảnh, giọng nói hoặc ý tưởng của họ bị AI khai thác trái phép. Ở Việt Nam, một số công ty truyền thông đã bắt đầu dùng AI dựng trailer, viết nội dung mô tả phim, thậm chí thử nghiệm lồng tiếng bằng giọng tổng hợp. Tuy nhiên, nhiều đạo diễn đã từng lên tiếng cảnh báo và lo ngại: “Nếu quá lạm dụng AI, chúng ta sẽ có những bộ phim hoàn hảo kỹ thuật nhưng vô hồn cảm xúc”; “Kịch bản AI có thể hợp logic, nhưng nó không biết rung động như con người viết ra một phân cảnh từ nỗi đau cá nhân”….
![]() |
Để AI và con người cùng phát triển trong ngành sáng tạo, cần xây dựng khung pháp lý phù hợp. (Nguồn: Linkedln) |
AI cũng thay đổi mạnh mẽ ngành thiết kế và xuất bản. Trong ngành xuất bản, AI được dùng để biên tập sơ bộ, dịch thuật, thậm chí viết nội dung. Công cụ như MidJourney, Canva AI, Adobe Firefly có thể tạo hàng loạt poster, ảnh bìa, biểu tượng thương hiệu trong vài phút. Tuy nhiên, một số nhà xuất bản quốc tế đã từ chối bản thảo được tạo hoàn toàn bằng AI, yêu cầu cam kết minh bạch nguồn gốc tác phẩm. Một ví dụ cụ thể là vụ việc năm 2023 tại Nhật Bản, khi một truyện tranh do AI vẽ được xuất bản mà không ghi chú rõ công cụ sử dụng, dẫn đến làn sóng chỉ trích và yêu cầu thu hồi vì vi phạm đạo đức xuất bản. Có thể nói, khi AI tham gia vào lĩnh vực thiết kế và xuất bản, bên cạnh hiệu quả nhanh, đẹp, thì rủi ro bản quyền cũng rình rập…
Cần một khung pháp lý “đồng sáng tạo”?
Từ thực tế trên, có thể thấy, trí tuệ nhân tạo đang mở ra chương mới cho nghệ thuật, sáng tạo nhưng cũng đồng thời thách thức chính những giá trị cốt lõi của sáng tạo con người.
Một trong những bằng chứng của việc luật pháp chưa theo kịp tốc độ phát triển của AI đó là “thách thức pháp luật từ AI trong bảo vệ bản quyền văn hóa”. Vào tháng 3/2023, một bộ truyện tranh Nhật Bản dài 100 trang vẽ bằng AI đã được bán ra. Điều đáng nói là tác giả bộ truyện tranh thừa nhận bản thân không có khiếu hội họa nhưng chỉ mất 6 tuần hoàn thành bộ truyện bằng cách nhập các từ khóa cần thiết để mô tả nhân vật mà ông hình dung và AI dựa vào đó cho ra hình ảnh nhân vật chính. Trước đó, năm 2022, thế giới xôn xao quanh câu chuyện một bức tranh mang tên “Théâtre D’opéra Spatial” do phần mềm AI có tên Midjourney vẽ. Người sử dụng phần mềm vẽ tranh, anh Jason Allen, ghi ở mục tác giả là “Jason M. Allen via Midjourney”. Bức tranh này đã được trao giải nhất cho hạng mục nghệ thuật tại triển lãm ở bang Colorado, Mỹ tháng 8/2022. Bức tranh được cộng đồng nhận xét là có những nét vẽ sống động và thật khó để biết đây là sản phẩm của AI. Quá rõ để thấy rằng, bức tranh là do AI trực tiếp vẽ ra. Nhưng theo luật tác quyền, tác giả của bức tranh là phần mềm Midjourney hay là Jason Allen? Câu hỏi này khó có lời giải đáp thỏa đáng.
Tháng 9/2024, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh tương lai, các chuyên gia của Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) không nên chỉ chịu sự chi phối của thị trường mà cần có cơ chế kiểm soát quốc tế hiệu quả hơn, đồng thời kêu gọi tạo ra các công cụ thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực này.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm do AI tạo ra. Có một thực tế diễn ra là nghệ sĩ sẽ “đối đầu” với chính bản sao của mình. Năm 2024, một ca sĩ trẻ tại TP HCM bất ngờ phát hiện giọng hát của mình bị dùng để hát một ca khúc hoàn toàn mới trên TikTok. Khi điều tra, cô phát hiện đó là sản phẩm ghép giọng bằng AI không qua xin phép. Dù video đã bị gỡ, nhưng ca sĩ này vẫn chưa thể đòi quyền lợi pháp lý vì chưa có khung xử lý cụ thể. Đây không phải trường hợp cá biệt. Nhiều nghệ sĩ, hoạ sĩ, nhà văn… đang trở thành “nạn nhân trầm lặng” của AI - khi giọng hát, hình ảnh, phong cách hoặc văn phong của họ bị máy học lại và sử dụng đại trà.
![]() |
AI đang thách thức những giá trị cốt lõi của sáng tạo con người. (Nguồn: Monster Lab) |
Có thể thấy, sự gia tăng của các tác phẩm do AI tạo nên đang vượt qua tốc độ cập nhật luật, khiến hàng loạt tranh chấp phát sinh như vụ kiện tại Mỹ giữa nhóm họa sĩ với Stability AI và MidJourney vì sử dụng hình ảnh gốc của họ để huấn luyện thuật toán mà không xin phép đã làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu. Vấn đề ở đây không chỉ là ai sở hữu sản phẩm AI, mà còn là làm sao bảo vệ nghệ sĩ khỏi việc bị khai thác dữ liệu sáng tạo mà họ không biết.
Vậy con người cần làm gì để bảo vệ quyền con người, bản quyền sáng tạo trong thế giới mà máy móc ngày càng biết “cảm xúc” như hiện nay. Phải chăng để AI và con người cùng phát triển trong ngành sáng tạo thì cần một khung pháp lý “đồng sáng tạo”?
Nhiều quan điểm cho rằng, để AI và con người cùng phát triển trong ngành sáng tạo, cần xây dựng khung pháp lý theo hướng: Công nhận tác quyền có điều kiện (tức là sản phẩm AI chỉ được đăng ký bảo hộ khi có yếu tố sáng tạo của con người trong chuỗi sản xuất); Minh bạch trong xuất bản (tất cả sản phẩm do AI tham gia tạo nên phải gắn thẻ rõ ràng về nguồn gốc); Bảo vệ dữ liệu sáng tạo (cấm trích xuất, huấn luyện AI bằng dữ liệu cá nhân hoặc sáng tạo của người khác nếu không có sự đồng ý); Thiết lập cơ chế khiếu nại nhanh giúp nghệ sĩ có thể kịp thời ngăn chặn việc sử dụng hình ảnh, phong cách trái phép...
Tựu trung lại, công nghiệp văn hóa của nhân loại đang đứng trước ngã rẽ lớn. Nếu AI được dẫn dắt đúng hướng, nó sẽ là công cụ cường hóa sáng tạo con người. Nhưng nếu bị thả nổi, nó có thể phá vỡ chính nền tảng cảm xúc - linh hồn của nghệ thuật. Điều quan trọng không phải là ngăn cấm AI, mà là kiến tạo một không gian sáng tạo công bằng, nơi con người không bị lu mờ, mà được nâng tầm trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Hay nói cách khác, AI và công nghiệp văn hóa - cộng sinh nếu có kiểm soát và sẽ đối đầu nếu thiếu khuôn khổ pháp lý phù hợp.