COVID-19 chưa “hạ nhiệt”, Ấn Độ lại chao đảo vì nấm đen, nấm vàng

(PLVN) - Khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, Ấn Độ lại tiếp tục đối mặt với bệnh hiếm gặp khác mang tên nấm đen, nguy hiểm hơn là nấm vàng, với tỷ lệ tử vong là 50%.
Các bệnh nhân đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 đang phải tiếp tục nằm viện để điều trị vì nhiễm nấm đen.

Quay cuồng với bệnh nấm đen 

“Nấm đen” là cách gọi địa phương cho căn bệnh Mucormycosis-một bệnh nhiễm trùng do nhiều chủng nấm, tương đối hiếm gặp, gây ra triệu chứng đen hoặc đổi màu ở mũi, sưng và lòa mắt, đau ngực, khó thở, ho ra máu. Nấm đen thường ảnh hưởng đến xoang hoặc phổi sau khi một người hít phải bào tử nấm trong không khí và cũng có thể ảnh hưởng đến da sau chấn thương bề mặt như vết cắt hoặc vết bỏng. 

Mucormycosis không lây lan từ người sang người, nhưng có tỷ lệ tử vong cao. Loại nấm này thường được tìm thấy trong đất, không khí, thậm chí trong mũi và chất nhầy của cơ thể con người. Nấm có thể ăn mòn các bộ phận trên khuôn mặt. Đôi khi, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ mắt để ngăn nhiễm trùng lên não. Nếu không được kiểm soát, không được điều trị, tỷ lệ tử vong có thể từ 20% đến 50%.

Một quan chức Ấn Độ cho biết gần 9.000 ca mắc nấm đen đã được ghi nhận ở nước này, dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc Amphotericin B. Số ca tử vong vì nấm đen chưa được công bố, nhưng truyền thông địa phương cho biết hơn 250 người đã chết vì căn bệnh này, đặc biệt là ở các bang Maharashtra, Madhya Pradesh, Haryana, Telangana và Gujarat. Thủ tướng Ấn Độ hôm 21/5 gọi dịch bệnh này là một “thách thức mới”. 

Tuần trước, Ấn Độ đã phân loại nấm đen là một căn bệnh đáng quan tâm, có nghĩa là tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ phải báo cáo trường hợp mắc bệnh tại địa phương cho chính quyền liên bang. Trước tình trạng thiếu thuốc điều trị nấm đen, Ấn Độ đã cấp phép cho 5 công ty sản xuất loại thuốc ngày ngoài 6 công ty hiện nay.

Chưa xong nấm đen đã tới nấm vàng, nấm trắng 

Đáng chú ý, sau nấm đen, một số bệnh nhân mắc nấm trắng đã được ghi nhận ở bang Bihar. Chuyên gia y tế cho biết nấm trắng thậm chí còn nguy hiểm hơn nấm đen, vì bệnh ảnh hưởng đến cơ quan khác của cơ thể ngoài phổi.

Theo bác sĩ SN Singh, Trưởng khoa Vi sinh của Trường Cao đẳng Y tế Patna, những người có miễn dịch kém, mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân AIDS, những người đã trải qua ghép tạng dễ mắc bệnh này. Ông cũng chỉ ra rằng sơ suất trong khi sử dụng bình oxy cho bệnh nhân COVID-19 có thể khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nấm trắng.

Ấn Độ cũng ghi nhận thêm trường hợp mắc nấm vàng - căn bệnh nguy hiểm hơn nấm đen và nấm trắng, giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát. Theo hãng tin ANI dẫn lời một bác sĩ tại bệnh viện bang Uttar Pradesh cho biết, một bệnh nhân từng hồi phục sau khi mắc COVID-19 đã được phát hiện có các triệu chứng của bệnh nấm vàng.

BP Tyagi, bác sĩ tai mũi họng ở thành phố Ghaziabad, bang Uttar Pradesh, nấm vàng là bệnh có khả năng gây tử vong do vệ sinh không tốt và ẩm ướt. Nấm vàng nguy hiểm hơn nấm đen hoặc nấm trắng và rất khó chẩn đoán, vì phát ra từ bên trong cơ thể, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Trong khi đó, nấm đen thường xuất hiện với biểu hiện rõ rệt trên khuôn mặt, nên rất dễ phát hiện.

Các triệu chứng của nấm vàng bao gồm chán ăn, sụt cân, trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến suy giảm chức năng nội tạng. Bác sĩ Tyagi cho biết trước đó bệnh nhân từng có triệu chứng của nấm đen và nấm trắng, đây cũng là biến chứng của COVID-19.

Trường hợp mắc bệnh nấm vàng được ghi nhận khi các ca bệnh nấm đen và nấm trắng đang gia tăng trong số các bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ. Một số bang tuyên bố các bệnh nấm này là dịch bệnh. Cả nấm đen và nấm trắng đều ảnh hưởng đến phổi cũng như các cơ quan quan trọng khác bên trong cơ thể và dẫn đến biến chứng cực kỳ nguy hiểm.