Cụ ông 71 tuổi mắc COVID-19 thoát 'cửa tử' ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 2 trong số 8 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình vừa được xuất viện ngày 9/5, trong đó có 1 bệnh nhân thoát "cửa tử" ngoạn mục.
Bệnh nhân phục hồi ngoạn mục và đã được xuất viện. Ảnh: BSCC
Bệnh nhân phục hồi ngoạn mục và đã được xuất viện. Ảnh: BSCC

Bệnh nhân là nam, 71 tuổi, bị Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển - ARDS do COVID-19, nhập viện trong tình trạng nguy kịch phải thở máy và điều trị tích cực. Sau khi không đáp ứng với thở máy oxy dòng cao (HFNC), bệnh nhân nhanh chóng được đặt nội khí quản để thở máy xâm nhập.

Tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân rất nặng nề, trong khi bệnh nhân không trong nhóm chỉ định áp dụng kỹ thuật tim, phổi nhân tạo (ECMO). Chính vì vậy, các thầy thuốc đã áp dụng các phương thức thở máy nâng cao, thay đổi tư thế bệnh nhân để tối ưu hoá khả năng hồi phục của phổi.

Có những thời điểm, cả bác sĩ và người nhà bệnh nhân đã rất bi quan khi diễn biến của bệnh nhân ngày càng xấu hơn. Tuy nhiên, sau 3 tuần điều trị, với sự hỗ trợ của các bác sĩ, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 bệnh viện, trong giai đoạn hiện nay, việc tập trung nguồn lực để điều trị các bệnh nhân COVD-19 nặng, nguy kịch nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Các trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì tự theo dõi sức khoẻ ở nhà. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 có thể về nhà sau ca làm việc. Ngoài khẩu trang N95, các dụng cụ phòng hộ khác nên đơn giản hơn để tránh lãng phí và đem đến sự thoải mái khi điều trị và chăm sóc cho người bệnh.

"Mỗi một ca nhiễm mới, sau 7-10 ngày sẽ có miễn dịch tự nhiên. Vaccine nên ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao (có bệnh mạn tính, cao tuổi, trẻ em). Chính vì vậy, cần tập trung nguồn lực để điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch, không nên đếm F0 ở giai đoạn hiện nay", bác sĩ Tình nói.

Đọc thêm