'Cột mốc văn hóa' nơi đầu sóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lá cờ Tổ quốc đầu sân chùa Trúc Lâm đảo Trần (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) tung bay phần phật trong gió. Trước mắt chúng tôi là một vịnh nhỏ trong lành, yên ả. Nhìn lá cờ căng gió, chúng tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về hình ảnh Tổ quốc nơi đầu sóng…
'Cột mốc văn hóa' nơi đầu sóng

Từng viên gạch, viên ngói có hình Quốc huy

Chúng tôi háo hức từ Hà Nội xuống Móng Cái để ra đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Là đảo tiền tiêu, đi lại khó khăn nên ngay dân bản địa Quảng Ninh cũng chưa nhiều người từng ra đảo. Hôm chúng tôi đi chớm mùa biển động, nếu đi tàu dân sự hoặc tàu cá, nhanh cũng phải mất nửa ngày mới ra đến nơi. Đoàn chúng tôi có 6 chị em gái, nhưng không một ai nao núng tinh thần.

Và rồi đảo Trần đã ở trước mắt. Đón chúng tôi ở cầu tàu là Trung tá Trần Anh Đức - Đồn trưởng Đồn Biên phòng số 6, Thiếu tá Phạm Hồng Tài, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Lữ đoàn 242 và Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Hoan hỉ đón chúng tôi, thầy thượng tọa bảo, hôm nay sóng “đá gà” nghĩa là ngoài dội vào, trong dội ra, những con sóng chọi nhau nên ra đảo khá vất vả. Suốt từ năm ngoái, hàng ngày thầy ở đây đón từng viên gạch, viên ngói có hình Quốc huy mang từ đất liền ra đảo xây chùa.

Hiện nay trên đảo có khoảng 300 người, ngoài cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển thuộc Lữ đoàn 242; Đồn Biên phòng số 6 còn có nhân viên đèn biển thuộc Xí nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải, Trạm rađa, lực lượng Hải quân và 12 hộ dân với 52 nhân khẩu. Song số hộ thường xuyên ở lại trên đảo là 7 hộ, 5 hộ còn lại thường xuyên đi biển. Phần lớn, các hộ dân đều là những gia đình trẻ, làm nghề đi biển, đánh bắt hải sản, tự nguyện rời đất liền ra gắn bó, bám đảo.

Xe dừng chân dưới con dốc để chúng tôi lên chùa Trúc Lâm đảo Trần. Ngôi chùa được thi công từ tháng 10/2022. Hình ảnh về một ngôi chùa khang trang, gần gũi như trong đất liền đang thành hình. Thầy Thích Thanh Lịch cho biết, người dân biết đến đảo Trần từ xa xưa. Bởi đảo hoang vu, khắc nghiệt nên người dân gọi là đảo Trần cho dễ nhớ. Nhưng theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì đảo Trần gắn với thời nhà Trần đã có công khai phá miền đất này.

Chùa Trúc Lâm đảo Trần đang hoàn thiện giai đoạn 1 nơi phên dậu Tổ quốc.

Chùa Trúc Lâm đảo Trần đang hoàn thiện giai đoạn 1 nơi phên dậu Tổ quốc.

Tương truyền, vào khoảng cuối triều Trần, đầu Hậu Lê, trên hòn đảo tiền tiêu này, các thương thuyền buôn bán ở thương cảng Vân Đồn và dân bản địa đã xây dựng một ngôi chùa thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tại một gò đồi sát mép nước. Tam giáo đồng nguyên, khuôn viên chùa có một nghè miếu thờ thiên thần và nhân thần, trong đó có vị tướng hiển thánh Trần Hưng Đạo cùng gia thất nhà Trần.

Trải qua những biến cố của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, chùa Trúc Lâm ở đảo Trần được trùng tu, xây dựng lại, mang theo ý nghĩa Phật giáo trong lòng dân tộc. Thượng tọa Thích Thanh Lịch chia sẻ, thầy có duyên với đảo từ năm 2015, khi ra đảo làm lễ thượng cờ. Với ý nghĩ, trên đảo cần có một ngôi chùa để người dân, cán bộ, chiến sỹ trên đảo được ấm lòng như ở đất liền, vậy là Tết Nguyên đán vừa rồi, lần đầu tiên trên đảo có tiếng chuông chùa. Người dân được lên chùa thắp nén tâm hương cầu bình an, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an… Công trình chùa Trúc Lâm đảo Trần Cô Tô dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Những viên gạch chùa Trúc Lâm đảo Trần có hình Quốc Huy Việt Nam.

Những viên gạch chùa Trúc Lâm đảo Trần có hình Quốc Huy Việt Nam.

Thượng tọa Thích Thanh Lịch chia sẻ: Thực tế đã cho thấy, các công trình tâm linh trên dọc dài các dải biên cương đã khẳng định và phát huy được “sức mạnh mềm” trong quá trình bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Công trình tâm linh chùa Trúc Lâm không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thôn đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô mà còn là nơi để ngư dân đánh bắt thủy sản trên vùng biển thuộc quần đảo Cô Tô có thể thực hiện nguyện vọng tín ngưỡng, tâm linh theo quy định của pháp luật.

Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì đánh giá: Chùa Trúc Lâm đảo Trần không những thoả mãn nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhất là người dân vùng biển, xa xôi với đất liền, mà đó còn là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền. Ngôi chùa chắc chắn sẽ có vị thế cực kỳ đặc biệt nơi Đông Bắc của Tổ quốc.

Lễ chào cờ thiêng liêng

Vượt qua khoảng gần 2km đường núi, chúng tôi có mặt tại cột cờ đảo Trần và đền thờ Bác Hồ. Cột cờ Tổ quốc trên đảo Trần được xây dựng tại vị trí gần điểm cao nhất của đảo (cao 188m so với mực nước biển). Cột cờ được khởi công xây dựng vào ngày 21/3/2015. Để hoàn thành công trình, những người lính, người thợ ngày ngày bê gạch, xi măng sắt thép thủ công lên núi theo… chỉ tiêu. Sau nửa năm, lễ thượng cờ thiêng liêng đã chính thức bắt đầu từ tháng 8/2015.

Thầy Thích Thanh Lịch chỉ cho chúng tôi bờ rào quanh sân bị giông lốc quật bay. Ở độ cao này, mưa giông, bão tố, sấm sét và hơi mặn từ biển bốc lên có thể ăn mòn cả sắt thép. Những vỉa chắn quanh sân vẫn bị gió tốc đổ thường xuyên… Lá cờ với tiết diện lớn (rộng 4 mét, dài 6 mét) cũng thường xuyên phải chịu sức gió lớn.

Chúng tôi xúc động, tự hào khi được chào cờ, hát Quốc ca nơi phên dậu Tổ quốc - đảo Trần thân thương.

Chúng tôi xúc động, tự hào khi được chào cờ, hát Quốc ca nơi phên dậu Tổ quốc - đảo Trần thân thương.

Sau khi thắp hương ở đền thờ Bác, chúng tôi lên làm lễ chào cờ và hát Quốc ca dưới chân cột cờ. Trong không gian ấy, giữa trùng khơi phần phật gió, chỉ có những trái tim tự hào, biết ơn đang hòa cùng một nhịp. Chúng tôi thêm tự hào về vùng trời, vùng biển, từng mảnh đất thiêng liêng nơi phên dậu Tổ quốc! Bài Quốc ca chúng tôi đã nghe bao lần, đã hát bao lần nhưng giây phút ấy chúng tôi thấm thía hơn bao giờ hết hồn thiêng sông núi, máu và hoa của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Đó còn là sự hy sinh thầm lặng của quân và dân trên đảo tiền tiêu, ngày đêm canh giữ chủ quyền, là những cột mốc sống nơi phên dậu, là Tổ quốc nơi đầu sóng…

Trên đảo, bộ đội đông hơn dân. Cao điểm, trường liên cấp có 8 học sinh, thấp điểm, chỉ còn 4 em. Và vị trí thuận lợi nhất là trường liên cấp đảo Trần, sát đó là mười mấy căn nhà khang trang xây cho các hộ dân được vận động ra đảo ở. Trên mỗi chóp nhà, cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió biển.

Thượng tá Ngô Huy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Trần chia sẻ: Từ năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai đưa dân ra đảo Trần sinh sống, giao Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, trường học, xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ dân. Năm 2021, ước mong lớn nhất của người dân đã thành hiện thực, điện lưới quốc gia được kéo ra đảo. Có điện, bà con có thể mở rộng sản xuất kinh doanh; mua sắm các trang thiết bị bảo quản thủy sản và nâng cao đời sống.

Chúng tôi hỏi anh Đông, văn hóa đặc trưng của đảo là gì? Anh trả lời thật xúc động: đó là văn hóa đoàn kết của người Việt. Bởi lâu nay là đảo tiền tiêu quân sự, người dân mới ra đây chưa được 10 năm nên người Việt ở đâu là có sự ấm áp, là tình quân dân gắn bó keo sơn. Là sức mạnh của cả dân tộc nơi đầu sóng ngọn gió. Dù những con người nhỏ bé ấy, không cần “biết mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm nên đất nước ”…

Người lâu năm nhất ở đảo ngoài anh Đông là anh Nguyễn Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm đèn, 16 năm qua anh gắn bó với đèn biển đảo Trần. Ngày mới tới đảo, từ chân đồi lên trạm đèn chỉ có con đường đất cheo leo, cây rừng phủ kín. Tháp đèn quanh năm gió lộng, thiếu nước ngọt, sóng điện thoại chập chờn, rắn vắt ngang lối đi... Những đơn vị ở trên núi ngày ngày phải xuống chân núi xách từng can nước, can dầu để chạy máy phát. Cũng vì ở vị trí cao nên mùa đông, gió bấc thổi lạnh thấu xương. Mùa hè giông bão, sấm sét thì các anh bên rađa và đèn biển đều phải vào nhà đóng chặt cửa, bịt tai lại cho đỡ đinh tai, nhức óc…

Trước khi đến đảo Trần, chúng tôi cũng nghe nhiều về chị Cảnh, người phụ nữ “đặc biệt” trong những câu chuyện ít ỏi về đảo Trần. Chị Nguyễn Thị Cảnh là trưởng thôn đầu tiên, kiêm chi hội trưởng chi hội phụ nữ. Thế nhưng, chị đã mất vì bệnh hiểm nghèo hai năm trước. Chúng tôi ấn tượng với ngôi nhà của chị nằm nép mình dưới chân núi. Đó là ngôi nhà do Bộ đội Biên phòng cùng giúp gia đình chị từ những ngày đầu gian khó. Trước nhà có một bể nhựa chứa nước. Và nổi bật nhất vẫn là lá cờ Tổ quốc tung bay trước sân, in trên nền xanh của sườn núi.

Đọc thêm