'Cuộc chiến' với nồng độ cồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng chức năng, nhiều người dân đã làm quen với quy định về nồng độ cồn, nâng cao ý thức tránh đồ uống có cồn trước khi cầm lái. Tuy nhiên, trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, số người vi phạm nồng độ vẫn còn nhiều.
Nhiều người vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Dương lịch vừa qua. (Ảnh minh họa - Nguồn: baochinhphu.vn)
Nhiều người vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Dương lịch vừa qua. (Ảnh minh họa - Nguồn: baochinhphu.vn)

“Cuộc chiến” với nồng độ cồn

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 7.570 tài xế vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ năm ngoái, số lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý tăng 71% (tăng 3.200 trường hợp).

Trên thực tế, vào các dịp nghỉ lễ hay “mùa” tiệc tùng trong năm, nhiều người có tâm lý “thoải mái” trong việc sử dụng rượu, bia, đặc biệt là việc lái xe sau khi uống đồ uống có cồn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng tài xế vi phạm nồng độ cồn tăng mạnh, nhất là khi lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã ra quân tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng với ma tuý, tốc độ và quá khổ, quá tải thì vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, trong năm 2022, đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, trong đó có nồng độ cồn.

Năm 2023, số lượng xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên 770.000 trường hợp, tăng hơn 462.000 trường hợp so với năm 2022. Tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia cũng đã giảm so với cùng kỳ năm 2022. Về số vụ giảm 26% số người chết, cụ thể là 814 vụ, làm chết 400 người, bị thương 619 người. Những kết quả và chuyển biến tích cực bước đầu về tình hình trật tự, an toàn giao thông cho thấy “cuộc chiến” với nồng độ cồn đã thực sự tạo được những dấu ấn, có tác động tích cực đến đời sống xã hội.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, đại diện Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục khẳng định lực lượng cảnh sát giao thông trong năm nay sẽ tiếp tục xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ thực hiện cho đến khi nào tạo thành thói quen, không chỉ năm 2024 và thời gian tiếp theo, tạo cho người dân thói quen đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe.

Ý thức tránh bia, rượu trước khi cầm lái

Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng cảnh sát giao thông, nhiều người dân đã làm quen với quy định về nồng độ cồn, ý thức tránh đồ uống có cồn trước khi cầm lái được nâng lên rõ ràng. Tuy nhiên, trong các đợt ra quân xử lý vi phạm, như dịp Tết Dương lịch vừa qua, số người vi phạm nồng độ vẫn còn nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân vi phạm, trong đó còn có trường hợp “uống rượu hôm trước, hôm sau vẫn bị phạt nồng độ cồn”. Nhất là thời điểm nhiều tiệc tùng, không ít người điều khiển phương tiện ham vui nên thường xuyên “quá chén” vào tối hôm trước cũng có nguy cơ vi phạm vào ngày hôm sau.

Ông D.Tân (1965, Hà Nội) cho biết, dịp nghỉ lễ vừa qua ông bị xử lý vi phạm nồng độ cồn dù đã uống rượu từ ngày hôm trước. “Tối 30/12 tôi có tham gia buổi tiệc tất niên cùng gia đình, biết bản thân có uống rượu nên tôi chủ động đi và về bằng taxi. Đến sáng 31/12 khi ngủ dậy, tôi cảm thấy cơ thể hoàn toàn tỉnh táo nên có điều khiển xe máy đi chơi lễ. Tuy nhiên, khi cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, tôi vẫn bị vi phạm, dù chỉ vi phạm ở mức độ thấp. Sau sự việc, tôi cảm thấy hoang mang không biết sau bao lâu mới hết nồng độ cồn để bảo đảm an toàn cho việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân”, ông D.Tân chia sẻ.

Theo lý thuyết, 12 - 24 giờ sau khi uống rượu, bia, nồng độ cồn vẫn có thể đo được trong máu và hơi thở. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi tùy vào từng người, chức năng của gan, lượng thức ăn nạp vào… Theo các chuyên gia, thông thường, sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (tương đương 10g cồn nguyên chất, 220ml bia, 100ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh).

Một đơn vị cồn cần 1 tiếng đồng hồ phân hủy hoàn toàn qua đường hô hấp và bài tiết khoảng 15%, còn lại là cồn được đào thải tại gan, đối với những người có gan yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm thì việc đào thải cồn sẽ lâu hơn. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2 - 3 tiếng để cồn trong hơi thở được phát tán hết. Với trường hợp uống từ 5 - 6 lon bia (tương đương 8 - 9 đơn vị cồn) vào tối hôm trước, sẽ cần tối thiểu 12 tiếng để bảo đảm không phát hiện ra nồng độ cồn trong hơi thở.

Với quy định hiện tại, khi bị thổi nồng độ cồn chỉ cần phát hiện ra cồn trong hơi thở dù chưa tới 0,25mg/L cũng đã vi phạm. Vì vậy, uống một cốc bia trong vòng một tiếng vẫn có khả năng bị phạt, do đó nếu lái xe cần tránh uống bia trong khoảng 5 - 6 tiếng trước khi lái xe, dù chỉ là một cốc.

Đọc thêm