CPTPP cũng là "đòn bẩy" đẩy hàng hoá Việt Nam ra các thị trường, trong đó một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, New Zealand. Các nước này đã ngay lập tức cắt giảm thuế quan nhập khẩu với nhiều mặt hàng quan trọng như đồ gỗ, nông thuỷ sản. Điều đó làm tăng quy mô thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP cũng như góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỉ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỉ USD năm 2023 mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023. Xuất siêu ở các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD, góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114, 5 tỉ USD.
Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP cũng tăng trưởng tích cực, được khoảng hơn 76 tỉ USD và tăng trưởng khoảng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại khoảng 6,6 tỷ USD.
Về đầu tư, CPTPP giúp các các nhà đầu tư nước ngoài, là thành viên CPTPP như: Singapore, Nhật Bản đã tiếp cận thị trường Việt Nam một cách rất tích cực để tận hưởng các cơ hội của hiệp định này.
Nhờ Hiệp định CPTPP, hàng hóa Việt Nam cũng gia tăng tại nhiều thị trường mới mà trước đây chưa có FTA. Khi nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam để tận dụng các ưu đãi từ FTA, doanh nghiệp Việt Nam cũng thêm cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI.
Hiệp định CPTPP là một trong ba Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia và Hiệp định CPTPP cũng là hiệp định đến thời điểm hiện nay chúng ta có thời gian thực thi lâu nhất khoảng 5 năm.
Theo các chuyên gia, quá trình thực thi CPTPP cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp tận dụng được các FTA này là các doanh nghiệp FDI. Điển hình là những doanh nghiệp trong những lĩnh vực linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính… còn những doanh nghiệp liên quan đến nông, thủy sản là những doanh nghiệp thế mạnh của Việt Nam thì mức độ tận dụng còn tương đối hạn chế. Bên cạnh đó, tỉ trọng hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường CPTPP còn hạn chế, không chỉ CPTPP mà những FTA thế hệ mới khác như EVFTA hay UKVFTA cũng chỉ dưới 10%.
Với những thị trường CPTPP như: và Mexico và Canada, tỷ lệ đó dưới 2% và tỷ lệ tận dụng ưu đãi với CPTPP năm 2022 chỉ khoảng gần 5%. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện về chất lượng, mẫu mã, tuân thủ xuất xứ hàng hóa hay các yêu cầu khác của thị trường để khai thác hết dư địa và cơ hội từ Hiệp định này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, khác biệt giữa hiệp định CPTPP với 11 hiệp định đã có trước là từ góc độ đối tác, bởi đối tác của CPTPP không mới. Có 7/10 đối tác CPTPP là những đối tác mà nước ta đã có ít nhất là một hiệp định thương mại tự do chung. Tuy nhiên, CPTPP lại là Hiệp định thương mại lớn đầu tiên, giống như sự “tấn công tổng lực” vào thị trường châu Mỹ.
Những kết quả trên cho thấy, Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực, dù là trực tiếp hay gián tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.