Cục Đường bộ đã cùng các Sở GTVT, DN dự án kiểm tra hiện trạng tuyến QL2. Hiện có 10 nút giao kết nối với tuyến đường trong khu vực, chủ phương tiện sẽ lựa chọn đường không đi qua trạm thu phí trên tuyến tránh Vĩnh Yên để tránh trả phí.
"Do vậy, phương án di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài về phạm vi dự án BOT QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên là không khả thi", Cục Đường bộ đánh giá.
Năm 2006, Chính phủ cho phép triển khai dự án BOT đầu tư xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên với nguồn vốn từ thu phí trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tuyến đường do Cty CP BOT Vietracimex 8 đầu tư theo hình thức BOT, giá trị quyết toán 505 tỷ đồng, thu phí từ 1/1/2011.
Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã gây bức xúc cho chủ phương tiện vì không đi tuyến tránh TP Vĩnh Yên vẫn phải trả tiền. Cục Đường bộ lý giải thời điểm năm 2009, cơ quan Nhà nước cho phép trạm BOT đặt tại Hà Nội bởi sẽ thu phí trả lại ngân sách và trả nhà đầu tư dự án. Về mặt pháp lý, vị trí trạm này đúng quy định.
Giữa năm 2018, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí này. Tháng 6/2022, Cục Đường bộ đề xuất hai hướng xử lý là di dời về đúng tuyến tránh Vĩnh Yên hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua lại.
Theo Cục Đường bộ, những năm qua, doanh thu trạm thu phí Bắc Thăng Long bị giảm 60% so với phương án tài chính vì nhiều lý do như có thêm cầu Nhật Tân khiến phương tiện phân lưu. Cộng với chi phí lãi vay, chi phí vận hành trạm... dự án BOT tuyến tránh Vĩnh Yên đã phải điều chỉnh, kéo dài thời gian thu phí thêm 10 năm so với hợp đồng trước đây, dự kiến tới năm 2035.