Các biện pháp khắc nghiệt, bao gồm tự cách ly tại nhà và đóng cửa nhà hàng, đang góp phần làm giảm sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19). Kết quả này được ghi nhận ở các bang trên khắp nước Mỹ, theo dữ liệu của Công ty Kinsa Health (Mỹ) chuyên sản xuất nhiệt kế kết nối internet.
Hiện hơn 248 triệu người Mỹ ở ít nhất 29 bang đã được yêu cầu ở nhà. Dữ liệu trong thời gian thực do Công ty Kinsa Health công bố đã cho thấy các hạn chế tiếp xúc xã hội dường như đang mang lại hiệu quả, giúp các bệnh viện giảm tình trạng quá tải và giảm số ca tử vong do Covid-19. Nhiệt kế của Kinsa Health đã đăng tải dữ liệu về nhiệt độ người dùng lên cơ sở dữ liệu chung cho phép công ty theo dõi những người bị sốt, triệu chứng phổ biến của người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên khắp nước Mỹ.
Biện pháp tự cách ly và hạn chế tiếp xúc xã hội được cho là làm giảm tỉ lệ lây lan dịch Covid-19 từ người sang người trong 3 tuần ở Seattle thuộc bang Washington, theo nghiên cứu của Viện Mô hình hóa bệnh Mỹ (IDM). Dữ liệu từ các cơ sở y tế bang New York cũng cho thấy hạn chế tiếp xúc xã hội giúp cứu sống nhiều người. Trước những tín hiệu tích cực của biện pháp nói trên, Tổng thống Donald Trump đã gia hạn lệnh tự cách ly tại nhà đến cuối tháng 4 trên toàn nước Mỹ trong bối cảnh nước này đã có ít nhất 164.359 ca nhiễm và 3.173 trường hợp tử vong.
Trong nỗ lực ngăn dịch Covid-19 lan rộng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30-3 cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp hà khắc lên những đối tượng vi phạm các quy định phong tỏa mới và lệnh cách ly tại nhà. Tại cuộc họp, ông Putin đã xem xét các biện pháp mới được áp đặt để hạn chế các cuộc tụ tập và yêu cầu đóng cửa các địa điểm không thiết yếu, một số đó đã có hiệu lực từ hôm 29-3.
Người dân xếp hàng giữ khoảng cách bên ngoài một văn phòng bưu điện tại thủ đô Moscow - Nga sau khi có lệnh phong tỏa một phần thành phố hôm 30-3. Ảnh: REUTERS
Thủ đô Moscow hôm 30-3 đã cách ly toàn thành phố vô thời hạn trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này vượt quá 1.836 và ít nhất 9 trường hợp tử vong được ghi nhận. Lệnh tự cách ly này sẽ áp dụng với mọi cư dân Moscow bất kể tuổi tác.
Trong trường hợp ra khỏi nhà, người dân phải duy trì khoảng cách 1 - 1,5 m với những người xung quanh. Theo hãng tin RIA Novosti, bất kỳ ai vi phạm quy định tự cách ly có thể đối mặt với mức phạt lên tới 40.000 rúp (khoảng 500 USD). Trong khi đó, mức phạt sẽ lên tới 300.000 rúp (khoảng 3.700 USD) nếu lây bệnh cho người khác hoặc có hành động vi phạm lệnh cách ly dẫn đến cái chết của người khác liên quan Covid-19.
Một số nước châu Âu cũng ban bố nhiều quy định phòng chống Covid-19. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nêu rõ đeo khẩu trang không phải là biện pháp thay thế cho việc giữ khoảng cách mà chỉ là bổ sung. Đức cũng lên tiếng cho rằng họ có thể yêu cầu công dân đeo khẩu trang nơi công cộng một khi các biện pháp phong tỏa của nước này được nới lỏng.
Trong khi đó, tại Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi thông báo chính phủ nước này quyết định cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với toàn bộ hành khách nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Quyết định trên không áp dụng đối với người nước ngoài có giấy phép lưu trú và quan chức ngoại giao. Theo tờ Jakarta Post, Indonesia cũng sẽ tăng cường kiểm tra các công dân về nước giữa lúc số ca nhiễm tại đây lên hơn 1.414.
Diễn biến phức tạp
Phát biểu hôm 30-3, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza thông báo nước này sẽ sớm gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến hết lễ Phục sinh năm nay. Ông Speranza không nêu thời gian cụ thể nhưng lễ Phục sinh rơi vào ngày 12-4 tới. Thứ trưởng Bộ Y tế Ý Pierpaolo Sileri cùng ngày nhận định tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại nước này đang chậm lại và có thể đạt đỉnh trong 7 đến 10 ngày tới. Hiện Ý đã ghi nhận ít nhất 101.739 ca nhiễm và 11.591 ca tử vong.
Trong diễn biến bất ngờ tại Pháp, nước này cùng ngày ghi nhận thêm 418 người thiệt mạng, mức tăng kỷ lục kể từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện tại quốc gia này, nâng tổng số ca tử vong lên 3.024. Theo hãng tin Reuters, số ca nhiễm tại Pháp là 44.550. Giới chức y tế Pháp cho rằng những tín hiệu tích cực từ lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ sớm ban bố vào cuối tuần này.
Trong khi đó Tây Ban Nha đang là quốc gia áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu. Với hơn 7.716 người chết vì Covid-19, Tây Ban Nha trở thành quốc gia có số ca tử vong nhiều thứ hai thế giới sau Ý.