Cùng bà con đứng dậy sau bão lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau trận oanh tạc tàn khốc của bão Yagi, cả nước hướng về đồng bào vùng lũ với những cứu trợ kịp thời, khẩn cấp và từng bước cùng bà con tái thiết, vực dậy sau bão lũ…
Hàng chục nghìn ngôi nhà ở Lào Cai bị sập đổ, ngập nước, sụt lún do mưa lũ. (Ảnh: PV)
Hàng chục nghìn ngôi nhà ở Lào Cai bị sập đổ, ngập nước, sụt lún do mưa lũ. (Ảnh: PV)

Để người ở lại được yên lòng

Sau bão Yagi, mưa lớn kéo dài đã gây nên thảm họa thiên tai chưa từng có ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng vạn nhà dân bị cô lập, nước dâng tận mái; cầu trôi, núi lở; rồi hàng trăm ngàn ha lúa và hoa màu chìm trong biển nước. Đau đớn hơn, thiên tai đợt này cũng đã cướp đi hàng chục sinh mạng... Nhưng, thiệt hại ấy có lẽ chẳng thể đo đếm được…

5h30 sáng 10/9, chị Hoàng Thị Cảnh thức giấc khi nghe tiếng lục cục trên đồi. Trời vẫn tối, núi đồi mù mịt trong mưa. Đây đã là ngày thứ hai mưa trút xuống không dừng. Chị gọi chồng cùng hai con trai dậy, ngược dốc lên suối xem lũ.

Nhà chị Cảnh là căn đầu tiên từ hướng núi Voi - ngọn cao nhất 1.033m trong dãy núi trải dài từ Yên Bái sang Lào Cai. Dãy núi tạo thành vành đai với cánh rừng nguyên sinh rộng một nghìn hecta. Nước suối từ núi Voi đổ xuống qua hàng trăm khe nhỏ, tưới cho đồng ruộng và đồi ngô của dân làng. Nơi đây có 760 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc Tày sinh sống lâu đời.

Chỉ sau hai tiếng nổ, gần một phần mười dân số Làng Nủ nằm dưới lớp bùn đá: 33 hộ bị vùi lấp, 54 người chết, 13 người mất tích, 14 người bị thương. Tổng số chết và mất tích cao hơn bất kỳ thống kê nào về lũ quét từng xảy ra trong 20 năm qua. Ngày núi vỡ, làng bị cô lập, mất điện, mất liên lạc với bên ngoài. 14h, huyện mới tiếp cận được hiện trường.

Hơn 650 người từ các lực lượng cứu hộ vào làng, lật tung từng đoạn suối, tìm kiếm từng nạn nhân dưới lớp bùn đặc quánh. Những thi thể đã nhận diện được đặt trên tấm bạt lót bên đường.

Nhà anh Hoàng Văn Thới vốn ở bên kia suối. Đêm trước thấy mưa lớn, sợ quả đồi sau nhà lở, anh đưa vợ con sang nhà em họ ở thung lũng này lánh tạm. Anh đã tin đây là chỗ an toàn nhất làng bởi “chưa bao giờ ngập”. Rạng sáng, nghe tiếng nổ, anh băng qua những điểm sạt, gào thét gọi vợ con, hơn 30 nóc nhà đã không còn. Thới vốn mồ côi mẹ, giờ anh mất cả vợ, ba đứa con, cùng nhiều họ hàng. Hai con trâu với nương sắn là tài sản quý giá của gia đình cũng bị cuốn trôi trong dòng nước lũ.

Theo ông Diệp, trưởng thôn Làng Nủ, vị trí bị lũ quét không nằm trong danh sách thông báo di dời vì nơi này vốn bằng phẳng, nhà xây to cao đàng hoàng. Nhưng cuối cùng, chỗ mà mình không nghĩ đến lại là nơi ảnh hưởng nặng nhất. “Trăm năm nay, chưa bao giờ tỉnh Lào Cai ghi nhận số người chết lớn đến như vậy”, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường lạc giọng, nói với báo chí.

Đây không phải nơi duy nhất hứng chịu thiên tai sau bão Yagi. 80% số người chết và mất tích trên cả nước thuộc ba tỉnh Lào Cai, Cao Bằng và Yên Bái - những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ quét và sạt lở. Riêng Lào Cai chiếm tới 45% tổng thiệt hại. Khu vực này vốn có nguy cơ sạt lở cao do địa hình dốc và nằm trên các đứt gãy địa chất đã tồn tại hàng chục triệu năm. Khi lượng mưa lên tới 500mm trong thời gian ngắn, các đồi núi trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

13 ngày sau lũ quét tại Làng Nủ, trên đồi sim cách đó ba cây số, máy ủi đã vào vị trí san lấp mặt bằng. Kế hoạch tái thiết làng mới bắt đầu hôm 16/9 với mục tiêu hoàn thành trước 31/12 theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

40 ngôi nhà sẽ được xây dựng cho các hộ dân bị vùi lấp hoặc đang sống trong khu vực không an toàn. Hôm được hỏi ý kiến, toàn bộ dân làng đều đồng thuận, chỉ có một yêu cầu: “Tránh núi cao, không ở ven suối”.

Anh Hoàng Văn Thới hiện vẫn ở nhờ người thân. Nhà hảo tâm đến tặng quà, Thới không nhận, lặng lẽ giải thích: “Con không còn, lấy về cho ai?”. 12 ngày sau trận lũ quét, bé con mới 1 tuổi cuối cùng của anh được tìm thấy. “Thằng cu út” đã được “về nhà”, yên nghỉ bên mẹ và các chị, như ước nguyện của người cha.

“Nếu hôm nay bạn còn thấy mặt trời”…

Kế hoạch tái thiết thôn Làng Nủ mới đã bắt đầu. (Nguồn: Nguyễn Hải).

Kế hoạch tái thiết thôn Làng Nủ mới đã bắt đầu. (Nguồn: Nguyễn Hải).

Đức Nguyễn, chuyên gia huấn luyện quản lý tài chính bày tỏ: “Tâm trí tôi hướng về những con người đang cố gắng gom nhặt từng mảnh vụn cuộc đời sau một trong những cú sốc tài chính lớn nhất của họ.

Chúng ta nằm ở vị trí hứng chịu nhiều thiên tai. Hoàn cảnh tự nhiên trui rèn cho con người kinh nghiệm chống chọi và đối phó. Nhưng mặt trái của nó là tâm lý chủ quan, do đã quen với bão lụt; là suy nghĩ rằng, cơn bão này rồi cũng sẽ như mọi trận cuồng phong khác, đến rồi đi. Nhưng có những cơn bão, như Yagi, có thể lấy đi mọi thứ, khiến bạn thậm chí không còn cơ hội để hối hận.

Bão tan, điều đầu tiên cần làm là vực dậy tinh thần, mua cho mình sự chủ động, thay vì tiếp tục trở thành nạn nhân. Nếu hôm nay bạn vẫn còn thấy ánh sáng mặt trời, bạn đã may mắn hơn rất nhiều người. Trong khi xử lý hậu quả của cơn bão, nếu có thể, hãy giúp đỡ những người khác kém may mắn hơn bằng bất kỳ hình thức nào, dù là tiền bạc, công sức, hay một lời an ủi, động viên. Điều đó không chỉ giúp họ, mà còn mang lại sức mạnh tinh thần cho chính chúng ta”.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Đức Nguyễn, hãy thực hiện mọi biện pháp để ngăn ngừa thiệt hại thứ cấp tiếp theo sau bão. Thiên tai chỉ là một trong nhiều thách thức có thể phá hủy tài chính và thay đổi cuộc đời mỗi người. Những “cơn bão” khác như thất nghiệp, dịch bệnh, tai nạn, ly hôn, kiện tụng, hay thậm chí tử vong có thể ập đến bất cứ lúc nào và tàn phá tất cả những gì chúng ta đã xây dựng bao năm. Một khoản dự phòng tương đương 4 - 6 tháng chi tiêu của gia đình là mức tối thiểu. Khoản này được gọi là quỹ dự phòng khẩn cấp. Hãy nhớ bạn có thể chọn tiết kiệm hơn một chút, nhưng không thể quyết định mức độ nghiêm trọng hay thời điểm xảy ra của một cơn bão tài chính. Và hãy mở một tài khoản độc lập hoặc một nơi riêng biệt để cất những khoản dự phòng này. Không có lý do gì để bạn phải nhìn thấy chúng hàng ngày cả, nhằm tránh những cám dỗ.

Xin mượn đôi lời của nhà văn Nguyễn Khải để nói hộ tâm tư mình: “Sự sống nảy sinh từ cái chết”, ... Dù con số 26/64 tỉnh gặp bão Yagi, đó là một con số kinh khủng. Phải nhìn thẳng vào thực tế để có thể đối mặt với nó và phải đứng dậy thôi, dù là tự đứng lên hay có người hỗ trợ nâng lên. Phải đứng lên và tiếp tục thôi. Nước mắt đã cạn khô, lòng người héo quắt. Nhưng người còn vẫn phải đứng lên mà sống. Không gì bù đắp nổi nỗi đau mất người thân, nhưng sự chung tay trợ giúp của cộng đồng - từ bữa ăn no lòng, cái áo ấm thân những ngày trước mắt, cho tới vật lực để dựng lại cái nhà, sắm lại cái bếp về sau - sẽ phần nào an ủi, giúp cho cuộc sống bớt phần vất vả”.

Tình người vẫn luôn là một biệt dược đặc trị nỗi đau và sự vô cảm. Và “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” - nguồn lực xã hội phát huy hiệu quả sẽ khiến cho vết thương chóng lành, mầm xanh chóng sống dậy.

Trong ngổn ngang đổ nát vì mưa bão, ngập ngụa bùn nước và lũ lụt… ngành chức năng các cấp đã triển khai hàng loạt các biện pháp tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ. Và biết bao tấm gương lăn xả, quên mình trong cơn lũ dữ, trong cuồng phong của bão… vì người khác, đã viết tiếp bản trường ca về tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Theo các chuyên gia, lũ rút, phải mất rất nhiều ngày sau đó, bà con mới có thể ổn định lại cuộc sống. Khi ấy, sự hỗ trợ về vật dụng gia đình như xoong nồi, bát đĩa; cây, con giống mới cần được tính đến… Rồi việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, làm sạch môi trường, tiêu độc khử trùng... cũng phải được chú ý.

Và sau những mất mát, đau thương của hậu bão Yagi, công tác ứng phó với thiên tai, bão lũ… cũng cần phải được xốc lại. Lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc sẽ còn diễn biến phức tạp. Khi mà mưa vẫn được dự báo là từ to đến rất to. Còn các hồ chứa thủy điện cũng đã phát thông báo đồng loạt xả lũ, tạo nên “cộng hưởng kép”: nước từ trên trời xuống, nước từ thượng nguồn đổ về… Vì thế, những thiệt hại về người và tài sản là những âu lo khó lường…

Cùng đó, TS. Phạm Trường Sơn, người có thâm niên hoạt động trên 25 năm về các vấn đề xã hội tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á chia sẻ: “Để tận dụng năng lượng của tình đồng bào, để nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả hơn, tôi nghĩ rất cần vai trò điều phối bao quát của Nhà nước. Một trung tâm điều phối nhanh có thể cần được thiết lập. Đơn vị này không trực tiếp nhận hỗ trợ, không can thiệp vào quyết định của các đoàn cứu trợ, nhưng sẽ đảm nhận các công việc không kém phần quan trọng như: Xây dựng bản đồ cứu trợ, trong đó thể hiện và cập nhật thường xuyên phạm vi, những thiết bị, nhu yếu phẩm cần hỗ trợ của từng khu vực, làm cầu nối giữa cung và cầu trong từ thiện, giúp phân phối nguồn lực hiệu quả”.

Thật xúc động khi thiên tai dẫu khủng khiếp đến đâu, thì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, càng trong hoạn nạn lại càng được nhân lên gấp bội…