“Cuộc đấu” thị phần vận chuyển hàng hóa hàng không: Bài 3 - Từ chuyện vải thiều đi máy bay, nghĩ đến điều cấp thiết

(PLVN) - Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn. Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Vải thiều đi máy bay tới khắp các thị trường.

Vải thiều và logistics

Năm nay Bắc Giang bội thu vụ vải thiều; sản lượng đạt 180.000 nghìn tấn, tăng 15.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng, vụ vải thiều sớm của Bắc Giang được xem là thắng lợi hơn so với năm trước.

Vải sớm thu hoạch vào đúng thời điểm dịch bùng phát mạnh (khoảng từ giữa tháng 5/2021) và Bắc Giang là tâm dịch “nóng” nhất nước. Sở Công Thương tỉnh này cho biết đến 9/6, toàn tỉnh tiêu thụ được hơn 50/58 ngàn tấn vải chín sớm, giá bán bình quân 13 – 30 ngàn đồng/kg, tương đương năm 2020.

Với đường bộ, để quả vải thiều lưu thông thuận lợi, tỉnh đã sớm có văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phối hợp tháo gỡ vướng mắc. Nhờ đó vải thiều Bắc Giang có “luồng xanh” được thông qua các chốt kiểm soát dịch. Cán bộ ở cửa khẩu (Lào Cai, Lạng Sơn) làm việc với tinh thần “hết việc không hết giờ” giúp vải thiều thông quan thuận lợi. Các tỉnh có cửa khẩu bố trí làn xe riêng cho vải thiều, tạo thuận lợi cho việc hoán đổi lái xe, bến bãi trong quá trình vận chuyển.

Năm nay là năm đầu tiên Bắc Giang thành lập 2 tổ công tác tại cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn để kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bắc Giang bố trí gần 600 phương tiện tham gia vận chuyển. Các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada và Alibaba.com cũng “vào cuộc”.

Bà Võ Nguyễn Phúc Hạnh (phụ trách kinh doanh của Cty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Bến Tre), đơn vị xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản cho biết, lô hàng được xuất khẩu qua Hoàng Hà Logistics.

Ngày 26/5 là dấu mốc quan trọng với vùng vải sớm xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) khi lần đầu tiên xuất khẩu 20 tấn vải sớm sang Nhật. Dù thị trường Nhật có nguồn vải thiều nhập từ nhiều nước, vùng lãnh thổ khác; song vì hương vị đặc biệt của vải thiều Việt Nam, trong đó có Bắc Giang, đã đưa quả vải Việt Nam trở thành loại vải ngon nhất thị trường nước bạn, với giá bán tương đương 300 ngàn đồng/kg. Đến nay, gần 100 tấn vải thiều Bắc Giang đã xuất sang thị trường Nhật, dự kiến năm 2021 xuất khẩu khoảng 1.000 tấn sang thị trường này.

Ngoài thị trường trong nước, vải thiều Bắc Giang đã đến với thị trường 30 nước, trong đó có những thị trường “khó tính” nhất; nhờ có “đôi cánh” hàng không. “Hoàng Hà Logistics vận chuyển vải thiều nói riêng, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung thông qua nhiều hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air... Nếu có thêm hãng Air Cargo thì thật tốt. Chắc chắn sẽ rẻ hơn, nhanh hơn...”, bà Đặng Thị Thanh Hải, phụ trách kinh doanh của Hoàng Hà Logistics chia sẻ.

Rất cần thiết lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa

Đề xuất của IPPG về việc thành lập IPP Air Cargo nhận được sự quan tâm lớn của nhiều DN xuất nhập khẩu, đặc biệt là các DN logistics. Tuy nhiên, như PLVN đã phản ánh, điều đáng phải suy nghĩ là trước đề án của IPPG, một số cơ quan có trách nhiệm thẩm định, cấp phép lại đang “đủng đỉnh”. Trong khi đó, TS. Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (tổ chức giúp việc của Bộ trưởng Bộ GTVT) cho biết, chính Vụ ông cũng chưa được Bộ giao xem xét sự việc?

Theo đánh giá của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong các biện pháp nhằm kéo giảm chi phí dịch vụ logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, biện pháp phát triển vận tải hàng hóa bằng đường không và mở các tuyến bay chuyên chở hàng hóa quốc tế trực tiếp được đánh giá cao về tính khả thi.

Hướng giải pháp này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong Công văn 7709 ngày 15/9/2020 mà Văn phòng Chính phủ gửi Bộ GTVT về việc nghiên cứu, đánh giá việc “phải có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”.

Theo một LS, việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa của IPP Air Cargo là phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ với Bộ GTVT; đồng thời phù hợp với quan điểm Chính phủ nêu ra tại Quyết định 318/QĐ-TTg được Thủ tướng ký ban hành năm 2014 “Phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách theo hướng hiện đại; thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận tải, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”.

Đối với vận tải hàng không, văn bản nêu: “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa và hình thành mạng đường bay chở hàng riêng, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cảng hàng không trung chuyển hàng hóa của khu vực”.

Thế nhưng với thực tế đã diễn ra thì một số cơ quan có trách nhiệm đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng như nêu trên? Nhiều ý kiến lo ngại kiểu “tư duy hành chính” như vậy, nếu không được Trung ương chấn chỉnh, sẽ có thể làm nản lòng các DN nhiệt tình như IPP Air Cargo.

Thời gian qua, không chỉ quả vải vượt qua khó khăn do COVID-19 gây ra; mà xuất khẩu nói chung có những tín hiệu lạc quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 của cả nước ước tính vẫn duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế trên là cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải, logistics Việt Nam. Phải nhanh chóng thích ứng, lớn mạnh giành lại thị phần từ các hãng nước ngoài, hỗ trợ cho hàng hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đọc thêm