CPTPP hấp dẫn như thế nào khiến Mỹ muốn quay lại?

(PLO) - Trước thông tin Mỹ đã chính thức đưa ra thông điệp sẽ quay lại với CPTPP, thì có thể thấy, đây thực sự là một hiệp định hấp dẫn. Phóng viên PLVN đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) để biết thêm về “sức hút” khiến Mỹ phải dự kiến thay đổi quyết định.
Chuyện tương tự như “thẻ vàng EC” sẽ được giải quyết nhanh hơn ở CPTPP.
Chuyện tương tự như “thẻ vàng EC” sẽ được giải quyết nhanh hơn ở CPTPP.

CPTPP là hiệp định có chất lượng cao với mọi thành viên

CPTPP được xem như một hiệp định có chất lượng nhất từ trước đến nay mà Việt Nam tham gia. Bà có thể cho biết khái quát, “chất lượng” này đến từ những điều khoản nào?

- Có lẽ sẽ rất khó để chỉ ra những điều khoản cụ thể nào của CPTPP làm nên tính “chất lượng cao” của Hiệp định này. Lý do là tất cả các điều khoản, các cam kết trong CPTPP đều có “chất lượng cao”, tất cả cùng tạo thành tính “chất lượng cao” của Hiệp định.

Trong các cam kết mở cửa thị trường, “chất lượng cao” thể hiện ở mức độ mở cửa mạnh hơn phần lớn các hiệp định mà ta đã ký. Về hàng hóa, CPTPP cam kết loại bỏ tới 87-100% số dòng thuế ở cuối lộ trình, mức cam kết mà chúng ta mới chỉ đạt được trong ASEAN. Về thị trường mua sắm công, CPTPP là FTA đầu tiên mà chúng ta có cam kết mở cửa khía cạnh quan trọng này cho nhà thầu nước ngoài.

Về dịch vụ, CPTPP mở cửa thị trường dịch vụ mạnh ở tất cả các nước thành viên, với Việt Nam thì các mức này cao hơn hẳn so với cam kết WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây.

Trong các cam kết về thể chế hay quy tắc đằng sau đường biên giới, tính “chất lượng cao” thể hiện ở bản thân việc CPTPP đề cập tới các vấn đề mà xưa nay các FTA truyền thống không đề cập hoặc chỉ nêu rất mơ hồ, chung chung. Quan trọng hơn, về nội dung, các quy tắc này không chỉ là nhấn mạnh yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy tắc WTO mà nhiều khía cạnh còn đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn WTO.

Với các đặc điểm này, CPTPP không chỉ là một Hiệp định có cam kết “chất lượng cao” với Việt Nam mà là với tất cả các thành viên CPTPP.

Để tận dụng được những điều khoản nêu trên, theo bà doanh nghiệp Việt sẽ phải có những bước đi như thế nào để có thể mang lại lợi ích lớn nhất từ những điều khoản đã cam kết?

- Tôi nghĩ với các FTA truyền thống trước đây, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp đã là rất lớn thì với CPTPP, một Hiệp định chất lượng cao như đã nói, thách thức sẽ còn lớn hơn.

Với CPTPP, cũng như với các FTA khác, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cơ hội về thuế quan, các điều kiện về quy tắc xuất xứ, từ đó chuẩn bị điều chỉnh nguồn nguyên liệu, cách thức sản xuất, tìm kiếm khách hàng ở các thị trường này để được hưởng những lợi ích tốt nhất. 

Khác với nhiều FTA khác, CPTPP còn là câu chuyện thay đổi, điều chỉnh thể chế trong nước để tuân thủ cam kết tiêu chuẩn cao của CPTPP. Có những cam kết sẽ giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, ví dụ các cam kết về tạo môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, cạnh tranh…Nhưng cũng có các cam kết sẽ khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp bị đội lên hoặc giảm vị thế cạnh tranh, ví dụ các cam kết về lao động, về môi trường, về đối xử với nhà đầu tư nước ngoài… 

Tất cả những điều này tuy không lập tức tác động tới lợi nhuận của doanh nghiệp như thuế quan, nhưng lại ảnh hưởng tới tương lai kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp. Vì thế với CPTPP, các doanh nghiệp ngoài việc tự lo cho mình, còn phải chú ý để kết nối với nhau, với các Hiệp hội doanh nghiệp, để tham gia vào quá trình rà soát, sửa đổi chính sách pháp luật theo cam kết CPTPP sao cho cam kết vẫn phải tuân thủ đầy đủ, nhưng lại vẫn bảo đảm không gian lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập.

“Thẻ vàng kiểu EC” sẽ được giải quyết nhanh hơn trong CPTPP

Thời gian vừa qua, sự việc EC phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam đã khiến mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn. Xin bà cho biết, trong các cam kết CPTPP, có những điều khoản nào mà doanh nghiệp Việt cũng như người dân Việt Nam cần tránh để không rơi vào tình huống tương tự? 

- Thực ra “thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu áp đặt với hải sản khai thác ở biển của Việt Nam là một loại biện pháp rào cản kỹ thuật, mà ta hay biết tới dưới tên biện pháp rào cản kỹ thuật đối với thương mại (gọi tắt là biện pháp TBT). 

Theo WTO, các nước có quyền chủ động áp dụng các biện pháp TBT của mình, vì các lý do khác nhau (ví dụ ở đây là vì mục tiêu bảo vệ môi trường). Không có chuẩn quốc tế chung nào cả, miễn tuân thủ một số các yêu cầu về quy trình, ví dụ phải dựa trên căn cứ khoa học, phải lấy ý kiến đối tượng liên quan, phải có khoảng thời gian để doanh nghiệp nhận biết trước khi chính thức áp dụng…

Điểm mới đáng chú ý về về TBT ở CPTPP là có một số quy định về quy trình đánh giá sự phù hợp và một số cam kết về các nguyên tắc nhất định mà các nước phải tuân thủ khi ban hành các biện pháp TBT đối với 06 nhóm mặt hàng hẹp (là rượu vang và đồ uống chưng cất, công nghệ thông tin, dược/thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói và phụ gia).

Nếu xảy ra tình trạng tương tự, việc giải quyết ở CPTPP sẽ khác gì so với EC, thưa bà?

- Nếu xảy ra tình huống tương tự vụ “thẻ vàng” với một nước CPTPP, có thể quy trình xem xét khiếu nại của Việt Nam sẽ nhanh chóng và linh hoạt hơn. Nhưng quan trọng là mỗi nước thành viên CPTPP vẫn sẽ giữ quyền tự chủ trong ban hành các biện pháp TBT của mình. Vì vậy chúng ta khó có thể hy vọng rằng sau khi Hiệp định này có hiệu lực, các nước CPTPP sẽ không đưa ra các biện pháp TBT mới gây khó khăn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Do đó, cách thức tốt nhất vẫn là doanh nghiệp chủ động theo dõi các biện pháp TBT của các nước, có ý kiến tham gia khi họ đang soạn thảo, còn khi biện pháp TBT đã có hiệu lực thì chú ý tuân thủ đầy đủ. 

Cơ hội mở toang cửa thị trường Trung, Nam Mỹ

Rất nhiều ngành hàng xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ CPTPP, như dệt may, thủy sản... Tuy nhiên, những thị trường trong CPTPP đều là những thị trường có đòi hỏi khá cao về chất lượng. Liệu chỉ trong một thời gian ngắn nữa khi CPTPP chính thức có hiệu lực, hàng hóa của chúng ta có thể thay đổi để đáp ứng chất lượng cho các thị trường này, thưa bà?

- Thực tế thì yêu cầu chất lượng của các thị trường CPTPP này cũng không cao hơn các thị trường EU, Hoa Kỳ bao nhiêu. Do đó, sức ép về chất lượng trực tiếp từ CPTPP không phải là quá đáng lo ngại với các doanh nghiệp xưa nay vẫn xuất khẩu đi các thị trường lớn này.

Vấn đề chỉ đặt ra với chất lượng khi chúng ta muốn tận dụng cơ hội từ CPTPP để số lượng doanh nghiệp có thể xuất khẩu vào các thị trường này nhiều hơn nữa hoặc để cạnh tranh hơn nữa với các đối thủ mạnh khác ở các thị trường này. Vì vậy, nâng cao chất lượng để cạnh tranh tốt hơn là việc cần thiết mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần chú trọng để tồn tại, phát triển và thu lợi nhuận. Đây cũng là cách thức bền vững và hiệu quả nhất để tận dụng các cơ hội từ các FTA như CPTPP.

Việt Nam có thể kỳ vọng nhiều vào những thị trường chưa từng tham gia bất kỳ một FTA nào với Việt Nam như Peru, Canada và Mexico? Và trước mắt,  doanh nghiệp Việt cần phải làm gì để có thể chinh phục và tận dụng những điều khoản đã cam kết với những thị trường mới nhất này? 

- Vâng, Canada, Peru và Mexico là 3 đối tác mà chúng ta chưa từng có FTA trong số 10 đối tác CPTPP. Điều này có nghĩa rằng, trước đây, ở 3 thị trường này hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vẫn phải chịu thuế quan thông thường. Có CPTPP, chúng ta sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu vào các thị trường này.

Đây là điều kiện để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn, ít nhất là về giá, ở các thị trường này so với trước khi có CPTPP. Ngoài ra, 3 thị trường châu Mỹ này khá lớn, yêu cầu đa dạng, hàng hóa phần lớn lại không cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Do đó, đây là cơ hội đáng kể để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung và Nam Mỹ.

Tôi nghĩ cách thức để doanh nghiệp tận dụng cơ hội ở các thị trường mới hay các thị trường đã có FTA với Việt Nam cũng giống nhau. Đó là tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các cơ hội từ CPTPP để chủ động kết nối khách hàng, chủ động điều chỉnh nguồn nguyên liệu và sản xuất để tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Đọc thêm