COVID-19 và câu chuyện “trong nguy có cơ”

(PLVN) -  Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19, nhất là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại nước ta, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng tham quan triển lãm bên lề Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III.
Thủ tướng tham quan triển lãm bên lề Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III.

Phát triển kinh tế số

2021 là một năm rất đặc biệt đối với chuyển đổi số (CĐS) khi Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định “thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Và đúng như nhận xét của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu bình thường thì chúng ta không nhìn thấy rõ và có thể chúng ta vẫn tiếp tục khen nhau, tiếp tục làm việc trên giấy tờ, tạo ra thành công trên giấy tờ nhưng COVID-19, nhất là biến chủng Delta và đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã đẩy chúng ta ra khỏi giấy tờ để đối diện với thực tế, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về CĐS. Quá trình ấy không thể không kể đến sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Điển hình là doanh nghiệp trong ngành du lịch. Đây là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng rất nặng nề dưới tác động của đại dịch COVID-19, vì liên quan đến việc di chuyển, gặp rào cản khi áp dụng các chính sách giãn cách xã hội. Ngành du lịch trên toàn thế giới đã chịu tổng thiệt hại đến 2,4 nghìn tỷ USD. Trong tình hình đó, du lịch Việt Nam được khuyến khích tiếp tục triển khai đề án CĐS. Cụ thể, từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn 3-5 sao, hướng dẫn viên du lịch nội địa - quốc tế, lữ hành; nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời, thiết lập ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Đến nay, nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số, như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo... Đồng thời các doanh nghiệp đều đã có ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số như Vietravel, Flamingo... Các doanh nghiệp trong ngành du lịch đều ứng dụng công nghệ để quản lý và bán hàng trên môi trường mạng. Các sàn thương mại điện tử du lịch hiện chiếm khoảng 20% thị phần, các ứng dụng vận chuyển số của Việt Nam chiếm khoảng 13% thị phần trong nước.

Hay đối với lĩnh vực quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện việc cung cấp hóa đơn điện tử. 99,6% hợp đồng mua bán điện đã được ký bằng hợp đồng điện tử. EVN cũng đã triển khai 12/12 dịch vụ của ngành điện lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ của ngành điện cũng chiếm tới 55% dịch vụ được giao dịch trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 14 ngân hàng lớn và các tổ chức trung gian thanh toán đều đã đưa vào triển khai dịch vụ thanh toán cho ngành điện. Người dùng của EVN cũng có thể tra cứu việc sử dụng điện của họ trên ứng dụng của EVN…

“Bây giờ là hành động, hành động nhanh và hiệu quả”

Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn trên nhiều lĩnh vực, đồng thời cho chúng ta những bài học và cơ hội trăm năm, thúc đẩy nhanh hơn quá trình CĐS doanh nghiệp.

Giải đáp những vấn đề mà CĐS phải tham gia tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III với chủ đề “CĐS - động lực phục hồi và phát triển kinh tế” được tổ chức vào đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu quan điểm: CĐS phải thúc đẩy phát triển bền vững, cả chiều rộng lẫn chiều sâu; vào phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng miêu tả kỹ lưỡng tác động của dịch đến phát triển kinh tế để thấy được tầm quan trọng của phòng chống dịch mà CĐS cần phải phục vụ công cuộc phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, CĐS phải phục vụ chống biến đổi khí hậu; phục vụ việc khắc phục cạn kiệt tài nguyên; phục vụ chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, năng lượng sạch. CĐS cũng phải phục vụ việc chuyển từ học tập trực tiếp sang trực tuyến, kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến; phải khắc phục tình trạng già hóa dân số bởi già hóa dân số là một nguy cơ. Trên hết, CĐS phải phục vụ cho cuộc sống người dân được ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng. “Mong muốn doanh nghiệp làm được việc này, làm được là điều rất đáng quý”, Thủ tướng nhắn gửi.

Bày tỏ sự chia sẻ với những trăn trở của Thủ tướng Phạm Minh Chính về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, vừa chống COVID vừa phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây chính là động lực để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam giải quyết những nỗi đau của đất nước, những trăn trở của Thủ tướng. Bộ trưởng cam kết Bộ Thông tin và Truyền thông cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số xin nhận nhiệm vụ sử dụng công nghệ số, giải pháp số, trí tuệ Việt Nam, giải quyết những “bài toán” Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, công nghệ số sẽ giải được những “bài toán” khó tồn tại từ lâu đối với nhân loại, đối với Việt Nam.

Đặc biệt, tại Diễn đàn, 35 nền tảng số đã được trao trọng trách phục vụ cho công cuộc CĐS quốc gia. Những nền tảng này phục vụ hàng chục, hàng trăm triệu người dân, hỗ trợ CĐS cho cả một lĩnh vực. Những nền tảng số này sẽ giúp cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững.

Tổng kết năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn ước đạt trên 135 tỷ USD, tăng trưởng gần 10%. Số lượng doanh nghiệp CĐS cũng có tốc độ tăng trưởng tương tự, gần 10%.

Năm 2021 có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu. Số sản phẩm ra nước ngoài đã có nhiều hơn, xếp hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên. Nhìn rộng trên bình diện toàn quốc, có thể dẫn ra một ví dụ để thấy những thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra đã thúc đẩy quá trình CĐS nhanh đến mức nào. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc CĐS quốc gia đã lan tỏa sâu rộng, tạo nên một làn sóng CĐS trên phạm vi cả nước. Tính đến ngày 15/12/2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Việt Nam đạt 96%, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy CĐS quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số.

“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có tên, có sứ mệnh và đã có những nhiệm vụ, công việc cụ thể. Niềm tin mà đất nước, Chính phủ đặt vào chúng ta là rất lớn. Bây giờ là hành động, hành động nhanh và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi.

Còn tại Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra vào cuối tháng 12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo những số liệu mới được công bố, kinh tế số Việt Nam hiện đạt cỡ 21 tỷ USD, ngang với Malaysia và thấp hơn Thái Lan. Kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ có sự bứt phá trong những năm tới đây. Trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ vượt Malaysia, Thái Lan và chỉ thua Indonesia về kinh tế số trong khu vực.

Trước mắt, trong năm 2022, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam cần hoàn thành cơ sở dữ liệu về tài nguyên, đặc biệt quan trọng nhất với người Việt Nam là tài nguyên đất đai. Việc hoàn thành tài nguyên dữ liệu về đất đai sẽ tạo nên một tác động xã hội lớn, không kém gì câu chuyện thanh toán điện tử. Chỉ khi đó, CĐS, kinh tế số, xã hội số mới có những bước tiến thực chất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn yêu cầu, cần tiếp tục ứng dụng, hoàn thiện các giải pháp công nghệ phục vụ chống dịch. Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện các nền tảng cung cấp những dịch vụ như thương mại điện tử, học trực tuyến. Các nền tảng do người Việt tạo ra vẫn chưa chiếm được thị phần khi so với nước ngoài. Cần đẩy mạnh hơn nữa các nền tảng công nghệ Việt Nam. Việc sử dụng sản phẩm Việt Nam chính là cách tốt nhất để giúp chính các sản phẩm này phát triển.

2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Đây cũng là thời cơ để doanh nghiệp số nói riêng và cả nước nói chung tận dụng, bứt phá vươn lên, hiện thực hóa khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc, vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS (được kiện toàn trong tháng 11/2021), tại Phiên họp thứ nhất của Ủy ban, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chủ trương của Đảng đã xác định rõ, “vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho thực sự có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, CĐS đang góp phần vào khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch có hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần vào xu thế hội nhập, nâng cao vai trò, vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước”.

Tại Phiên họp này, ngoài đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 thực hiện khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Ủy ban sẽ triển khai 18 nhiệm vụ trong năm 2022, gồm phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phổ cập học trực tuyến; phổ cập CĐS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập hóa đơn điện tử...

Đọc thêm