Tỷ phú - Thủ tướng
Ông Andrej Babis sinh năm 1954 trong một gia đình người Slovakia ở Tiệp Khắc. Cha của ông, một nhà ngoại giao, từng là nhân viên của phái đoàn ngoại giao Séc tại Liên hợp quốc. Vì công việc của cha nên trong suốt thời niên thiếu Babis lần lượt sống ở Paris, Pháp và Geneva, Thụy Sỹ.
Đến tuổi trưởng thành, ông này về nước và theo học chuyên ngành thương mại quốc tế tại trường Đại học kinh tế Séc. Tốt nghiệp đại học, ông Babis vào một công ty của nhà nước làm việc. Một số nguồn tin cho biết, ông từng là điệp viên của lực lượng bảo vệ bí mật nhà nước Tiệp Khắc (StB) và cơ quan tình báo Liên Xô (KGB).
Năm 1993, ông quyết định ra lập công ty riêng. Khởi nghiệp từ ngành công nghiệp hóa thực phẩm, Babis sau đó mở rộng hoạt động ra những lĩnh vực khác và sớm thành công. Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, ông trở thành CEO và là chủ sở hữu duy nhất của tập đoàn Agrofert.
Năm 2011, Agrofert có đến 230 công ty con, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đến hóa chất… hoạt động ở cả Séc và nước ngoài.
Ở thời điểm này, Agrofert là công ty lớn thứ tư của Séc về doanh thu còn bản thân ông Babis trở thành người đàn ông giàu thứ hai của đất nước và có tên trong danh sách những người giàu nhất châu Âu, nắm trong tay khối tài sản lên đến hơn bốn tỉ USD.
Sau khi đã thành công trong sự nghiệp kinh doanh, ông Andrej Babis quyết định tham gia hoạt động chính trị. Không giống như nhiều chính trị gia dân túy nổi lên trong thời gian qua, sự thành công của ông Babis diễn ra trong lúc nền kinh tế của Séc vẫn ổn định, 10,6 triệu dân của nước này vẫn được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lương tăng và tỉ lệ thất nghiệp thấp.
Song, người dân Séc lại tỏ ra không tin tưởng vào sự ổn định kinh tế của đất nước và đặc biệt có thái độ hối hận về vấn đề người nhập cư cùng một số vấn đề khác. Chính vì vậy nên sự xuất hiện của ông giống như một làn gió mới, thu hút sự chú ý của người dân.
Thủ tướng Séc tuyên thệ nhậm chức trước tổng thống. |
Năm 2011, ông Babis đứng ra thành lập Đảng chính trị ANO 2011 (có nghĩa là “Đúng thế”), với các luận điểm chính sách “đánh” vào những vấn đề bức xúc nhất với người dân lúc bấy giờ, ví dụ như sự tồn tại của Séc trong khu vực đồng euro, thái độ với người nhập cư…
Dù cương lĩnh hành động không cụ thể và quá xuất sắc nhưng sự mới lạ vẫn giúp ANO nhanh chóng trở thành đảng lớn thứ hai của Séc. Tại cuộc bầu cử năm 2013, đảng này chinh phục được giới hạn cần thiết để lọt vào Quốc hội Séc.
Bản thân ông Babis sau khi đắc cử vào Quốc hội cũng được chọn vào Chính phủ Séc. Từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2017, ông trở thành Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng của Séc.
Tuy nhiên, từ năm 2015, ông Andrej Babis bắt đầu vướng phải những lùm xùm khi không trả lời được một cách thuyết phục những nghi vấn liên quan đến nguồn gốc tài sản của mình. Trong đó, đòn mạnh nhất giáng vào danh dự của ông là cáo buộc ông đã thành lập một công ty gia đình để nhận hơn hai triệu USD tiền tài trợ của EU dành cho Séc.
Đầu năm 2017, Babis đã chuyển tập đoàn Agrofert của ông thành các quỹ tín thác để tránh vi phạm luật về xung đột lợi ích của Séc. Song đến ngày 24/5/2017, một tháng sau cuộc khủng hoảng vì những cáo buộc cho rằng Babis đã trốn thuế khi làm CEO của Agrofert vào năm 2012, Thủ tướng Bohuslav Sobotka đã quyết định sa thải ông để xoa dịu những căng thẳng. Đến tháng 9/2017, cảnh sát Séc đã quyết định khởi tố hình sự với Andrej Babis.
Mặc dù đang bị khởi tố, lại đối mặt với nhiều cáo buộc khác như xung đột lợi ích… nhưng ông Babis vẫn là một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất của Séc. Tại cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 10/2017, Đảng ANO của Babis đã nhận được gần 30% trên tổng số phiếu, cao gần gấp ba lần so với đối thủ.
Tháng 12/2017, ông Babis được bổ nhiệm làm Thủ tướng của Séc, trở thành thủ tướng nhiều tuổi nhất và cũng là thủ tướng giàu nhất trong lịch sử nước này. Ngoài ra, ông còn nắm thêm một kỷ lục là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa Séc không phải là thành viên của hai đảng ODS và CSSD vốn thay nhau cầm quyền trong suốt những năm trước đó.
Một tuần sau khi được bổ nhiệm, ông Babis lập chính phủ thiểu số bao gồm các thành viên của ANO và các nghị sỹ độc lập.
Phía trước không dễ dàng
Theo nhận xét của nhà phân tích chính trị Séc Petr Novacek, Babis là một người biết cách tạo ra những khác biệt và tận dụng những khác biệt đó để thu hút sự chú ý và tạo được dấu ấn của bản thân: “Ông ấy biết cách tiếp cận với mọi người theo cách khác biệt, biết tận dụng việc nhiều người Séc đã mất niềm tin với các chính đảng truyền thống để tạo ra những khác biệt cho phong trào do ông ấy dẫn đầu.
Ông Babis phát biểu trước báo giới khi đắc cử năm 2017 |
Nhờ đó mà ngay sau khi xuất hiện, Đảng ANO của ông ấy đã thu hút được người dân, khiến họ nghĩ rằng họ đã nhìn thấy “ánh sáng trong bóng đêm” và hết lòng ủng hộ”.
Nhà báo Jaroslav Kmenta cũng cho rằng phong thái tự tin, có phần thoải mái cộng với sự giàu có của ông Babis đã chiếm được lòng tin của người dân, khiến họ tin rằng ông có khả năng lan tỏa những sự khác biệt của mình ra toàn xã hội.
Trong suốt một thời gian, ông Babis được nhiều người gọi là “Donald Trump của Séc” vì các phát biểu chống người nhập cư tương đồng với ông Trump. Năm 2015, ông từng khiến dư luận dậy sóng khi trên cương vị Phó Thủ tướng Séc tuyên bố Séc sẽ từ chối định mức tiếp nhận người tị nạn của EU.
“Tôi sẽ không chấp nhận định mức tiếp nhận người tị nạn của EU vào Séc. Chúng tôi phải hành động vì nhu cầu và nỗi sợ hãi của công dân của đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo đảm an ninh của công dân Séc, dù có phải chấp nhận bị trừng phạt”, ông tuyên bố.
Năm 2016, ông cũng tiếp tục gây chú ý khi công khai chỉ trích chính sách mở cửa cho người nhập cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Một điểm khác, sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng và con đường chính trị của ông Babis với ông Trump khá giống nhau. Thậm chí, giờ đây, ngay cả khi đã là nguyên thủ quốc gia, cả hai ông này cũng vẫn tiếp tục đối mặt với những rắc rối pháp lý liên quan đến quá khứ của mình.
Sau khi được thành lập ít lâu, tháng 1/2018, chính phủ thiểu số của ông Babis đã thua cuộc trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, khiến bản thân ông buộc phải từ chức. Sau khi từ chức, ông Babis đã đề nghị Tổng thống Milos Zeman cho phép tìm cách thành lập một chính phủ mới và được chấp thuận.
Đến ngày 6/6 vừa qua, trước sự chứng kiến của tổng thống Séc, ông Babis đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng lần hai.
Sau khi tuyên thệ, ông Babis đang lên kế hoạch thành lập một chính phủ mới có sự tham gia của đảng Dân chủ xã hội. Ngoài ra, ông cũng đang đàm phán để lập liên minh với Đảng Cộng sản Séc nhằm củng cố sự hậu thuẫn trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm bắt buộc tới đây.
Với diễn biến này, Đảng Cộng sản của Séc nhiều khả năng sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1898 cho đến nay đóng một vai trò chính thức trong việc quản trị đất nước. Đảng cộng sản Séc hiện duy trì quan hệ hữu hảo với nhiều đảng cộng sản. Đảng này cũng phản đối việc triển khai binh lính Séc ra nước ngoài, đặc biệt là tới khu vực Baltic và Ba Lan.
Dự kiến chính phủ mới của ông Babis sẽ ra mắt trước tổng thống vào ngày 15/6 tới. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội đối với chính phủ mới dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 10/7.