Cục trưởng Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát "ý kiến" về CMND mới

“Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát chúng tôi sẽ rà soát lại các văn bản để báo cáo hội đồng chuẩn hóa và lãnh đạo Bộ đề nghị không đưa tên cha mẹ vào trong CMND mới”, Đại tá Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, khẳng định.

[links()]Đại tá Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát - khẳng định: “Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát chúng tôi sẽ rà soát lại các văn bản để báo cáo hội đồng chuẩn hóa và lãnh đạo Bộ đề nghị không đưa tên cha mẹ vào trong CMND mới”.

- Thưa ông, ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho rằng việc đưa tên cha mẹ lên chứng minh nhân dân nhằm thuận lợi cho người dân trong các giao dịch và phục vụ nghiệp vụ của ngành công an trong việc truy xuất nhanh đối tượng. Báo PLVN đã nhận được ý kiến của giới chức quản lý, nhà xã hội học, luật sư và phản hồi của đông đảo bạn đọc cho rằng không thuận lợi cho người dân và cũng chẳng phục vụ được gì cho quản lý. Vậy, với tư cách là đơn vị quản lý hồ sơ chứng minh nhân dân phục vụ nghiệp vụ của các đơn vị điều tra, trinh sát, ông có ý kiến về vấn đề này như thế nào?
Đại tá Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát
Đại tá Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát
Tôi đã đọc loạt bài trên báo PLVN và tôi tán đồng quan điểm của báo là không nên đưa tên cha mẹ lên chứng minh nhân dân. Vì như báo đã phân tích, qui định mới này phát sinh nhiều vấn đề xã hội, tạo sự mặc cảm cho người dân. Nếu nói để phục vụ quản lý nghiệp vụ của ngành công an không phải là không đúng.
Bởi vì nghiệp vụ điều tra của chúng tôi bao giờ cũng cần thông tin cha, mẹ, hoặc vợ, chồng nếu có để phân biệt nhanh đối tượng nhưng đó là nghiệp vụ điều tra riêng của ngành công an, mà mấy chục năm qua chứng minh thư của tôi, của mọi người đang sử dụng không có tên cha tên mẹ vẫn đáp ứng được yêu cầu phòng chống tội phạm. Vì vậy không phải đưa tên cha mẹ lên trên chứng minh nhân dân. 
Theo biểu mẫu CMND hiện đang sử dụng được Bộ Công an ban hành mỗi năm chúng tôi phải in và phát hành cho công an các tỉnh khoảng năm triệu bản để cấp mới, cấp đổi, cấp lại chứng minh thư cho nhân dân, thông tin cha mẹ cần phải ẩn không có trong chứng minh thư. Nhưng thông tin về cha mẹ được thể hiện trong tờ khai làm chứng minh nhân dân.
Đây là tài liệu của công dân được cơ quan Công an lưu trữ trong tàng thư. Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát là đơn vị được Bộ Công an giao nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, khai thác các tàng thư căn cước công dân của cả nước đồng nghĩa với việc quản lý tất cả các thông tin trên CMND. Mỗi năm, chúng tôi khai thác và cung cấp trên 2 triệu yêu cầu để phục vụ cho việc xác minh để cấp chứng minh cho nhân dân và các yêu cầu của cơ quan trinh sát, cơ quan điều tra, của cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ.
Ngoài ra, chúng tôi phối với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly để tìm người thất lạc,  tìm di ảnh thờ cúng giúp dân, xác minh danh tính của những người bị chết do tai nạn, thiên tai...
Chúng tôi thấy thông tin trên CMND như đã và đang sử dụng đã đạt những yêu cầu nghiệp vụ rồi. Tôi cũng chưa thấy có cơ quan nghiệp vụ nào yêu cầu đưa thêm tên cha mẹ vào chứng minh thư nhân dân để phục vụ nghiệp vụ của họ. 
Tôi xin nói thêm về qui trình cấp CMND để hiểu ý nghĩa việc phải khai tên cha mẹ trên tờ khai xin cấp chứng minh như thế nào.  Tổng cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội có chứng năng quản lý nhà nước về quản lý dân cư, cấp phát chứng minh nhân dân, đó là hướng dẫn chỉ đạo. Còn qui trình được Bộ Công An giao cho CA các quận, huyện làm nhiệm vụ cấp CMND.
Để được cấp, đầu tiên người dân phải viết tờ khai, có đầy đủ thông tin như trên CMND, nhưng sâu hơn một chút, đó là có tên cha mẹ. Biểu mẫu do Bộ Công an ban hành. Tờ khai này, công dân phải tự tay mình viết, ký, không được nhờ viết, ký hộ. Mục đích để làm gì? Để ngành Công an làm căn cứ, là tài liệu gốc để giám định chữ ký, chữ viết khi cần thiết.
Tôi lấy ví dụ, trong một vụ thừa kế, có người nói di chúc bị làm giả, không phải chữ viết, chữ ký của người để lại tài sản thì cơ quan công an phải lấy chữ viết, chữ ký trong tờ khai đó để giám định với chữ viết, chữ ký trong di chúc để tìm ra sự thật. Tất nhiên, có nhiều nguồn chứng cứ nhưng chữ viết, chữ ký tại tờ khai này được coi là nguồn đảm bảo nhất, quan trọng nhất, gốc nhất làm căn cứ giám định.  
Không ai giống nhau vân tay, dù sinh đôi. Vì vậy, chỉ nên quản vân tay thay vì thêm tên cha, mẹ.
Không ai giống nhau vân tay, dù sinh đôi. Vì vậy, chỉ nên quản vân tay thay vì thêm tên cha, mẹ.
Sau khi lập tờ khai, cơ quan Công an lăn 10 ngón tay công dân vào chỉ bản. Sau đó, Công an quận, huyện gửi cho cơ quan hồ sơ để tra cứu các thông tin nếu có nghi ngờ, ví dụ một cá nhân đã bị mất chứng minh thì tra cứu xem người này đã được cấp chưa, số chứng minh là số nào…
Sau đó chuyển cho Công an cấp tỉnh ký, đóng dấu. Xong thì trả  lại cho Công an cấp huyện để Công an huyện trả cho dân. Còn lại là toàn bộ tờ khai, chỉ bản sẽ được chuyển về cơ quan hồ sơ để lưu trữ, phục vụ nhu cầu nghiệp vụ. Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát và các phòng hồ sơ địa phương lưu các tài liệu này.  
Như vậy, có thông tin cha, mẹ trong tàng thư thì hoàn toàn phục vụ được nghiệp vụ của ngành Công an.
-  Thưa ông, thủ tục thay đổi mẫu CMND được thực hiện như thế nào?. 
- Đó là một quy trình hết sức chặt chẽ.  Theo nguyên tắc,  bất kỳ đơn vị nào muốn thay đổi biểu mẫu phải có tờ trình và được Hội đồng chuẩn hóa biểu mẫu báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt. Không có đơn vị nào được tự ban hành biểu mẫu. Tôi lấy ví dụ, gần đây nhất, biểu mẫu CMND được điều chỉnh vào tháng 8/2009. Lý do điều chỉnh chỉ để giảm định lượng của chứng minh mỏng đi một chút, phù hợp với việc in trên máy tính. Mẫu CMND hiện nay chúng ta đang dùng được chuẩn hóa từ hàng chục năm nay, do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và đến nay  người dân cũng chưa có ý kiến gì  kêu là phiền hà. 
- Vậy ở biểu mẫu CMND mới đang được triển khai có theo đúng quy trình trên không? 
- Đến nay, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội cũng chưa trình biểu mẫu mới để thông qua Hội đồng chuẩn hóa biểu mẫu. Nhưng hiện nay, trong tay tôi chưa có văn bản nào thay thế biểu mẫu cũ và chúng tôi vẫn in để cấp phát cho Công an các tỉnh để cấp cho nhân dân. Nếu ban hành chính thức phải có quyết định của Bộ Công an.

"Chúng tôi thấy thông tin trên CMND như đã và đang sử dụng đã đạt những yêu cầu nghiệp vụ rồi. Tôi cũng chưa thấy có cơ quan nghiệp vụ nào yêu cầu đưa thêm tên cha, mẹ vào chứng minh thư nhân dân để phục vụ nghiệp vụ của họ”, Đại tá Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát nói.

Liên quan đến vấn đề nghiệp vụ quản lý, công nghệ quản lý của ngành Công an, Báo PLVN từng ghi nhận và đăng tải thông tin của một nhà lập pháp cho rằng quản lý công dân bằng công nghệ vân tay hiện nay là cao nhất rồi. Là một chuyên gia về vân tay, ông có thể nói rõ hơn cho độc giả của báo PLVNvề điều này?

Vân tay quan trọng lắm, việc quản lý nó phục vụ rất lớn cho công tác truy tìm tung tích, điều tra tội phạm, đặc biệt là khi tội phạm để vân tay tại hiện trường, tội phạm thay đổi tên, tuổi. Khi làm chứng minh, người dân được lấy vân tay và sau đó được phân loại theo 6 nhóm công thức vân tay để phục vụ tra cứu cấp CMND và truy tìm nhanh thủ phạm gây án khi cần thiết. Còn tờ khai chứng minh được xếp theo họ tên.
Mục đích là để nhỡ có trường hợp như người bị nạn chết, không có giấy tờ tùy thân thì cơ quan chức năng sẽ lấy dấu vân tay người đó đem về cơ quan hồ sơ tìm theo tiêu chí phân loại nhóm công thức. Tìm được vân tay rồi sẽ ra tên tuổi, địa chỉ. Bộ Công an đã đầu tư cho Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát hệ thống nhận dạng vân tay tự động hoạt động rất hiệu quả hàng chục năm nay trên lĩnh vực này.
Một tỷ người trên thế giới chưa ai trùng vân tay và thực tiễn làm công tác này là một khoa học pháp lý không được để oan sai. Vì ý nghĩa quan trọng như thế, việc phải lăn tay từ khi làm chứng minh đến bắt tội phạm phải đảm bảo được yêu cầu, nhìn được đường vân, đếm được đường vân và phải có nghiệp vụ chuyên ngành mới lấy và kết luận được
Câu chuyện quản lý bằng vân tay thế giới đã sử dụng, từ cổ chí kim, không phải ta có sáng kiến gì.
-  Khi dư luận, công luận đã lên tiếng về bất hợp lý của qui định mới về cấp CMND, theo ông lãnh đạo Bộ Công an cần có sự tiếp thu như thế nào để phù hợp, thuận lợi cho người dân?
Muốn đưa tên cha, mẹ vào CMND cần phải đề xuất, phải được Hội đồng chuẩn hóa thông qua. Tôi nghĩ,  việc sửa lại không khó. Đã đưa vào Nghị định rồi  thì báo cáo xin chỉnh sửa. Tôi tin rằng lãnh đạo sẽ ủng hộ.
Riêng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát chúng tôi sẽ rà soát lại các văn bản để báo cáo hội đồng chuẩn hóa và lãnh đạo Bộ đề nghị không đưa tên cha mẹ vào trong phôi chứng minh thư nhân dân.
Tuấn Anh - Thanh Quý

Đọc thêm