Cuộc chiến dang dở sau 5 năm Mỹ rút quân khỏi Iraq

(PLO) -Cách đây 5 năm, ngày 18/12/2011, những binh sỹ Mỹ cuối cùng tại Iraq đã rút khỏi nước này, kết thúc chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq sau gần 9 năm, kể từ năm 2003. 
Những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq năm 2011

Mặc dù chính quyền Mỹ cho rằng mình đã giành thắng lợi và hoàn thành “sứ mệnh” song trên thực tế, đến nay, họ đã để lại đằng sau một cuộc chiến còn dang dở.

Nhiều biến động

Sau cú sốc ngày 11/9/2001, Mỹ một mực khẳng định rằng Iraq đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Tất nhiên Mỹ và cả LHQ đã không thể tìm thấy bằng chứng cho điều này ngay trước cuộc chiến. Dù không nhận được nghị quyết phê chuẩn của LHQ (do thiếu chứng cứ) và bị thế giới phản đối, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động cuộc chiến Iraq dựa trên các cáo buộc của mình.

Những quả bom đầu tiên đã phát nổ ở Bagdad, Iraq vào tháng 3/2003 và sau đó hơn 1 triệu người Mỹ đã được điều động để phục vụ cho cuộc chiến tại Iraq. 

Sau 9 năm diễn ra một cuộc chiến mà người Mỹ không nghĩ sẽ phải kéo dài đến vậy để đạt được những mục tiêu đề ra là lật đổ chế độ Saddam Hussein; tiêu diệt các lực lượng khủng bố; thiết lập nền dân chủ mới… thế nhưng mục tiêu duy nhất đạt được chỉ là bắt giữ, xét xử và hành quyết Tổng thống Saddam Hussein. 

Hơn thế, cuộc chiến kéo dài trên lãnh địa Hồi giáo này đã hủy hoại hình ảnh của nước Mỹ trước thế giới cùng chi phí khổng lồ cho quân sự đã góp phần đẩy ngân sách của đất nước đến bờ vực thẳm. Theo con số thống kê do Lầu Năm Góc đưa ra, trong cuộc chiến tại Iraq, con số thiệt hại của binh sĩ Mỹ là 6.000 binh sĩ bị thiệt mạng và 32.000 binh sĩ bị thương.

Trong khi đó, chi phí cho hoạt động quân sự ở Iraq cũng lên tới hàng trăm tỷ USD. Một chiến dịch quân sự tốn kém nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Chưa hết, một nước Mỹ sẽ phải lo toan cho một thế hệ cựu binh tham chiến tại Iraq với vết thương tinh thần và thể xác khó có thể hàn gắn một sớm một chiều.

Những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq năm 2011

Trong khi đó tại Iraq, người ra chỉ thấy một nước Iraq kiệt quệ do chiến tranh, hàng chục ngàn người dân Iraq đã thiệt mạng, tỷ lệ thất nghiệp tới 15%, hơn 34% người dân sống dưới mức nghèo đói, 35% trẻ em mồ côi cha mẹ, mâu thuẫn bè phái, nguy cơ chia cắt, bạo lực và khủng bố xảy ra hàng ngày thì ai ai cũng biết.

Kể từ sự can thiệp của Mỹ vào Iraq, những người Shitte chiếm đa số ở Iraq đã liên tiếp nắm quyền lãnh đạo các chính phủ ở Iraq những năm sau đó. Những người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số vì thế ngày càng tỏ ra bất mãn với các chính sách của chính quyền vì cho rằng chính quyền do người Shitte lãnh đạo đã chèn ép và phân biệt đối xử với họ.

Từ đó, các tay súng người Sunni đã mở nhiều cuộc tiến công vào lực lượng quân đội và cảnh sát. Bạo lực cứ thế bao trùm Iraq trong hơn 1 thập kỷ qua. 

Các nhà phân tích cho rằng, đặc trưng của đất nước Iraq kể từ sau sự xuất hiện và ra đi của quân Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua, đó chính là các cuộc nổi dậy, các vụ ám sát, và đặc biệt là các vụ đánh bom liều chết với tần suất và mức độ tàn bạo chưa từng có tiền lệ, không hề “thua kém” ở Palestine, Afghanistan hay Pakistan.

Đỉnh điểm, năm 2015, LHQ ước tính có hơn 22.300 người thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc xung đột có vũ trang tại Iraq. Năm 2014, Iraq là nước có số người thương vong cao nhất thế giới với gần 10.000 dân thường thiệt mạng, tăng gấp đôi so với năm 2013 và tăng gấp 4 lần so với năm 2012. 

Vẫn còn dang dở

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trương sớm rút quân khỏi hai chiến trường Afghanistan và Iraq. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng, ngày 18/12/2011, những binh sỹ Mỹ cuối cùng tại Iraq đã rút khỏi nước này, kết thúc chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq sau gần 9 năm.

Việc rút quân sớm khỏi Iraq tuy giúp Mỹ giảm gánh nặng nhưng đã làm cho chính quyền Iraq không kịp chuẩn bị đối phó với các thách thức an ninh mới. Một khoảng trống quyền lực đã xuất hiện khi Mỹ rút khỏi Iraq, tạo điều kiện cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhanh chóng mở rộng địa bàn, sức mạnh và ảnh hưởng tại cả Iraq, Syria, Liban...

Với giấc mơ thành lập một Nhà nước Hồi giáo Sunni từ hai phía đường biên giới giáp Iraq và Syria, IS từ khi ra đời luôn là một thách thức lớn đối với lực lượng an ninh non trẻ ở Iraq và đặt các nước lớn vào thế buộc phải bắt đầu một cuộc chiến đầy cam go đương đầu với khủng bố. Kể từ tháng 4/2014, IS bắt đầu đẩy mạnh hoạt động và đã tấn công và kiểm soát được khá nhiều khu vực ở Iraq, nhất là các vùng lãnh thổ của người Hồi giáo dòng Sunni. 

Trước sự vươn dài vòi bạch tuộc của IS, một lần nữa chính quyền của tổng thống Mỹ Obama buộc phải quyết định tăng quân Mỹ để huấn luyện cho quân đội Iraq. Trong 2 năm qua, với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu, các lực lượng vũ trang tại Iraq đã không ngừng nỗ lực giành lại lãnh thổ bị IS kiểm soát. Đây là một cuộc chiến khó khăn với không ít hy sinh.

Theo thống kê, gần 15.000 người đã thiệt mạng trong những chiến dịch quân sự. Nhưng đổi lại, họ đã giải phóng được hơn 90% diện tích lãnh thổ Iraq khỏi sự kiểm soát của IS. 

Chiến dịch tấn công IS, tái chiếm Mosul gặp khó do còn tới 1,5 triệu dân sống ở đây

Mới đây, ngày 17/10/2016, quân đội Iraq đã phát động chiến dịch tái chiếm Mosul, một trong những trận chiến cam go và có ý nghĩa quyết định. Mosul được xem là “thành trì cuối cùng” của IS, là thành phố lớn thứ hai của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km và có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, kết nối phía Bắc Iraq và phía Đông Syria.

Dù chiến dịch tái chiếm Mosul đã đạt được những bước tiến nhất định trên thực địa, lực lượng Iraq đã kiểm soát được gần 1/4 trong tổng số 50 quận ở phía Đông Mosul. Tuy nhiên, việc IS sử dụng hệ thống đường hầm xung quanh thành phố Mosul để thực hiện các cuộc phục kích, tấn công bất ngờ gây khó khăn cho quân đội và các lực lượng của Iraq. Nhiều khu vực sau khi nằm dưới sự kiểm soát của quân đội IS lại bị IS tấn công quyết liệt đoạt lại nên phải mất thêm nhiều thời gian nữa để tái chiếm. 

Chưa hết, 1,5 triệu dân thường vẫn đang sinh sống tại Mosul là một thách thức lớn đối với quân đội Iraq trong việc tấn công IS. Trong khi đó, người ta cho rằng, tội ác của IS không chỉ dừng ở các cuộc đánh bom.

Một báo cáo mới đây của LHQ cho biết, IS có thể đang tàng trữ cũng như thực hiện các vụ tấn công hóa học tại khu vực xung quanh thành phố Mosul. Những thách thức đó cho thấy cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ vẫn chưa đi đến hồi kết.

Đọc thêm