Nuôi con ăn học thành tài
Người phụ nữ có số phận bi ai đó là bà Nguyễn Thị Gia (SN 1961, ngụ thôn Xùy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Gia đình khó khăn, năm 20 tuổi, bà lập gia đình với người đàn ông xã bên rồi sinh được 2 cậu con trai. Đắng lòng khi hạnh phúc gia đình tan vỡ sau 5 năm chung sống, người chồng chủ động ly hôn để đến với người phụ nữ khác. Bà Gia nhận nuôi đứa con thứ hai khi đó chưa tròn 1 tuổi là Nguyễn Văn Bằng (SN 1985).
Hai mẹ con được ông ngoại cho miếng đất nhỏ ở góc vườn, dựng tạm căn nhà cấp 4 chui ra chui vào. Nhà có hơn 1 sào ruộng, bà Gia phải làm thêm đủ thứ nghề kiếm thêm thu nhập nuôi con khôn lớn. Thời gian đó, cũng có những người cùng cảnh ngộ đến hỏi bà chắp nối thế nhưng người mẹ nghèo quyết định an phận nuôi dạy con trai.
Năm Bằng lên 3 tuổi, 1 lần bị sốt cao lên cơ co giật, dù đã chạy chữa nhưng biến chứng khiến cậu bị teo một bên tay. Theo lời bà Gia, từ bé Bằng luôn là người con ngoan, chăm chỉ, đạt thành tích cao trong học tập. Bà Gia cũng tạo đủ điều kiện cho con học dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
“Hết lớp 12, Bằng thi đỗ đại học. Nghĩ đến việc con ăn học tốn kém, nhà lại không có tiền, tôi bảo cháu: “Con à! Nhà mình nghèo con đừng đi học đại học nữa mà đi làm kiếm đồng vào đồng ra”. Lúc ấy, Bằng khóc và xin tôi cho đi học vì tay không thế lao động nặng được. Nó nói, sau này nó sẽ kiếm tiền bằng tri thức. Thương con, tôi lại cố gắng nuôi con ăn học”, bà Gia kể lại.
|
Ngôi nhà nơi bà Gia sinh sống |
Bà Gia ngậm ngùi: “Mảnh đất đó là tài sản quý giá nhất của mẹ con tôi. Nghĩ cuộc đời mình đã khổ, muốn cuộc sống của con được tốt hơn nên tôi đành bán đi để lo cho con” .
Tháng 6/2012, Bằng về nước với tấm bằng cử nhân, chuyên ngành Quản trị kinh doanh cùng 2 loại chứng chỉ khác. Nghĩ lại giây phút đó bà Gia rất đỗi vui mừng, bởi trong thâm tâm bà nghĩ, từ giờ con trai sẽ có cơ hội xin được một công việc tốt, hai mẹ con sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Hi vọng vỡ tan
Sau khi về nước, Bằng lên mạng Internet tìm việc làm, có những hôm thức trắng đêm để ứng tuyển nhưng vẫn không có hồi âm. Xin việc trên mạng mãi không được, Bằng tìm cách lên xã, huyện làm hồ sơ gửi khắp nơi để tìm công việc phù hợp.
Có lần, Bằng lên Hà Nội đi tìm việc biền biệt mấy ngày mới chịu về nhà. Nhưng đáng buồn là lần nào Bằng cũng ra đi trong lòng rất phấn khởi và tràn đầy hi vọng thì về nhà lại thất vọng bấy nhiêu.
Thấy con buồn rầu, chán nản bà Gia hỏi thì Bằng nói: “Con bị teo tay nên người ta không nhận vào làm”. Nghe nó nói vậy người mẹ chạnh lòng, chỉ biết ôm con khóc động viên con cố gắng.
Hơn 6 tháng thất bại với hành trình tìm kiếm việc làm, Bằng trở nên chán nản và có những biểu hiện lạ như lầm lì, ít nói, phá đồ trong nhà, có lúc ngơ ngác như người mất hồn… Nặng hơn là có lần Bằng trèo lên nóc nhà, đem túi nilon giăng mắc khắp nơi, đòi đốt sách vở, định lấy kéo cắt bằng tốt nghiệp đại học.
“Thấy vậy, tôi cứ nghĩ do ma làm nên cúng bái nhưng mãi vẫn không thấy thuyên giảm. Sau đó, tôi đem con đi khám ở bệnh viện Tâm thần Trung ương thì được bác sĩ kết luận rằng Bằng mắc chứng tâm thần phân liệt thể Paranoid”.
Hoàn cảnh vốn đã eo hẹp, bà Gia lại phải ngược xuôi vay mượn để có tiền chữa bệnh cho con. Suốt thời gian con nằm viện, bà Gia lóc cóc đạp xe cả quãng đường dài vừa chạy chợ buôn bán kiếm thêm thu nhập, vừa tranh thủ chăm con mà không quản nắng mưa. May mắn, bệnh tình của Bằng thuyên giảm nên bà xin về điều trị tại nhà.
|
Bằng tốt nghiệp đại học Ming Chuan |
Khóc cạn nước mắt vì con
Về nhà được vài ngày, Bằng nói với mẹ muốn ra trung tâm thành phố xin việc làm trái ngành một thời gian, khi nào có cơ hội sẽ tìm đúng chuyên ngành học. Thấy tâm trạng con ổn định, bà Gia đồng ý cho Bằng đi làm với hi vọng môi trường làm việc giúp con vui vẻ, thoải mái hơn để không ảnh hưởng đến bệnh.
“Lần này đi xin việc, Bằng điện về và nói xin làm bảo vệ cho một siêu thị ở Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội). Tôi không biết công việc thế nào, chỉ nghe nó nói là thường xuyên phải làm đêm nên không có thời gian về thăm nhà. Chỉ gọi điện về dặn dò tôi ở nhà giữ gìn sức khỏe”, bà Gia cho hay.
Đi làm chưa lâu, một hôm Bằng trở về nhà mà không báo trước, biểu hiện tâm lý khác thường. Bà Gia thấy Bằng có biểu hiện tái phát bệnh cũ nên đưa con nhập viện tâm thần. Trong thời gian nằm viện, Bằng nói với mẹ, siêu thị đang cần người nên phải quay lại làm. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau khi Bằng xuất viện, bà Gia đau lòng đón nhận tin dữ con trai giết người.
Theo hồ sơ vụ án, đêm 26/5/2014, thấy hai đồng nghiệp ngồi trên xích sắt của siêu thị, Bằng nhắc nhở nhiều lần không được. Hai bên sau đó xảy ra xô xát. Trong lúc bị đồng nghiệp đánh chửi, Bằng lấy dao mang theo đâm loạn xạ làm một người tử vong.
Viện Pháp y tâm thần Trung ương kết luận khi gây án, Bằng đang mắc bệnh tâm thần phân liệt, bệnh ở giai đoạn tái phát, bị can mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi.
Từ ngày con trai vướng vào lao lý, mỗi khi nhớ con bà Gia chỉ biết khóc, thi thoảng mới thu xếp được công việc lên thăm con ở trại giam nhưng mỗi lần gặp nhìn Bằng ngu ngơ là lòng bà lại nghẹn lại.
“Mỗi lần đi thăm, nhìn con mà lòng tôi xé lại, không biết trong đó người ta có chữa bệnh cho nó không. Từ hôm con bị bắt, tôi không thiết ăn uống gì, đêm thì mất ngủ. Không lúc nào tôi ngừng suy nghĩ, thương con mà bất lực không biết làm gì chỉ biết khóc một mình. Số tôi nó khổ, nuôi con ăn học chịu bao đắng cay, giờ mọi thứ dang dở, bằng cấp để đầy cũng không làm gì. Giờ tôi chỉ mong sao Bằng nó được nhẹ tội có cơ hội làm lại cuộc đời” người phụ nữ nghèo nghẹn ngào.
Đầu tháng 6/2017, TAND Hà Nội đưa bị cáo Bằng ra xét xử về tội “Giết người”. Tại phiên tòa sơ thẩm hôm đó, do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, chưa rõ ngày mở lại.