Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng đã có các buổi gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Lập pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Cơ quan Hợp tác phát triển (KOICA) Hàn Quốc. Tham gia Đoàn công tác có ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng cùng một số cán bộ của Bộ Tư pháp. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú cũng tham gia các hoạt động của Đoàn.
Tại Bộ Lập pháp Hàn Quốc, Bộ trưởng KIM OE SÚC bảy tỏ sự vui mừng được chào đón Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam cùng Đoàn công tác đến thăm và làm việc với Bộ Lập pháp. Bà Bộ trưởng giới thiệu sơ bộ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Lập pháp Hàn Quốc.
|
Theo đó Bộ này có chức năng chính là: (i) thẩm định về nội dung, kỹ thuật lập pháp đối với các dự án luật do các Bộ khác xây dựng trước khi trình Quốc hội; xây dựng, vận hành trung tâm thông tin pháp luật (bao gồm toàn bộ cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật, án lệ) phục vụ công tác rà soát, đối chiếu, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác xây dựng pháp luật cũng như phục vụ nhu cầu tra cứu của người dân. Bà Bộ trưởng cũng nhắc lại sự kiện quan trọng 2 Bộ đã ký Thoả thuận hợp tác song phương (MOU) ký năm 2012.
Để triển khai MOU này, Bộ trưởng tiền nhiệm của bà là ông Ze Zung Bo đã có chuyến thăm và làm việc với Bộ trưởng Lê Thành Long vào tháng 8/2016 và ông rất ấn tượng về chuyến thăm đó. Tại buổi làm việc, bà Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Hàn Quốc đang nỗ lực triển khai chính sách hướng nam mới và Việt Nam làm một trong những quốc gia ưu tiên hợp tác hàng đầu của Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Bà cũng cảm ơn Bộ Tư pháp Việt Nam đã cử một số đoàn cán bộ tham gia Hội nghị chuyên gia pháp luật châu Á - sự kiện được tổ chức thường niên tại Hàn Quốc theo sáng kiến của Hàn Quốc. Chủ đề dự kiến của Hội nghị năm nay sẽ là “phương án phát triển lập pháp phục vụ phát triển thành phố thông minh”.
|
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng KIM OE SÚC bày tỏ sự nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Lê Thành Long. Hai Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc hai Bộ cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên ở cấp kỹ thuật nhằm hiện thực hoá các ý tưởng ở cấp Bộ trưởng.
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Đoàn công tác Việt Nam đã được nghe bài trình bày của ông Giám đốc Trung tâmthông tin pháp luật, Bộ Tư pháp Hàn Quốc về hệ thống thông tin pháp luật của Hàn Quốc.
Theo đó, Hàn Quốc đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống thông tin pháp luật từ năm 2011 với số vốn đầu tư là 30 triệu USD. Về bản chất, đây là 1 hệ thống chứa đựng toàn bộ hệ thống thông tin pháp luật từ giai đoạn dự thảo văn bản cho đến công bố văn bản sau khi được thông qua. Sử dụng chức năng tìm kiếm bằng từ khoá, hệ thống này có những tiện ích sau: (i) thứ nhất, đối với cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, khi soạn thảo 1 văn bản, chỉ cần gõ 1 từ khoá về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản đó thì hệ thống này sẽ hiện ra toàn bộ thông tin về các văn bản pháp luật có chứa thông tin liên quan (cả văn bản đã hết hiệu lực) cũng như án lệ có liên quan. Nhờ đó, khi thao tác soạn thảo mới hoặc sửa đổi một quy phạm bất kỳ, cán bộ xây dựng pháp luật sẽ có được 1 cái nhìn tổng thể, toàn diện đối với vấn đề, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật; (ii) thứ hai, đối với người dân, doanh nghiệp, hệ thống này cho phép tra cứu văn bản như một hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
Hiện nay, do nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh tăng nhanh trong xã hội, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa vào vận hành dịch vụ tra cứu văn bản qua ứng dụng e-mobile trên điện thoại di động. Ngoài ra, dịch vụ này còn đóng vai trò như một công cụ tương tác giữa Chính phủ với người dân thông qua việc người dân được góp ý trực tiếp đối với các dự thảo luật. Kể cả cán bộ pháp chế của các Bộ, ngành cũng có thể tương tác (trao đổi ý kiến chuyên môn) với nhau qua hệ thống này. Mục đích cuối cùng của hệ thống thông tin pháp luật này là nhằm đảm bảo tính dễ tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, hiện nay mỗi ngày có khoảng 2 triệu người truy cập vào hệ thống, trong khi nguồn lực để duy trì sự vận hành của hệ thống không lớn (khoảng 15 biên chế và sử dụng khoảng 3 triệu USD/năm từ nguồn ngân sách.
|
Tại buổi thăm và làm việc với với Bộ Tư pháp Hàn Quốc, Bộ trưởng Pác Sang Ki nhiệt liệt chào đón Bộ trưởng Lê Thành Long và đoàn công tác Việt Nam.
Nhắc lại buổi làm việc với Bộ Tư pháp Hàn Quốc của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam Trương Hoà Bình vào đầu năm 2018, Bộ trưởng Pác Sang Ki nhấn mạnh chính sách hướng nam mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae - in coi trọng củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Bộ trưởng Pác Sang Ki giới thiệu sơ bộ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, trong đó nổi bật là (i) xây dựng pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, thi hành án, quốc tịch, tổ chức toà án (Toà án tối cao muốn xây dựng luật về hệ thống tổ chức toà án phải đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo); quản lý hệ thống công tố, hệ thống trại giam; quản lý các nghề tư pháp (luật sư, công chứng…); quản lý công tác xuất nhập cảnh, nhân quyền, công tác phòng, chống tội phạm; đầu mối về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật. Điểm đáng chú ý là đối với những văn bản luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Bộ Lập pháp không có thẩm quyền thẩm định (Bộ Tư pháp tự mình tổ chức thẩm định). Hiện nay, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã có những hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật hỗ trợ các nước như Uzerbekistan, Paragoay, Mông Cổ, Myanmar, Lào…Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp có Viện Tư pháp phụ trách công tác đào tạo công tố viên, điều tra viên, công chức Bộ Tư pháp. Hàng năm, Viện Tư pháp hỗ trợ đào tạo khoảng trên 100 cán bộ tư pháp cho các nước. Tính từ năm 1995 đến nay đã có 10 khoá với tổng số 1750 học viên đến từ từ 91 quốc gia được đào tạo tại Viện Tư pháp.
|
Bày tỏ sự vui mừng được đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp Hàn Quốc, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước nói chung (Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 2,63 tỷ USD, chiếm 26,5 tổng vốn đầu tư; hai Bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao…) và quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật nói riêng (hai Bộ Tư pháp đã ký MOU hợp tác vào năm 2015).
Tuy nhiên, các hoạt động hợp tác được tiến hành giữa Bộ Tư pháp hai nước còn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của mỗi bên, trong khi hai Bộ có nhiều chức năng tương đồng như xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực, quản lý các nghề tư pháp…Từ đó, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu một số đề nghị (i) đề nghị phía Hàn Quốc sớm nối lại vòng đàm phán lần thứ 3 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự vì nếu được ký kết, Hiệp định này sẽ có lợi cho cả 2 Bên trong công tác bảo hộ công dân; (ii) Bộ Tư pháp Hàn Quốc quan tâm dành một số suất học bổng đào tạo cán bộ cho Bộ Tư pháp Việt Nam cũng như quan tâm hỗ trợ Học viện Tư pháp của Bộ Tư pháp Việt Nam; (iii) Hai Bộ Tư pháp sớm thống nhất và ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2018-2019 để triển khai một cách có hiệu quả thực chất MOU đã ký giữa hai Bộ năm 2015. Bộ trưởng Pác Sang Ki bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với những đề xuất của Bộ trưởng Lê Thành Long, đồng thời đề nghị riêng đối với vấn đề đào tạo, Bộ Tư pháp Việt Nam cần gửi các đề xuất cụ thể thông qua KOICA.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch KOICA Li-Mi-Kiêng, bà Chủ tịch nhấn mạnh chính sách hướng nam mới của Hàn Quốc nhằm đạt mục tiêu với 3 chữ P: Paix (Hoà bình), People (Con người) và Prosperity (Thịnh vượng), trong đó Việt Nam là một trong những ưu tiên hợp tác hàng đầu của Chính phủ Hàn Quốc. Với tư cách là 1 người có 20 năm kinh nghiệm làm công tác lập pháp, bà Chủ tịch rất hiểu sự khó khăn, phức tạp của công tác xây dựng pháp luật và vai trò của yếu tố con người trong công tác này. Bà cũng thừa nhận nhiều ý tưởng hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam đã nêu ra từ năm 2015 nhưng chưa triển khai được (ví dụ dự án hỗ trợ Học viện tư pháp của Bộ Tư pháp Việt Nam)
Bày tỏ sự vui mừng lần đầu tiên đến thăm và làm việc với KOICA, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao việc KOICA từ khi ra đời (1991) đến nay đã hiện diện trên 100 nước với kinh phí hỗ trợ hàng năm đến đến 700 triệu USD tập trung vào nhiều lĩnh vực (cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, xã hội…). Trên cơ sở kết quả buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lập pháp và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc, Bộ trưởng Lê Thành Long gợi ý một số ý tưởng hợp tác với KOICA trong thời gian tới như:
(i) Hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo luật cơ bản (từ bậc cử nhân đến bậc cao nhất tiến sỹ) bằng tiếng Hàn, có cấp bằng. Trong thời gian trước mắt khi chưa có sẵn người biết tiếng Hàn thì có thể tiến hành đào tạo bằng tiếng Anh. Ngoài ra, hỗ trợ Việt Nam bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ của Bộ Tư pháp và xem xét hỗ trợ đào tạo các nghề tư pháp cho Học viện Tư pháp của Bộ Tư pháp Việt Nam;
(ii) Hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin pháp luật hiện đại, dễ tiếp cận, phục vụ công tác xây dựng và thi hành pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam trên nguyên tắc quốc gia làm chủ (ownership)
|
Bà Chủ tịch KOICA đồng ý về mặt nguyên tắc với các đề xuất của Bộ trưởng Lê Thành Long, đồng thời nhấn mạnh có những việc có thể tiến hành được ngay như hỗ trợ đào tạo luật cơ bản. Về cách làm, bà đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam cần gửi sớm đề xuất cụ thể đến KOICA thông qua kênh cơ quan đại diện ngoại giao và Văn phòng KOICA tại Việt Nam.
Có thể nói, chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu đề ra là đánh giá lại tình hình thực hiện MOU đã ký với Bộ Lập pháp, Bộ Tư pháp của Bạn, đồng thời thảo luận với Bạn về hướng đi sắp tới nhằm củng cố quan hệ hợp tác song phương về pháp luật đi vào chiều sâu thực chất, góp phần thiết thực hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trong thời gian tới, cấp làm việc của hai Bên cần tích cực thảo luận kỹ hơn về các đề xuất hợp tác nhằm hiện thực hoá các ý tưởng đã đạt được sự thống nhất ở cấp Bộ trưởng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật!