“Vũ điệu cờ lau”, hát đúm hút hồn du khách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế đến Việt Nam. Những làn điệu hát giao duyên, những vũ điệu giàu tính văn hóa, lịch sử… hút hồn du khách. Di sản văn hóa phi vật thể góp phần định vị hình ảnh, phát triển du lịch Ninh Bình.
Vũ điệu cờ lau. (Nguồn UBND huyện Gia Viễn)
Vũ điệu cờ lau. (Nguồn UBND huyện Gia Viễn)

“Vũ điệu cờ lau” gắn với tích đánh trận của Vua Đinh

Theo bà Vũ Thị Dược - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, “Vũ điệu cờ lau” xuất phát từ tích của Vua Đinh, thời chăn trâu, cắt cỏ Vua vào trong thung lau tập trận giả và sử dụng bông lau làm trận. Tiết mục tập trận cờ lau ở Lễ hội Trường Yên ban đầu vốn là một lễ tiết, về sau đã trở thành một trò diễn dân gian. Đến nay, các vị bô lão đều nhất trí cho rằng: “Tập trận cờ lau” là cuộc diễn xướng gợi về thời niên thiếu của Vua Đinh (tức Đinh Bộ Lĩnh xưa) cùng các bạn trẻ mục đồng tập đánh trận, lấy những bông lau để làm cờ. Hai toán quân này mang ý nghĩa tượng trưng độc đáo và thú vị. Một bên là nghĩa quân do Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy gồm các “nghĩa sĩ” cùng làng, thôn (thời đó gọi là “trại” hay “sách”), còn phía bên kia là đội quân của các thôn (trại, sách) khác. Đó cũng có thể là một đội quân của Thung Lau (do Đinh Bộ Lĩnh làm chủ soái) và đội quân của Thung Lá gần đó - theo truyền thuyết dân gian ở địa phương.

Sau một hồi múa lau và hiệu triệu quân sĩ, hai bên dàn thế trận giao tranh, tiến thoái, hò reo cùng âm thanh của trống, chiêng, thanh la, mõ, tù và vang dậy cả một vùng. Thiếu niên tuấn kiệt trong vai Đinh Bộ Lĩnh hăng hái chỉ huy và xông pha chiến đấu cùng các nghĩa sĩ đánh đuổi “quân thù”. Chiến cuộc kết thúc với chiến thắng thuộc về cánh quân Thung Lau. Chủ soái Bộ Lĩnh được quân sĩ là chúng bạn công kênh, che lọng, đi giữa rừng cờ lau. Sau đó, các binh tướng đôi bên tụ hội ca vang bài khải hoàn ca, trong đó có đoạn: “Nay mừng gặp hội long vân/Mừng Đại Cồ Việt nhân dân thái bình/Cờ lau tập trận hoàn thành/Khấu đầu lạy tạ thánh minh cửu trùng...”; “Trần ai ai biết ai đâu/Hoa Lư có đám trẻ trâu anh hùng/Cờ lau tập trận vẫy vùng/Làm cho mầm Lạc, chồi Hồng vẻ vang…”.

Du khách được hòa vào “Vũ điệu cờ lau” để thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, văn hóa con người quê hương Đinh Bộ Lĩnh. “Vũ điệu cờ lau” được ngành Văn hóa đánh giá là một vũ điệu đặc trưng. Vũ điệu thể hiện được hai yếu tố: văn hóa lịch sử và bảo vệ môi trường thông qua nghệ thuật. Bông lau thông thường là bông lau thật thì không thể gìn giữ để có thể thành đạo cụ múa nên huyện sử dụng chất liệu tái chế tạo ra bông lau giả để trở thành đạo cụ cho trẻ có thế múa.

“Trong tour “Theo dấu chân Vua Đinh Tiên Hoàng” của huyện Gia Viễn có diễn ra Lễ hội Kim Lau tái hiện lại tích đánh trận của Vua Đinh. Trong lễ hội có hai đạo cụ là chiếc chum và bông lau. Đây là 2 đạo cụ gợi nhớ về quê cha đất tổ. Cái chum được tạo ra từ gốm của Gia Thủy (Nho Quan) nơi sinh ra mẹ của Vua Đinh, bông lau tượng trưng cho động Hoa Lư, quê cha của Vua Đinh. Hình ảnh bông lau cắm vào chum rất đẹp, đây là chi tiết thể hiện tình mẫu tử - phụ tử. Tích đánh trận không phải truyền thuyết mà là yếu tố thực và yếu tố lịch sử, điều này sẽ khiến du khách thêm thú vị” - bà Vũ Thị Dược cho hay.

Hiện, huyện Gia Viễn đang triển khai hướng dẫn điệu múa cờ lau cho hàng chục nghìn học sinh ở 64 trường học trên địa bàn. Sắp tới, huyện Gia Viễn dự kiến tổ chức Lễ hội Kim Lau với sự tham gia của 30.000 học sinh xếp hàng từ Thung Lau chạy xuống đầm Vân Long cùng biểu diễn “Vũ điệu cờ lau”. Tất cả học sinh cầm bông lau để múa vừa hát khúc ca khải hoàn. Lễ hội này dự kiến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Bình vang xa.

Đồng bào dân tộc Mường ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc. (Ảnh: Thùy Dung)

Đồng bào dân tộc Mường ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc. (Ảnh: Thùy Dung)

Mê đắm hát đúm

Cúc Phương (huyện Nho Quan) có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Từ nhiều năm qua, người dân nơi đây đã được thừa hưởng những giá trị bản sắc dân tộc do ông cha truyền lại với nhiều nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, lưu giữ như: Hát Mường, các trò chơi dân gian, đánh cồng chiêng, các phong tục tập quán bản địa. Xã đã và đang nỗ lực khôi phục, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường.

Ông Đinh Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết, hiện 10/10 thôn, bản của xã Cúc Phương đều đã thành lập được câu lạc bộ. Tùy vào thế mạnh của mình, các câu lạc bộ tập trung vào hình thức biểu diễn loại hình văn hóa khác nhau, trong đó có các loại hình truyền thống của người Mường như: Hát, múa giao duyên tiếng Mường; ném còn; đánh mảng, biểu diễn cồng chiêng… Thời gian tới, UBND xã Cúc Phương tiếp tục sưu tầm, biên tập lưu giữ các làn điệu dân vũ, hát giao duyên, rằng xường, bọ mẹng, hát sắc bùa.

Hát đúm là loại hình hát hội, hát đối đặc trưng của người Mường. Đây là loại hát giao duyên (tương tự như như hát quan họ của người Kinh Bắc, hát ví dặm của người Nghệ Tĩnh, hát si, hát lượn của người Tày, Nùng)... Lời bài hát do người hát tự đặt hay vận dụng từ vốn kho tàng dân ca của dân tộc mình. Nội dung các điệu hát đúm khá phong phú, từ chuyện chào hỏi, tình duyên, mùa màng, phong tục tập quán, quê hương, đến ca ngợi cảnh sắc quê hương, đất nước... Hình thức hát đúm thường là hát đối đáp giữa hai bên, lời hát thường có vần vè hay có thể rất tự do. Qua việc đối đáp giữa đôi bên, người hát phô diễn được khả năng ứng xử nhanh nhẹn, vốn hiểu biết phong phú.

Các làng ở xã Cúc Phương đang phối hợp với các trường trung học cơ sở hướng dẫn, truyền dạy cho học sinh lớp 8, lớp 9 các làn điệu hát đúm tiếng mường; phấn đấu 100% các cháu biết hát các làn điệu hát đúm trước khi ra trường. Tổ chức các câu lạc bộ tích cực tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ bằng hát giao duyên, rằng xường, bọ mẹng tại các lễ hội, Tết, chương trình, sự kiện diễn ra ở địa phương và biểu diễn phục vụ khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn hóa dân tộc Mường; tham gia giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động, tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng, miền từ các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh.

Ngoài “Vũ điệu cờ lau”, hát đúm, hát chèo cũng là văn hóa phi vật thể mà du khách yêu thích. “Ít ai biết, chèo ra đời từ thế kỷ thứ X mà bắt nguồn từ bà Phạm Thị Trân, quê ở Thái Bình. Thế nhưng, khi không có Vua Đinh mời bà về mọi người sẽ không thể biết đến chèo của Thái Bình được. Sau khi Vua Đinh thấy đời sống tinh thần với binh lính rất là quan trọng thì Vua bắt đầu mời bà Phạm Thị Trân từ Thái Bình về Ninh Bình và lúc đấy bà Phạm Thị Trân mới nghiên cứu phát triển điệu chèo. Điệu chèo của thời Vua Đinh khác đó là điệu chèo kết hợp với tiếng trống để thay đổi về tinh thần cho binh lính trước khi ra trận. Đây là một nét đặc sắc văn hóa mà tỉnh cũng đang nghiên cứu để phát triển” - bà Vũ Thị Dược chia sẻ.

Điệu chèo Yên Khánh ngọt ngào cùng tiếng trống hội, tiếng phách rộn rã. (Ảnh: Linh Nhâm)

Điệu chèo Yên Khánh ngọt ngào cùng tiếng trống hội, tiếng phách rộn rã. (Ảnh: Linh Nhâm)

Là địa phương có phong trào hát chèo sôi nổi nhiều thập kỷ qua, huyện Yên Khánh đã tích cực khai thác, bảo lưu các tác phẩm trích đoạn chèo cổ, đồng thời đẩy mạnh sáng tác lời mới trên làn điệu chèo cổ, đưa nghệ thuật chèo vào biểu diễn tại các nhà văn hóa thôn, xóm, sân đình, gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng, để tinh hoa nghệ thuật chèo luôn được trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị. Các câu lạc bộ chèo còn lưu giữ được nhiều điệu chèo cổ như: Đường trường thu không, Chức cẩm hồi văn, Sa lệch chênh, Tò vò, Hề mồi, Quân tử vu dịch, Lới lơ… Những làn điệu chèo cổ đã góp phần tôn vinh, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, di sản đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch. Ngành Du lịch Ninh Bình kỳ vọng, di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành ngành công nghiệp văn hóa, tạo ra sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Điều đó không chỉ dựa vào nhận thức của người dân mà phải là sự thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị. Việc khai thác và phát triển văn hóa trở thành sản phẩm du lịch phải chú trọng hài hòa giữa bảo tồn bản sắc dân tộc và nét mới tiệm cận với văn minh của nhân loại để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Sở Văn hóa, Thể thao Ninh Bình đã phối hợp với các địa phương triển khai khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc như: hát chèo, hát xẩm, hát văn, múa trống dân gian… Tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt định kỳ, các buổi giao lưu ở các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm tại các xã, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Bước đầu đã đưa một số loại hình nghệ thuật dân tộc như hát chèo, hát xẩm, hát văn... vào phục vụ ở một số khu, điểm du lịch như “Chiếu chèo” thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Câu lạc bộ hát xẩm ở huyện Yên Mô…

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022 - 2025, Ninh Bình phấn đấu 50% số thôn, bản có câu lạc bộ, tổ, đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng; các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì hoạt động ít nhất 1 câu lạc bộ/đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch; văn nghệ hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng và tạo sản phẩm du lịch đặc thù từ di sản văn hóa.