'Cuộc cách mạng' chuyển đổi số

(PLVN) - Hôm qua (21/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, Bộ Chính trị có Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Như vậy, Đảng và Nhà nước đã rất tích cực, chủ động trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành chương trình về chuyển đổi số quốc gia.

Về Đề án 06, hướng đến phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Việc thực hiện Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong quan hệ Nhà nước - công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Từ đó đến nay, mọi công dân, bất kể giai tầng, địa vị xã hội, địa bàn sinh sống đều không lạ lẫm với chuyển đổi số. Người dân đang được hưởng những thành tựu của chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng. Người dân dần quen với việc đi chợ mua mớ rau, ăn quà sáng đã có thể không cần phải mang tiền mặt, quen với phương thức mua bán online (trước đây vẫn bị hoài nghi về chất lượng, thậm chí kỳ thị)... Đó là một trong nhiều kết quả của chuyển đổi số.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả, chúng ta đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Khó khăn là tất yếu của quá trình nhận thức.

Chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Hay nói cách khác, chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân. Không có cách nào khác ngoài việc phải tiếp tục hoàn thiện quy định luật pháp để giải phóng nguồn lực, vì mục tiêu phát triển.

Đọc thêm