Đời cô Sáu
Cách đây gần 50 năm, cô Nguyễn Thị Sáu (54 tuổi, ngụ xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) khi đó mới chỉ là một bé gái lên 6 tuổi ở nhà chịu trách nhiệm trông nồi cám lợn đang nấu dở. Khi đó, người lớn trong nhà đi làm hết, chỉ còn mấy chị em cô Sáu ở nhà. Không biết khi đó vì sao, ngọn lửa bén lên người cô Sáu, cô không còn nhớ được lý do.
Lúc đó, trời mùa đông rét đậm, cô Sáu mặc 4, 5 chiếc áo dày cộm, khi ngọn lửa bén lên Sáu chẳng biết cách cởi áo, chỉ ngồi khóc thét lên. Ngọn lửa vì thế càng lúc càng cháy to, đến lúc hàng xóm chạy sang thì cả người cô như một ngọn đuốc sống.
May mắn cô Sáu sống sót. Mẹ khi đó đã đưa cô từ nhà lên trung tâm tỉnh Phú Thọ để điều trị. Trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật cấy ghép da trong suốt hơn 2 năm, cô Sáu mới coi như được sống. Nhưng toàn bộ phần da trước ngực và cổ bị cháy co rút lại khiến cho đầu, cổ, ngực trở thành một khối nham nhở.
Khuôn mặt cô Sáu bị những lớp da này kéo lệch, biến dạng, miệng không ngậm nổi và lúc nào cũng bị chảy nước miếng. Hàm răng rụng gần hết chỉ còn trơ ra vài chiếc khiến cho cô Sáu mang một hình hài đáng thương, nhiều đứa trẻ gặp còn thét lên sợ hãi.
Cũng bởi cái hình hài đáng sợ đó mà cô Sáu khó khăn trong giao tiếp. Cô không thể ngoái cổ, từ ngực trở lên đều luôn trong một tư thế cố định. Nhiều người lần đầu gặp cô còn không dám ngồi gần. Ngày còn nhỏ, mỗi lần ra đường cô Sáu đều phải lấy khăn che mặt, quấn kín từ cổ trở lên chỉ chừa hai con mắt.
Nhiều hôm cô Sáu vừa gánh rau lợn vừa chạy khóc ngoài đường, theo sau là lũ trẻ con reo hò, chỉ trỏ trêu chọc “đồ con Sáu sẹo”. Ban đầu cô còn khóc, nhưng lâu rồi cô chẳng để tâm nữa. Tuổi thơ của cô Sáu lớn lên trong tự ti, mặc cảm, gương chẳng dám soi, bạn bè không có chỉ quanh quẩn quanh nhà và bờ ruộng.
Nhà đông con lại nghèo khó, cô Sáu chưa một lần được đến trường. Thành thiếu nữ, cô Sáu cũng chỉ biết quanh quẩn với 3 sào ruộng của gia đình. Nhiều khi họ hàng, làng xóm đến mời đám cưới, cô Sáu đều trốn trong nhà ngồi khóc vì thấy tủi phận cho cuộc đời mình.
Nhà cô Sáu có 4 chị em gái. Chị đầu tên An (59 tuổi) lấy một người chồng mắc bệnh tim và bị tật nguyền nhiều năm trời chỉ nằm một chỗ. Chị thứ hai tên Ôn lấy chồng chỉ được một năm thì bỏ, giờ còn mắc thêm căn bệnh tiểu đường nặng đã biến chứng làm mờ mắt.
Em gái thứ 3 thì mất năm 19 tuổi vì khó sinh. Giờ đây người mẹ đáng thương của cô Sáu đã bước sang tuổi 95, bị biến chứng não sau một cú ngã đập đầu xuống đất. Bởi vậy mà ngay từ năm 17 tuổi cô Sáu đã trở thành trụ cột của gia đình.
Năm 1997, được một người quen giới thiệu, cô Sáu vào Đăk Lăk để làm giúp việc và hái cà phê, mỗi năm được chủ trả công 2 triệu.
“Đến năm thứ 9, vết thương khiến tôi đau đớn, tôi xin nhà chủ đi khám bệnh, họ xúc phạm khiến tôi tự ái rồi nghỉ việc, trong túi giắt theo 15 triệu đồng sau gần 10 năm tha hương. Cả đời tôi chưa bao giờ có được số tiền lớn như vậy nên đi đâu cũng mang trong người, chỉ trừ khi đi tắm mới để tạm ra ngoài”, cô Sáu tâm sự.
Mang số tiền này về, một nửa cô Sáu đem trả nợ tiền thuốc của mẹ và chị, số còn lại vay mượn thêm, dựng một căn nhà cấp 4 xây bằng vôi và cát, không xi măng, sắt thép. Những năm gần đây, căn nhà xuống cấp, dột tứ phía khiến 3 mẹ con phải đi nương nhờ nhà hàng xóm mỗi khi mưa lớn.
Cuộc sống hồi sinh
Gần hết một đời người, cô Sáu chưa một lần từng dám nghĩ sống cho mình. Trái gió trở trời, vết bỏng sẽ đau rát, miệng và răng đều đau ê ẩm, dạ dày bị loét cũng không thể đi chữa nên cô Sáu phải chịu đựng tới tận giờ.
Từ năm ngoái, cô Sáu không thể tiếp tục làm đồng, bởi vết thương ở ngực thường xuyên đau và xuất hiện những vết loét lớn. Gần năm nay cả nhà cô Sáu sống lay lắt bằng số tiền trợ cấp tật nguyền và trợ cấp tuổi già ít ỏi.
Những ngày qua chị An cùng cô Sáu xuống viện Bỏng để chờ đợi cuộc phẫu thuật. (Ảnh: Kênh 14) |
Bởi vậy, cả cuộc đời cô Sáu chưa từng một lần nghĩ tới việc chữa lành được khuôn mặt. Nhưng câu chuyện về cuộc đời gần 50 năm sống chung với vết thương trên khuôn mặt của Sáu đã chạm tới không ít trái tim của nhiều người. Đại diện Viện Bỏng Quốc Gia – giám đốc bệnh viện - Thiếu tướng Nguyễn Gia Tiến đã gửi lời mời thăm khám, chữa trị và tài trợ toàn bộ viện phí.
Phó giáo sư Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia cho biết trước mắt sẽ tái tạo lại vùng da và cơ bị kéo rút để cô Sáu có thể hoạt động cổ một cách bình thường.
“Phần răng và hàm sẽ can thiệp sau. Dự kiến ca phẫu thuật sẽ tiến hành trong vài ngày tới tại Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ sau khi hoàn thành đủ các thủ tục cần thiết. Phương pháp phẫu thuật sử dụng vạt da có nối vi phẫu là kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất sẽ được áp dụng cho bệnh nhân để có thể phục hồi tốt nhất và nhanh nhất”, Đại diện viện Bỏng thông tin thêm.
Ngay khi nhận được lời đề nghị đó, cô Sáu lần đầu tiên đành lòng gửi lại người mẹ già và chị Ôn cho hàng xóm trông nom hộ rồi cùng chị An bắt xe hơn 100km xuống Hà Nội để một lần nắm lấy cơ hội được sống như một người bình thường.
Cô An bảo “Giờ đây cả gia đình tôi chỉ cầu nguyện Sáu sẽ được chữa khỏi để nó đỡ khổ. Nó quá thiệt thòi, cũng không thể tự làm việc để nuôi sống chính bản thân, có thể là cho đến hết đời. Nhận được sự giúp đỡ của bệnh viện tôi rất phấn khởi nên dù hoàn cảnh khó khăn, chồng đang nằm một chỗ, tôi vẫn cố lên Hà Nội với Sáu.
Nếu không được bệnh viện tài trợ miễn phí, không biết đến bao giờ nó mới được cơ hội này. Bác sĩ bảo có khả năng phẫu thuật được và họ quyết tâm chữa trị cho Sáu, để em nó, dù là có muộn màng đi chăng nữa, sẽ bắt đầu lại một cuộc sống mới, đỡ cực khổ hơn”, cô An vui mừng.
Từ hôm lên Hà Nội, hai chị em cô Sáu sống nhờ cơm từ thiện, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Nhớ nhà, nhớ mẹ và chị nhưng cô Sáu cố giấu, mong việc phẫu thuật diễn ra nhanh chóng để còn về với mẹ.
Dù ít nói nhưng ánh mắt cô Sáu luôn ánh lên niềm hạnh phúc mỗi khi có ai nhắc đến chuyện phẫu thuật. Vậy là chẳng còn bao lâu nữa, cô Sáu sẽ tự tin được ngắm mình, có cơ hội được sống như bao người bình thường khác, dù là muộn.