Theo Reuters, các điểm bỏ phiếu ở Pháp mở cửa lúc 6h00 GMT ngày 23/4 và đóng cửa muộn nhất vào lúc 18h00 GMT cùng ngày. Khoảng 47 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử ở 67.000 điểm bỏ phiếu trên khắp nước Pháp. Trước đó một ngày, ngày 22/4, hàng trăm người Pháp đang sinh sống ở Mỹ, Canada và các nước Nam Mỹ cũng đã đi bỏ phiếu sớm.
AFP cho rằng lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen và ứng viên trung dung Emmanuel Macron nhiều khả năng sẽ là những người giành được số phiếu bầu cao nhất nhưng không đạt được số phiếu bầu quá 50% để chiến thắng ở vòng 1 của cuộc bầu cử và sẽ phải tham gia vòng đấu tay đôi sẽ diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Hướng mục tiêu dẫn dắt làn sóng của chủ nghĩa dân túy đã đưa đến chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng và Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU, bà Le Pen, 48 tuổi, lãnh đạo đảng Mặt trận quốc gia (FN), cũng muốn đưa Pháp ra khỏi khu vực đồng tiền chung eurozone và cũng từng nhiều lần đe dọa đưa nước này rời khỏi EU. Chính những quan điểm của bà đã khiến các nhà quan sát dự báo chiến thắng của bà có thể sẽ là đòn giáng chí mạng đối với EU trong bối cảnh khối này đã bắt đầu suy yếu vì cuộc bỏ phiếu rời khỏi khối của Anh.
Về phía ông Macron, ở độ tuổi 39, ông đang kỳ vọng trở thành Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp. Ngược lại với đối thủ, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Macron mạnh mẽ ủng hộ EU và doanh nghiệp. Lợi dụng xu hướng quay lưng lại với các đảng chính trị lâu đời trên thế giới, một năm trước, ông Macron – một cựu giám đốc ngân hàng và từng là bộ trưởng kinh tế của Pháp – đã thành lập đảng mới “Dịch chuyển”, cùng tuyên bố không theo phe cánh tả hay cánh hữu.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy ứng viên bảo thủ Francois Fillon – cựu Thủ tướng của Pháp – cũng đã có sự trở lại ngoạn mục sau nhiều tháng “ngập” trong bê bối việc làm giả. Ngoài ra, ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon cũng đã kêu gọi được sự ủng hộ đáng kể của cử tri trong ít ngày trước thềm bỏ phiếu.
Cuộc bầu cử lần này ở Pháp diễn ra trong bối cảnh an ninh nghiêm ngặt sau vụ sát hại viên cảnh sát ở Đại lộ Champs Elysees hôm 20/4. 50.000 cảnh sát và 7.000 binh lính đã được huy động để bảo vệ các cử tri. Các nhà phân tích cho rằng vụ tấn công ở thời điểm cuối cuộc vận động tranh cử có thể khiến các cử tri chuyển lo lắng từ vấn đề kinh tế sang an ninh và mang lại lợi thế cho những ứng viên có quan điểm cứng rắn về vấn đề này.
Sau cuộc tấn công, bà Le Pen cũng đã kêu gọi nước Pháp ngay lập tức lấy lại quyền kiểm soát biên giới từ EU và trục xuất tất cả những người nước ngoài từng bị đưa vào danh sách theo dõi khủng bố. Tổng thống Mỹ Trump cũng cho rằng vụ xả súng sẽ có ảnh hưởng lớn tới cuộc bầu cử.
Ngoài 4 ứng viên chính này, tham gia vào cuộc đua chức Tổng thống Pháp còn có 7 người khác nhưng các thăm dò cho thấy họ khó có thể giành được chiến thắng. Với việc nhiều bê bối liên tiếp bị phanh phui trước cuộc bỏ phiếu, nhiều cử tri Pháp tỏ ra lưỡng lự với lá phiếu của họ, theo Reuters.
Khoảng 20-30% cho biết họ có thể sẽ không đi bầu và khoảng 30% cho biết sẽ đi bầu nói rằng họ chưa biết sẽ bầu cho ai. “Tôi chẳng thích ai trong số họ cả. Họ đều đáng thất vọng. Trong trường hợp xấu nhất, có thể tôi sẽ bỏ phiếu trống” – ông Ghislaine Pincont, 73 tuổi ở thành phố Lille cho biết trước thềm bỏ phiếu.
Kết quả cuộc bầu cử ở Pháp được cả thế giới chú ý theo dõi bởi nó được xem là dấu hiệu cho thấy làn sóng chủ nghĩa dân túy sẽ tiếp tục trỗi dậy hay bắt đầu lắng xuống sau cuộc bỏ phiếu Brexit và chiến thắng của Tổng thống Mỹ Trump. “Đó không chỉ là sự chia rẽ giữa phe cánh tả và cánh hữu thông thường mà giữa 2 quan điểm đang xung đột trên thế giới” – ông Jerome Fourquet ở tổ chức thăm dò dư luận Ifop nhận định.