Cơ quan điều tra vào cuộc
Ba công ty bị “điểm mặt” trong văn bản kể trên là Công ty (Cty) TNHH Đầu tư, Cty Cổ phần Đầu tư Việt Nam và Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị. Ba DN này trước đó đều đang hoạt động ở TP HCM sau đó đồng loạt sáp nhập vào Cty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long (gọi tắt Cty Phi Long, địa chỉ số 1 đường 28, ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh).
Theo UBND TP HCM, trước khi sáp nhập vào Cty Phi Long, cả ba doanh nghiệp trên đang thực thiện các dự án ở huyện Bình Chánh và Bình Thạnh (TP HCM). Tuy nhiên, các dự án đang dang dở, chưa thực hiện đúng theo tiến độ và chỉ đạo của UBND TP HCM; chưa kể còn nợ nghĩa vụ tài chính với những khoản rất lớn...
Cụ thể, quá trình được giao gần 200 ngàn m2 đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh để chuẩn bị xây dựng khu nhà ở, chủ đầu tư tự đang lưu giữ các bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo quy định). Cty Đầu tư cũng san lấp trái phép rạch nước thuộc dự án và bị xử phạt vi phạm hành chính 4 lần trong năm 2018.
Chính quyền sở tại đã đề nghị DN này chấm dứt việc san lấp và lập lại quy hoạch chi tiết 1/500, trình duyệt và thực hiện các bước tiếp theo quy định, để làm cơ Sở, cho việc thi công san lấp… nhưng Cty vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, mọi yêu cầu về báo cáo tình hình tiến độ dự án, báo cáo tài chính của các Sở ngành TP HCM đối với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long (đơn vị nhận sáp nhập Công ty TNHH Đầu tư) để phúc đáp đơn thư của người dân đều không nhận được sự hợp tác.
Tương tự, Cty Cổ phần Đầu tư Việt Nam là chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư Phi Long 5, quy mô khoảng 5,1ha tại Lô số 5, khu 9A+B - Đô thị mới Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP HCM). Mặc dù DN đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích đã bồi thường nhưng công tác này chưa đồng bộ, khiếm khuyết nên nhiều hộ dân khiếu nại.
Còn Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị là chủ đầu tư 2 dự án khu dân cư tại phường 3, quận Bình Thạnh đang vướng “lùm xùm”. Trong đó, dự án Khu dân cư Miếu Nổi đang được Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đang thu thập hồ sơ và điều tra
Mánh khóe sáp nhập, đổi tên doanh nghiệp
Cũng theo thông tin từ báo cáo của UBND TP HCM, trong suốt thời gian hoạt động, các DN kể trên nhiều lần thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đổi tên doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp). Tuy nhiên bản thân mỗi công ty này đều đang nợ ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, Cty TNHH Đầu tư đăng ký lần đầu vào ngày 9/11/2000, chuyển thành Cty Cổ phần Đầu tư năm 2007. Năm 2009 Công ty Cổ phần Đầu tư sáp nhập vào Cty Phi Long. Năm 2016, Cty Phi Long đăng ký sáp nhập vào Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư văn hóa Việt. Trước đó, Cty Cổ phần Đầu tư chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực Mã số thuế. Sau khi về Cty Phi Long hiện còn nợ ngân sách gần 17 tỷ đồng.
Còn Cty Cổ phần Đầu tư Việt Nam thì thành lập năm 2001, nhận sáp nhập 2 Cty Cổ phần Tư vấn đầu tư văn hóa Việt và Cty Phi Long. Doanh nghiệp này sau đó đổi tên thành Cty Cổ phần Tư vấn đầu tư văn hóa Việt. Năm 2017, từ Công ty cổ phần, doanh nghiệp này chuyển loại doanh nghiệp thành Cty TNHH rồi sáp nhập vào Cty Phi Long hoạt động tại Tây Ninh.
Trước khi sáp nhập, Cty Cổ phần tư vấn đầu tư văn hóa Việt nợ ngân sách nhà nước hơn 300 triệu đồng và bị Chi cục Thuế huyện Bình Chánh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi chuyển loại doanh nghiệp, công ty này tiếp tục nợ ngân sách gần 20 tỷ đồng.
Tương tự 2 công ty trên, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị tên cũ là Công ty Kinh doanh nhà và Phát triển nhà thành lập năm 1994. Sau nhiều lần chuyển loại doanh nghiệp, doanh nghiệp này cũng sáp nhập vào Cty Phi Long. Cục Thuế TP HCM đang tiến hành rà soát về việc chấp hành nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp.
Được biết, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long có vốn điều lệ là hơn 15.000 tỷ đồng. Các công ty sáp nhập vào công ty này hiện chưa thực hiện xong nghĩa vụ thuế, bồi thường và không triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành để xảy ra khiếu nại của người dân.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Tây Ninh, UBND TP HCM đề nghị tỉnh Tây Ninh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện việc theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Cty Phi Long; Kiểm tra việc góp vốn điều lệ của Cty và phối hợp với sở, ngành, quận, huyện liên quan của TP HCM để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.