Cuộc "dấn thân" vào văn chương giải trí của cây bút trẻ

 Vừa qua, nhà văn trẻ Phan Hồn Nhiên đã ra mắt “Xuyên Thấm” - tác phẩm thuộc thể loại sách minh họa dòng fantasy. Bộ ba tác phẩm thuộc dòng này chính là bước đánh dấu của nữ nhà văn khi đến với văn học giải trí. Có thể nói, ngày một nhiều tác giả trẻ đến với văn chương giải trí như là một hướng phát triển tốt có thể dung hòa giữa nghệ thuật, thị hiếu và cả... thu nhập.

Vừa qua, nhà văn trẻ Phan Hồn Nhiên đã ra mắt “Xuyên Thấm” - tác phẩm thuộc thể loại sách minh họa dòng fantasy. Bộ ba tác phẩm thuộc dòng này chính là bước đánh dấu của nữ nhà văn khi đến với văn học giải trí. Có thể nói, ngày một nhiều tác giả trẻ đến với văn chương giải trí như là một hướng phát triển tốt có thể dung hòa giữa nghệ thuật, thị hiếu và cả... thu nhập.

Buổi ra mắt truyện minh họa thuộc dòng fantasy “Xuyên thấm” của cây bút trẻ Phan Hồn Nhiên
Buổi ra mắt truyện minh họa thuộc dòng fantasy “Xuyên thấm” của cây bút trẻ Phan Hồn Nhiên

Được biết đến với “Công ty”, “Cánh trái” (Tặng thưởng Hội nhà văn 2010), “chuyên” về đề tài xã hội, nhất là về lối sống của người trẻ, cách đây gần 2 năm, Phan Hồn Nhiên một phen gây bất ngờ cho độc giả khi ra đời tiểu thuyết trinh thám “The Jocker”, và tiếp sau đó là Bộ ba “Những đôi mắt lạnh” - “Chuỗi hạt Azoth” và “Xuyên thấm” -  là quyển cuối cùng vừa ra mắt.

Tìm kiếm thông tin tại các diễn đàn, có thể thấy được hiệu ứng mà bộ sách gây ra cho độc giả tuổi teen: Hầu hết đều là khen ngợi và bày tỏ thích thú về sự độc đáo và cuốn hút của bộ sách. Sự đan xen giữa yếu tố kì ảo và hiện thực, trinh thám và tình cảm, cộng với màu sác rực rỡ, trình bày cực kì đẹp mắt là thế mạnh của bộ truyện khiến nó “mê hoặc” được độc giả teen. Bộ ba tác phẩm này là những tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại illustrated book vốn phát triển khoảng gần 10 năm nay trên Thế giới, và sau nó, với kết quả thăm dò thị hiếu độc giả khá tốt, sẽ là nhiều bộ truyện tiếp theo cùng loại.

Đầu tháng 7 vừa qua, cây bút trẻ với bút danh Gào cũng vừa ra mắt tiểu thuyết thứ ba của mình: “Tự sát”. Đây là tác phẩm thứ ba sau thành công của hai cuốn sách “Nhật ký son môi” (2010) và “Cho em gần anh thêm chút nữa” (2009). Và mặc dù có lắm tiếng khen, chê, mà tiếng chê nhiều hơn khen trong giới phê bình về chất lượng nghệ thuật, nhưng không thể phủ nhận Gào là một cây bút “ăn khách” có sức hút đối với các nhà làm sách.

Trước đó, Nguyễn Đình Tú, Cấn Vân Khánh, Di Li cũng là những cây bút trẻ khá “ăn khách” với những tác phẩm có pha tính giải trí. Với “Nháp”, “Phiên bản”, khai thác các đề tài sex, vụ án hình sự nổi tiếng, Nguyễn Đình Tú đã tạo dựng một thương hiệu văn chương mà tác phẩm vừa có sự thu hút về mặt giải trí, nhưng khá được đánh giá cao về nghệ thuật thể hiện. Cấn Vân Khánh thì thu hút độc giả nữ đa cảm với các tác phẩn thiên về khai thác tâm lý, tình cảm nữ giới với những cái tựa khá “gợi và hút khách” như đánh giá của nhiều người: “Người đàn ông có đôi mắt trong”, “Khi nào anh thuộc về em” và “Đi lạc vào thế giới của anh”.

Trong các cây bút trẻ hiện nay, được đánh giá “sống khỏe” với nghề viết và được các nhà làm sách “o bế” nhất phải kể đến Di Li. Với thâm niên 7 năm cầm bút, nhà văn thế hệ đầu 7x đã cho ra đời trên 10 đầu sách, trong đó một tiểu thuyết dầy hơn 500 trang, 3 tập truyện ngắn, 2 tập bút ký, tự truyện và 4 tập truyện dịch. Thuộc thể loại trinh thám, truyện của Di Li, với các đầu sách ăn khách tiêu biểu như “Trại hoa đỏ, “7 ngày trên sa mạc”... đã nhận được nhiếu khen ngợi của giới phê bình. Kỉ lục về doanh thu của cây bút nữ này trong lĩnh vực văn chương là đầu sách bán giá gần 100.000 đồng, với lượng in 4.000 bản. Với nhuận bút xấp xỉ 10% giá bìa, số tiền thu nhập từ quyền sách của cô là  niềm mơ ước của bất cứ cây bút nào một khi dấn thân vào lĩnh vực viết - giải trí.

Được Phương Nam và NXB Kim Đồng đặt hàng, cùng với ấp ủ bản thân Phong Điệp, tác giả Blogger cũng vừa cho ra mắt “Nhật kí sẻ đồng”, truyện tâm lý dành cho thiếu nhi. Có thể nói, các cây bút trẻ ngày càng dấn thân nhiều vào văn học giải trí. Có khen, có chê, nhưng có một sự thật cần phải nhìn nhận rằng, đối với văn chương trong nước hiện nay, hiện tượng này còn đi chậm, đi muộn và chiếm tỉ lệ khá ít ỏi. Cây bút thành danh, có thu nhập ổn định và “chuyên” về dòng văn học này kiểu như Trang Hạ, Di Li cũng khá hiếm hoi.

Tuy nhiên, thành công về doanh thu và thị hiếu khán giả của bộ sách fantasy của Phan Hồn Nhiên rất có thể sẽ tạo nên một trào lưu “đổ bộ” vào văn học giải trí của các nhà văn trẻ, cũng như tạo hiệu ứng “đặt hàng” từ phía các nhà làm sách. Điều quan trọng là trong cuộc chơi với thị trường, các cây bút trẻ thể hiện mình đến đâu, đáp ứng được thị trường ra sao và có giữ được bản sắc văn chương của mình không hay hoàn toàn “hòa tan” vào thị trường?.

N. Mai  

Đọc thêm