Cùng em xuống chợ Mường Hum…

(PLO) - Từ thành phố Lào Cai vượt chặng đường chừng 30km lên đến thị trấn Bát Xát- trung tâm của huyện Bát Xát, sau đó đi tiếp một chặng đường chừng 20km nữa mới đến xã Mường Hum nơi có chợ phiên huyền thoại nức lòng du khách.
Cùng em xuống chợ Mường Hum…

Khác với những phiên chợ truyền thống của đồng bào dân tộc thường họp theo tuần trăng hoặc tính theo ngày âm lịch, phiên chợ Mường Hum lại họp vào Chủ nhật hàng tuần. Dù không nằm ở thị trấn nhưng buổi chợ phiên bao giờ cũng là ngày nhộn nhịp nhất của huyện, thu hút một lượng lớn du khách và dân cư trong vùng.

Chợ Mường Hum nằm dưới một thung lũng nhỏ, kề bên là suối nước trong vắt, xung quanh bao bọc bởi những dãy núi cao tạo nên phong  cảnh sơn thủy hữu tình. Bởi vậy, đến chợ phiên ngoài mua bán người ta còn thưởng ngoạn cảnh đẹp, ngắm cảnh, ngắm người cho tâm hồn thư thái.

Cũng như các phiên chợ vùng cao, chợ Mường Hum rực rỡ sắc màu. Đây cũng này dịp để gặp gỡ, giao lưu, mua bán và vui chơi của bà con các dân tộc Hà Nhì, H’Mông, Hoa, Giáy, Dao Ðỏ, Dao Tuyển, Hán... Bên trong chợ là cảnh ồn ào, tấp nập, xen lẫn giữa những bộ y phục của các thiếu nữ Mông rực rỡ là những bộ trang phục đầy sắc màu của người Dao đỏ, người Hà Nhì... Tiếng nói cười rộn rang, tiếng khèn réo rắt, tiếng lợn kêu, gà gáy tạo nên những âm thanh náo nhiệt rất đặc trưng của buổi chợ phiên. 

Đoạn suối ven chợ Mường Hum bao giờ cũng là nơi đông vui nhất. Vài năm gần đây, khách du lịch đến với phiên chợ tình tối thứ Bảy ở Sa Pa, sau đó sáng chủ nhật lên phiên chợ Mường Hum. Đồng bào dân tộc ở Mường Hum cũng nhanh chóng bắt nhịp, chuyển mình làm du lịch. Tại phiên chợ Mường Hum, ngay ở đoạn suối lúc nào cũng có các thiếu nữ H’Mông váy hoa gợi cảm, lại đội thêm mái tóc giả bằng len sợi nhuộm màu rực rỡ trông giống như một bông hoa biết đi, lung linh khoe sắc. Ðẹp không kém là bộ trang phục Dao đỏ: các thiếu nữ mặc áo quần màu chàm đen điểm xuyết hoa văn trên ngực tựa như những cánh bướm và đội chiếc khăn đỏ rực được kết thêm rất nhiều món trang sức bằng bạc, lúc nào cũng lấp lánh.

Cả các em bé dân tộc Dao, dù còn được địu trên lưng mẹ nhưng cũng được mẹ chăm chút áo quần, khăn mũ và các em được mọi người thích ngắm nhất. Bên bờ suối, bầy ngựa đợi chủ vào chợ tập trung bên suối với đủ sắc lông, thỉnh thoảng chúng cất tiếng hí vang khiến bức tranh sơn cước càng thêm sinh động, rất hiếm thấy ở nơi khác. Những chiếc cầu treo hay cầu đá bắc qua suối lúc nào cũng có người dắt ngựa qua lại... Du khách đến đây có thể mua hoặc thuê trang phục dân tộc cùng phụ kiện như gùi, ô, ngựa để chụp những bức ảnh lưu niệm bên khung cảnh lãng mạn, trữ tình, đậm màu sắc văn hóa vùng cao.

Nếu bạn đi du lịch Sa Pa, hoặc ghé chân huyện vùng cao Bát Xát, xin đừng bỏ lỡ cơ hội để thưởng thức, trải nghiệm, khám phá nét văn hóa đặc sắc của phiên chợ cuối tuần này.