Tại Hội Nghị Quốc Tế Tokyo về Phát Triển Châu Phi TICAD 2016, tổ chức tại Nairobi – Kenya, thủ tướng Shinzo Abe thông báo đầu tư 30 tỷ đô la cho Lục địa Đen trong ba năm sắp tới. Một phần ba số tiền nói trên được dành cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở.
Sau 5 lần liên tiếp được tổ chức trên xứ hoa anh đào, việc lần đầu tiên TICAD mở ra tại châu Phi cho thấy mức độ quan tâm của nội các Abe với châu lục này.
Không phải tình cờ mà thủ tướng Nhật dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu gần 200 doanh nhân đại diện cho 70 hãng lớn nhỏ của Nhật đến Nairobi.
Tokyo chờ đợi thuyết phục thêm được các doanh nghiệp xứ hoa anh đào đến châu Phi hoạt động, cho dù số này đã tăng lên gấp đôi trong thời gian từ năm 1993 đến 2015 và đã có hơn 600 cơ sở của Nhật hiện diện tại châu Phi.
Đối với một quốc gia nghèo về tài nguyên thiên nhiên như Nhật, dân số trên đà lão hóa, chiến lược của Tokyo với châu Phi tương đối dễ hiểu khi biết rằng châu lục này là một vùng đất ẩn chứa từ kim loại đến đá quý, từ dầu hỏa đến khí đốt, đất hiếm… Một lợi thế khác của Lục địa Đen: là dân số 1,2 tỷ người (tương đương với Trung Quốc), ở độ tuổi trung bình dưới 20.
Thêm vào đó tỷ lệ tăng trưởng bình quân cho toàn châu lục ở vào khoảng từ 5 đến 6% một năm, hấp dẫn hơn nhiều so với một thị trường tuyền thống như châu Âu vẫn chưa thực sự hồi phục một cách chắc chắn sau khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2008/2009.
Bên mạnh “chất”, bên mạnh “lượng”
Tại hội nghị TICAD vừa qua cả phía Nhật lẫn các đối tác châu Phi đều phải nhìn nhận và về mặt “lượng” thì Tokyo đang bị Bắc Kinh bỏ xa lại phía sau trên thị trường đầy tiềm năng này, cả trong lĩnh vực đầu tư lẫn thương mại.
Về chính sách đầu tư, Tokyo hứa hẹn rót thêm 30 tỷ đô la vào Lục địa Đen từ nay cho đến hết tài khóa 2018 – tức là đến cuối tháng 3/2019 theo tính toán của Nhật. Ngoài khoản đầu tư này, còn phải kể đến gói đầu tư 32 tỷ từng được Nhật Bản hứa với châu Phi nhân hội nghị TICAD lần thứ 5, tổ chức vào năm 2013 tại Yokohama. Theo lời thủ tướng Abe, 67% khoản đầu tư nói trên đã được thực hiện.
Trong khi Nhật rót 30 tỷ vào Lục địa Đen, thì Trung Quốc chi ra một khoản tiền cao gấp đôi: Tại thượng đỉnh Trung - Phi 2015, ông Tập Cận Bình cam kết đầu tư 60 tỷ đô la cho châu lục này.
Dù nỗ lực duy trì sự hiện diện tại châu Phi nhưng vốn đầu tư trực tiếp FDI của Nhật tại châu lục này trong năm 2015 đã giảm so với tài khóa 2014. Trong lúc Nhật đầu tư 1,5 tỷ đô la vào cả châu Phi, thì tháng 4/2015 Trung Quốc đã bỏ ra 2 tỷ chỉ để khai thác dầu hỏa của Guinea Equatorial.
Nhìn đến vế mậu dịch, kim ngạch trao đổi thương mại Nhật - Phi vẫn còn khiêm tốn. Năm 2015, Nhật Bản nhập chưa đầy 12 tỷ đô la hàng hóa từ châu Phi, xuất khẩu sang thị trường này 8,6 tỷ đô la, chủ yếu là với các đối tác chính như Nam Phi, Nigeria, Ai Cập, Algeria, Kenya, Liberia, Maroc hay Tanzania.
Để so sánh, kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại số 1 của châu Phi. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới 179 tỷ đô la trong năm 2015.
Tới nay các tập đoàn và vốn của Trung Quốc đã bắt rễ vào nhiều lĩnh vực kinh tế của châu Phi, từ cơ sở hạ tầng đến công nghiệp nặng, từ ngành xây dựng đến khai thác quặng mỏ, từ năng lượng hóa thạch đến nặng lượng mặt trời.
Chính sách đầu tư của các doanh nhân Trung Quốc bắt đầu đặt ra một số vấn đề với người dân bản địa và đôi khi dẫn tới bất hòa như ở Sénégal, hay Zambia… Thống đốc ngân hàng trung ương Nigeria Sanusi Lamido, người từng sống và làm việc tại Bắc Kinh, vào tháng 3/2013 trong một bài báo đã không ngớt lời chỉ trích Trung Quốc vơ vét nguyên liệu của châu Phi để phục vụ cho guồng máy sản xuất của mình.
Gần như 100% dầu hỏa của Soudan, chỉ dành để bán cho Trung Quốc. Gabon nhân lên gấp 4 lần khối lượng gỗ quý bán cho Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật phát biểu tại diễn đàn |
Hiện tại có ít nhất là 800 tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại châu lục này. Có từ 500.000 đến 750.000 người Trung Quốc lao động tại đây. Nhưng một số người nhập cư Trung Quốc không hòa đồng với cuộc sống của người dân bản xứ.
Vì vậy, tham dự hội nghị TICAD ở Nairobi vừa qua, phó chủ tịch JETRO Tổ chức Thương mại Nhật Bản ông Harino Katsumi đã nhấn mạnh đến tính toàn diện trong chính sách đầu tư của Nhật:
“Thực ra Nhật Bản đầu tư trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nhưng phải nói là trong là mảng này, thì Nhật còn thua kém Mỹ, Anh và kể cả Trung Quốc.
Cho nên giờ đây, đầu tư của Nhật tại châu Phi chú trọng đến khu vực này hơn. Chúng tôi cần được cung ứng tài nguyên một cách đều đặn và ổn định, song song với việc đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp tại châu lục này.
Các tập đoàn Nhật đặc biệt chú ý đến các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt, đến hệ thống cung cấp điện lực và các chương trình hợp tác liên doanh. Các khoản đầu tư đó giúp châu Phi phát triển và đương nhiên là có lợi cho cả phía Nhật nữa. Với các khoản đầu tư này, tăng trưởng của cả Nhật lẫn châu Phi cùng đi lên”.
Kinh tế và thương mại, mối quan tâm hàng đầu
Trong cuốn Africa in the Age of Globalisation của hai nhà xã hội học Canada Edward Shizha và Lamine Diallo vừa được tái bản tháng 3/2016, hai đồng tác giả đã dành hẳn một chương để nói về sự đối đầu của Nhật và Trung Quốc tại các nước châu Phi phía nam sa mạc Sahara.
Theo hai nhà nghiên cứu này, cả Nhật lẫn Trung Quốc cùng cần mở rộng ảnh hưởng trong khu vực này để khẳng định mình là một cường quốc trên thế giới.
Thực tế có lẽ đơn giản hơn khi biết rằng cả hai nền kinh tế thứ 2 và 3 trên hành tinh đều lao vào một cuộc săn lùng tài nguyên: từ đồng, kẽm đến quý kim hay than đá …
Dù vậy Nhật và Trung Quốc chọn hai hướng đi khác nhau để chinh phục các đối tác trên Lục địa Đen. Trung Quốc chú trọng vào đầu tư trực tiếp của tư nhân vào cơ sở hạ tầng, còn Nhật Bản thì quan tâm đến viện trợ phát triển ODA.
Báo cáo của văn phòng luật sư Linklaters chuyên cố vấn cho các doanh nghiệp có trụ sở tại Luân Đôn, công bố vào tháng 3/2015 về mặt tài trợ cho các công trình xây dựng giúp châu Phi phát triển Nhật hơn hẳn Trung Quốc.
Năm 2014 chẳng hạn Nhật và Trung Quốc cấp cho châu Phi 4,2 tỷ đô la Đầu tư Hỗ trợ Phát triển Chính thức ODA. 83% trong số đó, tức 3 tỷ rưỡi, do Tokyo đài thọ. Trong số các nhà tài trợ chính thức của châu Phi, Nhật dẫn đầu,theo sau là Trung Quốc và Ấn Độ.
Chủ đề Hội Nghị Quốc Tế Tokyo về Phát Triển Châu Phi TICAD 2016 gồm ba vế: phát triển kinh tế từ cơ sở hạ tầng đến đào tạo,y tế và ổn định xã hội.
Trước khi lên đường đến dự thượng đỉnh TICAD ở Nairobi trong hai ngày 26 và 27/8/2019, thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố “Ưu điểm của Nhật là công nghệ cao cấp, chất lượng và các chương trình đào tạo nhân sự”.
Ngoài hứa hẹn đầu tư 30 tỉ đô la cho châu Phi trong ba năm sắp tới Tokyo còn cam kết đào tạo 50.000 giảng viên, chuyên gia khoa học, nhân viên y tế cho lục địa này; hỗ trợ châu Phi đẩy lùi các dịch bệnh qua đường truyền nhiễm, trợ cấp 500 triệu để bảo đảm nhu cầu lương thực cho châu Phi.
Một công trình Trung Quốc thực hiện trên đất châu Phi |
Đành là không thể thu hẹp ảnh hưởng của Bắc Kinh trên Lục địa Đen từ lĩnh vực kinh tế đến ngoại giao và cả quân sự, nhưng Tokyo không để nước láng giềng đồ sộ này “một mình một chợ” ở châu Phi.
Thuần túy về kinh tế mà nói thì vào lúc hãng xe hơi Toyota hay tập đoàn điện tử Panasonic có ý định cắm dùi vào châu Phi, thông điệp của Tokyo rất rõ ràng: nếu như Trung Quốc lấy số lượng để lôi kéo châu Phi về phía mình thì Nhật Bản đánh mạnh vào khía cạnh đào tạo, chuyển giao công nghệ để giúp châu lục này cất cánh.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, dưới hình thức nào đi chăng nữa mối quan tâm hàng đầu của cả Tokyo lẫn Bắc Kinh vẫn là lợi ích kinh tế, thương mại và phát triển của chính Nhật Bản và Trung Quốc.
Ở một khía cạnh, cũng có ý kiến lưu ý, đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài vào châu Phi chứ không riêng gì Nhật hay Trung Quốc, bên cạnh vấn đề tham nhũng, hiểm họa khủng bố ngày càng trở thành trở ngại trong các dự án đầu tư vào Lục địa Đen.