8 tuổi thì cha mẹ ly hôn, 12 tuổi đã bỏ quê đi làm thuê cùng mẹ, bị mẹ bỏ rơi và buộc phải làm thuê trả nợ món tiền mẹ đã “cuỗm” đi của ông chủ. Ở cái tuổi các bạn cùng lứa còn đang cắp sách tới trường, được cha mẹ bao bọc đến từng miếng cơm, cứ tưởng rằng những bất hạnh với bé gái Nguyễn Thị Thu T (14 tuổi, quê xã Ninh Ích, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà; tạm trú phường 12, quận Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh) như vậy là đã tận cùng nỗi khổ. Thế nhưng những ngày cuối tháng 11/2011, bất hạnh vẫn chưa buông tha cuộc đời em...
“Kéo cày” trả nợ thay mẹ
Với vẻ mặt hiền lành, T là một bé gái đang tuổi chuyển sang thiếu nữ, em nhìn tôi với ánh mắt hơi ngơ ngác, rụt rè, có chút buồn, xen lẫn sự vô tư ngờ nghệch. Có lẽ từ khi bắt đầu biết nghĩ, cuộc sống cuộc sống của em đã tận khổ nên những đau đớn trong em đã chai sạn.
Em sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mẹ ly hôn khi em mới 8 tuổi. Mẹ dắt hai chị em về sống cùng bà ngoại. Cuộc sống chỉ dựa vào việc làm thuê làm mướn của bà và mẹ, nhưng mấy năm gần đây, sức khỏe ngoại yếu dần, gánh nặng cơm áo dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ. Cách đây hơn hai năm, em bỏ học theo mẹ vào đất Sài Thành làm thuê kiếm sống. Công việc của mẹ chủ yếu là làm bưng bê ở các quán cơm bình dân, mà cũng chỉ những nơi có người quen giới thiệu thì người ta mới nhận bởi giọng nói mẹ cà lăm rất khó nghe, hạn chế khi giao tiếp với khách.
Mẹ ở đâu, em ở đó. Mẹ làm công việc của người lớn, em chỉ phụ những việc quét dọn lau chùi quán xá. Đồng lương tuy không nhiều nhưng dù sao cũng thoát khỏi cảnh “đói vàng mắt” như ở quê. Ở đây hai mẹ con có cái ăn tử tế, lại tiết kiệm được ít tiền gửi về quê để ngoại đỡ vất vả và trang trải tiền học cho cậu em trai đang học lớp 4. Mấy tháng trước, tiệm cơm cũ đóng cửa, hai mẹ con thất nghiệp. May mắn lại được người quen giới thiệu vào làm tiệm cơm trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp). Tiệm cơm chỉ nhận mẹ làm việc, nhưng họ vẫn cho mẹ mang em theo vì thương cảnh mẹ con côi cút.
|
Ảnh minh họa. |
Nửa tháng sau đó, có lẽ thấy em ngoan ngoãn dễ thương nên ông Ngô Viết Q, chủ một quán cà phê cạnh đó ngỉ ý thuê em làm công việc nhà và phụ bán mấy bàn cà phê, lương 1,2 triệu mỗi tháng. Mới làm được một tháng, mẹ em đã sang mượn 3,5 triệu của ông Q rồi không nói lời nào, một buổi sáng bà bỏ đi mất, bỏ lại con gái, bỏ lại cả khoản nợ bằng đến 3 tháng lương của em. “Không có mẹ bên cạnh, em vừa buồn vừa sợ”, bé gái buồn bã.
Giữa đất Sài Thành cả triệu người ồn ào ngày lẫn đêm, cô bé bơ vơ không một người thân thích. Cô bé thuật lại nhiều lần em muốn xin nghỉ việc về với ngoại nhưng em còn phải làm việc để trả nợ thay mẹ nên không dám nói với ông bà chủ. Mỗi tháng, lúc trả lương chủ nhà trừ 700 ngàn tiền nợ của mẹ.
Đến tháng 11, tiền nợ đã hết nhưng do ngoại ở quê than hết tiền, khó khăn nên em tạm thời ngưng ý định về quê mà ứng thêm 500 ngàn để gửi về “chữa cháy” cho ngoại. Dù buồn nhưng em cũng quen dần, và em cũng hiểu là mình nên tiếp tục “bám trụ” lại Sài Thành thì mới có tiền phụ ngoại và nuôi em trai ăn học. “Nghe đâu mẹ em cũng về ngoài quê nhưng không có việc làm, lại lang thang bữa đói bữa no”, T nói.
Lời tường trình tủi nhục
Ước mơ nho nhỏ bán sức kiếm số tiền hơn 1 triệu hàng tháng ấy cuối cùng vẫn tan vỡ vì theo lời của bé gái, em cũng phải bỏ việc bởi mấy ngày trước ông chủ uống rượu say vào làm nhục em khiến em vô cùng hoảng sợ.
Theo lời Tr. thì ông chủ liên tiếp có hành vi sàm sỡ em 3 đêm liên tiếp trong lúc say rượu. Lần đầu tiên vào khoảng 1hsáng ngày 13/11, khi em đang nằm ngủ thì ông chủ đã mò vào giường ngủ của em. “Lúc giật mình thức dậy, em thấy mình đã bị cởi hết quần áo và ông chủ đang mò mẫm khắp người. Hoảng quá, em lấy chăn đắp lên người nhưng ông ấy cứ lôi ra. Thấy thế, em dùng hai chân đạp mạnh vào ông, rồi bỏ chạy vào nhà vệ sinh đóng cửa lại đến 5 giờ sáng mới dám ra làm tiếp”.
Tuy nhiên sáng sớm hôm sau, gặp em ông vẫn tỏ vẻ như không có chuyện gì và vẫn đối xử với em rất bình thường. Tưởng vì ông say rượu nên vào nhầm giường, nhưng khoảng 1h sáng đêm hôm sau thì sự việc lại tái diễn, ông lại tiếp tục vào giường sàm sỡ lúc em đang ngủ. “Lần này người ông cũng nồng nặc mùi rượu. Thấy em tỉnh dậy, ôm chăn đắp lên người thì ông ném một cục tiền vào người em. Em đáp trả lại và lại bỏ chạy vào toilet đóng cửa, lại ở trong đó đến 5 giờ sáng mới ra làm việc”.
Lần thứ 3, sự việc lại một lần nữa tái diễn ngay trong đêm sau đó. Lời bé gái cho biết vào khoảng 3h sáng, vừa mở mắt ra em đã thấy ông bên cạnh và nhận thấy mình bị trói hai thanh gỗ trên bụng. Bé gái hoảng hốt ôm cả chăn chạy vào nhà vệ sinh. Và từ ngày 16/11 trở đi, gia đình ông chủ không cho em ra khỏi nhà. Em rất sợ nhưng không dám nói với bà chủ vì sợ bị đánh. Gần một tuần sau đó, cố bé em đem chuyện kể với một người khách quen thường uống cà phê và một người bán hàng gần đó để nhờ họ báo công an “giải cứu”. Khi biết lời tố cáo của em, bà chủ chửi em là “đồ giật chồng người khác”. Em bỏ việc, đến nhà một người tốt bụng “lánh nạn” và chờ kết quả giải quyết của công an.
Những bài học hậu vụ án đắng lòng
Sự việc khiến người dân cả khu phố xôn xao. Trước lời tố cáo này, vợ của anh Q lại kiên quyết cho rằng câu chuyện trên hoàn toàn là bịa đặt. Theo chị, việc bé gái làm công viết đơn tố cáo chồng chị “chỉ nhằm mục đích kiếm tiền” và “hoàn cảnh gia đình nó khó khăn. Trước đây con bé còn ít tuổi mà đã biết hỏi nhiều người là “Làm gì để kiếm tiền””. Bà chủ cũng “tố cáo ngược” rằng T là đứa trẻ dối trá, thường “nói không thành có, nói có thành không”.
“Nó thường hay ngồi nói chuyện với mấy đứa thanh niên chẳng ra gì vẫn thường vào uống cà phê. Vì gia đình cần người, bản thân tôi lại mới sinh được hơn một tháng, không thể làm hết việc nên mới thuê cô bé và mỗi tháng tôi vẫn gửi đều đặn 500 tiền công về quê cho nó, đưa nó 200 tiêu vặt, còn lại mới trừ nợ khoản tiền mẹ cô bé đã vay”, người phụ nữ này nói.
Vợ của người đàn ông bị tố cáo cũng xác nhận đúng là sau khi sự việc xảy ra, chị có gửi cho bà ngoại của cô bé số tiền 5 triệu đồng là vì “thương bà ngoại T bệnh tật, T lại còn nhỏ nên cho ít tiền để về quê chữa bệnh”. “Hơn nữa, nếu làm lớn chuyện, dù chồng tôi không có tội cũng bị mang tiếng, mất thể diện với mọi người”, chị nói. Cũng theo chị, ngay sau khi sự việc xảy ra, mẹ của cô bé trước đó “mất tăm mất tích” thì nay bỗng “tái xuất giang hồ” gọi điện đến hỏi gia đình chị đền bao nhiêu tiền nhưng “tôi bảo không có gì phải đền, chỉ là thấy gia đình khó khăn nên giúp cho 5 triệu và trên điện thoại, chị ấy nói là không chịu”.
Một điều tra viên công an quận Gò Vấp là một trong những người thụ lý vụ án cho biết, nhận được đơn tố cáo từ phường gửi lên, công an quận đã cử người xuống xem xét hiện trường và lấy lời khai hai bên. “Bên tố cáo thì bảo có, bên bị tố cáo lại nói không nên chúng tôi đã đưa cháu bé đi giám định ở bệnh viện Từ Dũ và hiện đang chờ kết quả. Khi có kết quả chúng tôi mới đủ cơ sở mời hai bên lên điều tra xét hỏi”, điều tra viên này cho biết.
Vụ án chưa đi đến hồi kết nhưng những hậu họa thì đã thấy. Người thì thương cảm cho cháu bé vì dù bất luận như thế nào, cô bé vị thành niên này cũng đã là nạn nhân của việc gia đình bỏ rơi, phải một mình bươn chải ngoài xã hội kiếm miếng ăn. Người thì lại ái ngại cho gia đình ông chủ là “làm phúc phải tội” nhưng âu đó cũng là một bài học để mọi người phòng tránh khi quyết định mướn người làm. “Bé gái này đang là trẻ vị thành niên và không có người bảo lãnh, sao lại dễ dàng thuê mướn cháu đến thế, lại còn bắt đứa bé phải trả nợ thay mẹ?”, một người cùng khu phố bình luận.
Theo Pháp luật & Thời đại