Cửa biển, luồng lạch vào cảng cá Tam Quan bị bồi lấp nghiêm trọng

(PLVN) - Vài năm trở lại đây, cửa biển, luồng lạch dẫn vào cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Tam Quan (gọi tắt là cảng cá Tam Quan) ở phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị bồi lấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ra việc ra, vào cảng của tàu thuyền. Trong khi chờ cơ quan chức năng tỉnh Bình Định triển khai các giải pháp nạo vét, nhiều tàu cá tiếp tục gặp sự cố, gây thiệt hại nặng nề.
Cửa biển, luồng lạch vào cảng cá Tam Quan bị bồi lấp nghiêm trọng.

Tàu cá BĐ-90075 TS do ông Hà Thanh (54 tuổi, ngụ khu phố Cửu Lợi Bắc, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn) làm chủ, hành nghề câu cá ngừ đại dương thường xuất bến tại cảng cá Tam Quan khai thác thủy sản ở ngư trường Trường Sa. Mỗi tháng, tàu cá này đánh bắt trên biển và trở về cảng này để bán cá cho thương lái. Tuy nhiên, cửa biển, luồng lạch dẫn vào cảng đang bị bồi lấp và hẹp dần, khiến việc lưu thông của tàu cá gặp nhiều khó khăn.

“Tàu ra, vào cảng rất khó khăn, chúng tôi phải nhờ những chiếc tàu dắt, giữ mũi tàu để đi theo lạch, nếu đi trật lạch thì sẽ gặp sự cố. Chỉ có anh em là ngư dân sóng nước ở đây mới biết lạch để dắt mình đi”, ông Thanh cho biết.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tại khu vực cửa biển và cảng cá Tam Quan có 9 tàu cá gặp nạn do bị mắc cạn, đâm vào đá làm chìm. Trong đó, 7 tàu cá gặp nạn được cứu kịp thời nên không gây thiệt hại lớn, còn 2 tàu không phát hiện kịp thời nên hư hỏng nặng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cảng cá Tam Quan có diện tích mặt nước khoảng 70ha với khoảng 2.340 chiếc tàu loại từ 15m trở lên neo đậu. Từ năm 2010 đến nay, luồng lạch bị bồi lấp liên tục, nhiền đoạn còn lạch rất nhỏ. Hiện nay, luồng lạch và khu vực cửa Tam Quan thường xuyên bị bồi lấp, khối lượng bồi lấp vào cửa trung bình mỗi năm từ 50.000 - 150.000m3.

Khi nước cạn, diện tích neo đậu tại cảng hẹp lại, lượng tàu tập trung tại một điểm sâu nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển tàu thuyền khi xảy ra cháy nổ. Ban Quản lý cảng cá Tam Quan đã sắp xếp tàu neo đậu những vị trí nước sâu và vận động người dân thành lập một đội lai dắt tàu thuyền. Khi tàu cá có nhu cầu hoặc bị mắc cạn, đi sai lạch, Ban Quản lý cảng sẽ điều những tàu này đi giữ mũi, lai dắt tàu từ ngoài biển vào cửa, đưa đến khu neo đậu tập trung, tránh những khu vực cạn; đồng thời, cắm biển báo tại những điểm cạn để cảnh báo.

Tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Tam Quan.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết, UBND thị xã đã có trình tờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh, trước mắt sử dụng ngân sách của thị xã nạo hút bên bồi lắng để tàu thuyền ra, vào đảm bảo. Về lâu dài, thị xã kiến nghị tỉnh cho chủ trương kinh phí đầu tư, chỉnh trang cửa biển theo hướng làm các mỏ hàng ở đầu kè, dọc thân kè để chặn dòng cát ở hướng Nam tập kết ra cửa biển.

Trong khi cửa biển Tam Quan bị bồi lấp thì cách đó vài trăm mét, tuyến kè biển Tam Quan lại xói mòn nghiêm trọng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định, những năm gần đây, thị xã Hoài Nhơn thực hiện việc nạo vét cửa biển Tam Quan, lượng bùn, cát từ nạo vét đã vận chuyển đi nơi khác, dẫn đến hiện tượng mất cân bằng bùn cát và gây ra xói lở cho bãi biển Tam Quan.

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho nghiên cứu sâu giải pháp chỉnh trị tổng thể cửa Tam Quan với 2 mục tiêu là giảm thiểu bồi lấp cửa Tam Quan và hạn chế xói lở, khôi phục lại bãi biển Tam Quan. Công trình có các hạng mục, gồm: đê chắn sóng, ngăn bùn cát bờ Bắc; đê hướng dòng, bẫy bùn cát bờ Bắc; kè tường cừ và mỏ hàn bẫy cát bờ Nam.

“Vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra, sau đó đề xuất UBND tỉnh giao UBND thị xã Hoài Nhơn tổ chức nạo vét và lấy cát nạo vét đó trả lại cho biển, chứ không tận thu mang đi san lấp mặt bằng. Về lâu dài, đây là một dự án rất lớn và sẽ làm hệ thống kè ngăn cát, kè chắn cát”, ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết.

Đọc thêm