Giúp doanh nghiệp từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2018, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm nay được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Trong đó, tập trung tại các tỉnh, thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… và một số tỉnh được lựa chọn theo đặc thù vùng, miền trên cơ sở khảo sát nhu cầu từ cuối năm 2017.
Việc triển khai Chương trình 585 cơ bản bám sát các mục tiêu, nội dung, tiến độ, kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý, Chương trình đã lập trang FB và ứng dụng kỹ thuật livestream trong kiểm tra, giám sát các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng của Chương trình.
Một số hoạt động gây được tiếng vang, nhận được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, báo chí và từ chính cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Chương trình 585 như chương trình “Kinh doanh và pháp luật” trên VTV2, VOV; hoạt động xây dựng, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại một số địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn…
Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo kết quả năm 2018 |
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2018 của Chương trình đánh dấu bước đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là việc phối hợp liên ngành triển khai thực hiện bước đầu đạt được kết quả tích cực, tận dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực từ các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp…
Qua đó, “tạo chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phòng, chống rủi ro pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vị thế không chỉ trên thị trường nội địa mà còn từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới” – ông Tuyến đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Tuyến, việc triển khai thực hiện Chương trình 585 vừa qua bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như một số hoạt động triển khai còn chậm; hoạt động phổ biến pháp luật kinh doanh trên VTV, VOV, tập huấn kiến thức pháp luật kinh doanh đôi khi trùng lặp nội dung…
Vì vậy, năm 2019 sẽ phát huy hơn nữa vai trò của các bộ, ngành, tổ chức trong phối hợp triển khai các hoạt động của Chương trình, lồng ghép các kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp do các bộ, ngành, địa phương ban hành để tăng cường hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động thuộc các dự án của Chương trình; tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình; rà soát các nội dung Chương trình 585 cho phù hợp, khả thi với nhu cầu của doanh nghiệp…
“Đổi mới, thiết thực, kịp thời, bền vững”
Tham gia Hội nghị, các đại biểu nhất trí đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2018 và nêu lên nhiều đề xuất với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Do thực tế vẫn còn một số khó khăn nên ông Quế đề nghị Ban Quản lý Chương trình quan tâm ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Ông Quế cũng mong Ban Quản lý hàng năm sớm ra thông báo việc đăng ký tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các địa phương chủ động, dễ dàng lựa chọn chủ đề, đăng ký theo nhu cầu tại mỗi địa phương…
Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên đánh giá cao hoạt động của Chương trình 585 tại địa phương |
Do đó, ông Bình dự kiến sẽ tìm cách gắn kết các hoạt động của Chương trình với các chương trình khác như xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ông Bình đề nghị xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động; có thể tổ chức đấu thầu một số hoạt động của Chương trình.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đồng tình là năm 2018, Chương trình đã đạt được những kết quả cơ bản nhưng cũng thẳng thẳn ra một số hạn chế, bất cập. Để có thể tạo bứt phá, Thứ trưởng nhấn mạnh hoạt động của Chương trình cần có sự đổi mới, phải “cung cấp được thông tin doanh nghiệp cần chứ không phải cung cấp những gì chúng ta đang có”.
Trong đó, đổi mới là phải đổi mới cả nội dung, phương thức hoạt động, kể cả việc ứng dụng công nghệ thông tin. Thiết thực là phải hỗ trợ rất cụ thể cho doanh nghiệp. Kịp thời là phải xử lý ngay các kiến nghị, vướng mắc. Bền vững là phải có sản phẩm cụ thể, có giá trị sử dụng lâu dài để chuyển giao cho giai đoạn sau và đây là định hướng cần tập trung trong hai năm 2019 – 2020.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo năm 2019 nên quyết tâm làm thí điểm một số hoạt động. Trước tiên là website, tập trung vào cung cấp thông tin pháp luật, thông tin đã xử lý, có đánh giá, bình luận, có cảnh báo; đẩy mạnh chuyên mục tư vấn miễn phí pháp luật; thêm chuyên mục bình luận các bản án, quyết định xử lý vi phạm hành chính…; cập nhật một số biểu mẫu như hợp đồng, điều lệ, hồ sơ triệu tập một đại hội cổ đông, biên bản, quyết định…