'Cuộc chiến quốc tịch' Nga - Ukraine

(PLVN) - Nga và Ukraine vừa đưa lại bằng chứng rất sinh động mới về pháp luật có thể phục vụ chính trị đắc dụng như thế nào. 
Hình minh họa.

Hai nước láng giềng của nhau này ở châu Âu vốn có quan hệ truyền thống và gắn kết với nhau về chính trị, lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Nhưng  hiện tại, mối quan hệ giữa hai nước này lại rất trắc trở, đúng hơn thì phải nói là từ sau khi xảy ra chính biến ở Ukraine, mà liên quan trực tiếp đến Nga có hai chuyện là Nga tiếp nhận Crimea và vùng lãnh thổ miền đông ly khai chính quyền Ukraine. 

Mới rồi, ở Ukraine có cuộc bầu cử tổng thống, và người đắc cử không phải là tổng thống đã cầm quyền cả nhiệm kỳ trước mà là một nghệ sỹ. Danh hài này chưa từng hoạt động chính trị nhưng lại đắc cử tổng thống ở Ukraine với tỷ lệ phiếu bầu cao đặc biệt ấn tượng. Người này có vẻ như không thù địch Nga như người tiền nhiệm, nhưng chắc chắn không thân Nga, và cũng có quan điểm thái độ cứng rắn với Nga. Ông ta tên là Volodymir Selensky.

Sau khi ông Selensky đắc cử tổng thống Ukraine và chuẩn bị chính thức nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin không chúc mừng mà ban hành sắc lệnh tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện thủ tục nhanh chóng để người Ukraine ở những vùng lãnh thổ miền đông Ukraine ly khai chính quyền Ukraine có thể nhanh chóng nhập quốc tịch Nga thông qua được cấp hộ chiếu Nga. Ông Putin còn cho biết biện pháp chính sách này còn có thể áp dụng cho tất cả công dân hiện tại của Ukraine, hơn 40 triệu người chứ không hề ít gì. 

Ông Selensky lập tức đáp trả lại bằng tuyên bố người Nga nào cũng có thể được cấp hộ chiếu Ukraine, tức là được nhập quốc tịch Ukraine, ngay và luôn.

Giữa hai bên vì thế xảy ra chuyện mà thiên hạ gọi là “Cuộc chiến quốc tịch” hay “Cuộc chiến ngoại giao”. Quốc tịch là chuyện pháp lý. Ngoại giao là chuyện chính trị. Ở đây có chuyện cả hai phía dùng pháp luật phục vụ chính trị. Quốc tịch là chuyện chủ quyền quốc gia.

Tuần tra dọc biên giới Nga - Ukraine.

Vì thế, trên thế giới đa số các quốc gia chỉ công nhận nguyên tắc “Một quốc tịch”, có nghĩa là mỗi người chỉ có một quốc tịch và nếu muốn nhập quốc tịch kia thì phải từ bỏ quốc tịch này. Cũng có những nước công nhận hai quốc tịch, nhưng đấy là công nhận riêng của họ, chứ còn chính phủ nước quốc tịch gốc có công nhận quốc tịch thứ hai của công dân kia hay không lại là chuyện khác.

Động thái này là nước cờ cao và cú đòn mạnh của ông Putin về chính trị trong quan hệ của Nga với Ukraine, giúp Nga tăng thế và khiến phía Ukraine khó khăn và khó xử. Phía Ukraine dẫu có áp dụng đối sách “có đi có lại” chăng nữa thì hiệu quả cũng chỉ rất hạn chế, vì sẽ không có mấy người Nga xin được cấp hộ chiếu Ukraine, trong khi rất nhiều người Ukraine hiện muốn có hộ chiếu Nga.

Họ ở khu vực lãnh thổ ly khai chính phủ Ukraine và bị cắt đứt mọi quyền lợi pháp lý từ phía chính quyền Ukraine. Chẳng hạn như họ không được cấp hộ chiếu Ukraine trong khi chính quyền tự trị  ở đấy dẫu có cấp hộ chiếu riêng thì cũng đâu có thể sử dụng được rộng rãi trên thế giới vì không được nhiều nước công nhận.

Nếu sử dụng hộ chiếu Nga thì họ được thế giới bên ngoài coi là công dân Nga. Nga áp dụng biện pháp này thì chính quyền Ukraine càng thêm khó khăn với việc khắc phục tình trạng ly khai, mà tình trạng này càng kéo dài thì việc khắc phục càng thêm khó khăn.

Trước năm 2008, Nga đã áp dụng biện pháp chính sách này với người dân ở hai vùng lãnh thổ ly khai chính phủ trung ương ở Grudia. Năm 2008, Nga can thiệp quân sự vào nơi đây với lý do “công dân Nga kêu cứu”.

Về pháp lý, Nga phải có trách nhiệm bảo hộ công dân với những người có quốc tịch Nga thể hiện ở có hộ chiếu Nga. Pháp lý lại phục vụ chính trị cả trong trường hợp ấy. Cho nên phía Ukraine hiện có lý do để lo ngại là tiền lệ ở Grudia rồi đây sẽ thành thông lệ ở Ukraine. Luật là pháp lý nhưng trở thành công cụ cho lệ về chính trị.

Đọc thêm