Covid đã thay đổi các đám cưới trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hàng triệu cặp đôi trên thế giới đã quá mệt mỏi vì phải liên tục trì hoãn đám cưới của mình hết lần này đến lần khác. Nhưng tiếp tục trì hoãn cho đến hết dịch không phải là sự lựa chọn của tất cả mọi người, đặc biệt với những người kết hôn muộn.
Ảnh minh họa. (Nguồn Mirror)
Ảnh minh họa. (Nguồn Mirror)

Chú rể không được hôn cô dâu vì… giãn cách

Làn sóng dịch bệnh “ập” đến quốc đảo Singapore vào khoảng tháng 4/2020, lúc đó tất cả các đám cưới đều phải hoãn, hủy bởi lệnh giãn cách xã hội, cấm đi lại và cấm tụ tập. Đến ngày 3/10/2020, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, chính phủ Singapore mới thông báo rằng đám cưới có thể được tổ chức với 100 khách mời, đi kèm theo rất nhiều quy tắc phòng dịch.

Chia sẻ với tờ South China Morning Post, cặp đôi Shoshi Kudo và Gina Loh đã kể lại đám cưới đặc biệt của mình trong thời COVID-19 vào tháng 1/2021 vừa qua. Shoshi Kudo cầu hôn Gina Loh vào tháng 1/2020 sau 5 năm hẹn hò và mong chờ một đám cưới lãng mạn; nhưng dịch bệnh bùng phát và đám cưới của họ bị trì hoãn đến một năm sau.

Đám cưới trong đại dịch hoàn toàn khác với những gì họ đã dự tính trước đó. Toàn bộ kế hoạch bị “đảo ngược”, sự hồi hộp và lo lắng kéo dài đến tận phút chót của buổi lễ. Không phải là một đám cưới nhộn nhịp đậm phong cách văn hoá Trung Hoa với hơn 180 khách mời và cả sự góp mặt của gia đình nhà trai đến từ Nhật Bản. Tiệc cocktail và tiệc chiêu đãi hoành tráng, DJ âm nhạc, dàn hợp xướng, quầy chụp ảnh lưu niệm nhóm, khiêu vũ vào cuối bữa tiệc,… đều đã bị loại trừ khỏi kế hoạch.

Thay vào đó, Shoshi Kudo và Gina Loh tổ chức một đám cưới nhỏ tại Singapore Island Country Club với 100 khách mời tham dự. Để thực hiện nghiêm ngặt việc phòng dịch, khách mời phải di chuyển bằng phương tiện riêng, tại cửa check-in phải tuân thủ việc kiểm tra thân nhiệt và khai báo qua ứng dụng truy vết của Singapore – Trace Together. Tất cả đều đeo mặt nạ hoặc khẩu trang, đứng cách xa nhau một mét tối thiểu. Kể cả trong bữa tiệc chiêu đãi đã được tối giản hoá hơn rất nhiều, mọi người đều phải duy trì khoảng cách an toàn và chỉ được ngồi tại vị trí đã được xếp sẵn.

Yêu cầu khách mời không được tiếp xúc trực tiếp đồng nghĩa với việc không được chụp ảnh nhóm đứng san sát nhau. Lệnh cấm hát và chơi nhạc cụ ở đám cưới đồng nghĩa với việc sẽ không còn dàn hợp xướng hay DJ. Chú rể Kudo cho biết: “Tại lễ đường, chúng tôi được yêu cầu tách khách mời thành hai khu vực gồm 50 người mỗi khu và không để khách hai bên tiếp xúc với nhau. Vì vậy, chúng tôi chia ra một bên là gia đình và bên còn lại là bạn bè. Tùy thuộc vào độ dài của hàng ghế, ba hoặc bốn người cùng một gia đình có thể ngồi cùng hàng với nhau”.

Cô dâu Loh bước vào nhà thờ trong tiếng nhạc từ bài hát “It’s Your Day”, nguyên tác của nghệ sĩ dương cầm Yiruma. Điều đặc biệt là tiếng nhạc vang lên là phiên bản được đánh lại bởi một người bạn của cô dâu và được đăng tải trên Spotify để phát trong buổi lễ trọng đại của cô. Cô dâu và chú rể phải đứng cách cha xứ một mét khi nói lời thề nguyện bên nhau trọn đời. Trước khi mỗi người khách đến rước lễ, cha xứ sẽ xịt nước rửa tay cho họ. Cha xứ đưa cho khách bánh quy chúc mừng nhưng không có rượu.

“Không khí trong nhà thờ khá im lặng. Chúng tôi không được phép hát và phải rời đi trong vòng 60 phút để ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm chéo do tiếp xúc lâu”. Kudo chia sẻ về đám cưới đặc biệt của mình. Anh cũng nhấn mạnh: “Cha xứ đã không nói “và bây giờ chú rể có thể hôn cô dâu’, mặc dù tôi đã rất mong chờ giây phút đó”.

Với kế hoạch tổ chức đám cưới tại nhà thờ như ban đầu, Kudo và Loh dự định tổ chức luôn một bữa tiệc cocktail và buffet ăn nhẹ để khách mời có thể thư giãn và cùng nhau chụp những bức ảnh lưu niệm. Nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ. Sau khi lễ cưới kết thúc, mọi người di chuyển bằng phương tiện riêng đến nhà hàng để ăn tiệc. Một lần nữa, họ phải được kiểm tra nhiệt độ, khai báo trên Trace Together và tìm chỗ ngồi đã được sắp sẵn của mình.

Đáng nói, cả Loh và Kudo đều có gốc Trung Quốc. Với một đám cưới truyền thống của người Trung Quốc trước COVID-19, phù rể và anh chị em sẽ lần lượt phát biểu trên sân khấu, nhưng vì mọi người phải giữ khoảng cách, cô dâu và chú rể chỉ có hai bài phát biểu trong ngày. Vì vậy, Loh đã tự thiết kế một video nói về những khoảnh khắc đáng nhớ trong mối tình của họ từ năm 2015 đến nay để trình chiếu cho mọi người xem.

Cũng vì không có quầy chụp ảnh riêng, khách mời không thể thay đổi bàn hoặc khu vực, nên những bức ảnh nhóm duy nhất ghi lại buổi tiệc được chụp ngay tại bàn ăn. Do đó, cặp đôi phải lên kế hoạch kỹ càng hơn về những người sẽ ngồi cùng nhau để có những bức ảnh kỷ niệm đẹp.

Kudo chia sẻ: “Nếu là một đám cưới trước dịch, thông thường sẽ có một cuộc thi hoạt náo khi mỗi bàn cố gắng cổ vũ, thách thức cô dâu, chú rể và đưa ra những lời chúc hài hước nhất. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong một đám cưới mùa dịch. Mỗi bàn chỉ nâng ly chúc mừng cô dâu và chú rể với lời chúc sức khỏe và hạnh phúc. Tất cả diễn ra trong một quy củ nhất định”. “Mặc dù đám cưới không diễn ra như chúng tôi dự định ban đầu nhưng nó vẫn thực sự đặc biệt”, cả Loh và Kudo chỉ có thể thở phào khi đám cưới của họ kết thúc.

Phải tiêm vắc xin mới được tham dự đám cưới

Cách nửa vòng trái đất, một cặp đôi khác cũng gặp vấn đề tương tự Loh và Kudo khi phải hoãn đám cưới của mình đến một năm sau đó. Chia sẻ với tờ Times, Kari Post, một cô dâu người Mỹ, đã tổ chức một buổi lễ cưới nhỏ vào tháng 5/2020 với sự chứng kiến của gia đình và một số người bạn. Tuy nhiên, mẹ cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ngay 10 ngày trước ngày cô dự định tổ chức đám cưới, nên Post và hôn phu quyết định rời lịch tiệc cưới đến tháng 6/2021 tại New Hampshire (Mỹ).

Đám cưới mùa dịch có thể là một trải nghiệm tồi tệ và căng thẳng đối với nhiều cặp đôi. Cô dâu Kari Post chia sẻ: “Thật tệ khi bạn không thể ôm ai trong lễ kết hôn của mình. Thật thất vọng khi không thể ăn mừng trong sự an tâm và thư giãn”. Đám cưới vào tháng 6 vừa qua của Post yêu cầu tất cả khách mời phải đáp ứng một điều kiện: chỉ đến khi đã được tiêm phòng. Mặc dù cô dâu và chú rể không yêu cầu khách mời phải cung cấp chứng nhận vắc xin tại cửa đến nhưng hầu hết cô theo dõi việc tuân thủ thông qua những tin nhắn, bài đăng trên mạng xã hội của những người thân, bạn bè, đồng nghiệp trong danh sách khách mời của cô.

Cô dâu Post cho biết, hầu hết khách mời đều tuân thủ yêu cầu của cô, tuy nhiên điều này vẫn chưa làm cô yên tâm. Theo một thống kê, trên toàn nước Mỹ, chỉ 61% người trưởng thành được tiêm mũi đầu tiên và đất nước này vẫn chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Do đó, cô dâu và chú rể bị buộc phải trở thành những “chiếc máy quét để phát hiện người đã tiêm chủng” – một điều hoàn toàn là không thể nếu khách mời không phối hợp cung cấp thông tin. Post cho biết: “Tôi đã phải nói thẳng với tất cả mọi người rằng nếu có ai đó cảm thấy bị xúc phạm với yêu cầu phải tiêm vắc xin trước khi đến và không muốn tuân thủ, bạn không cần đến”.

Kari Post không muốn tiếp tục trì hoãn tiệc cưới của mình thêm nữa vì vợ chồng cô đều hy vọng có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo trong cuộc sống hôn nhân của họ - đó là sinh một đứa trẻ. Post chia sẻ: “Tôi đã 35 tuổi và hy vọng ngày càng mỏng manh hơn khi tôi già đi. Tôi cũng không muốn tổ chức tiệc cưới trong lúc mang thai hoặc ba tháng sau sinh hoặc trì hoãn nó đến khi đứa con của tôi lớn lên”.

Quả thực, “mệt mỏi vì trì hoãn” đã trở thành một “gánh nặng” tâm lý đối với rất nhiều cặp đôi trên toàn thế giới khi muốn tổ chức đám cưới trong mùa dịch. Họ không còn hào hứng với ngày cưới vì lo sợ sẽ phải lên lịch lại và lên kế hoạch cho lần hai, lần ba hoặc thậm chí là lần bốn. “Đó là cảm giác bất cứ lúc nào dịch bệnh có thể ngăn lại đám cưới của bạn. Thật kinh khủng khi lên kế hoạch một đám cưới mông lung như vậy. Quá nhiều dự đoán, kế hoạch chính – phụ và cả nỗi thất vọng, tiếc nuối. Nhưng cuối cùng khi mọi thứ đã qua, tôi cảm thấy thực sự nhẹ nhõm”, Post nói.

Đọc thêm