Cuộc đời thăng trầm của danh ca Mộc Lan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa thập niên năm 1950, tại Sài Gòn, danh ca Mộc Lan cùng với Kim Thước và Châu Hà đã tạo nên những giọng ca vang bóng một thời. Trong đó, nữ danh ca Mộc Lan được đánh giá là người tài sắc vẹn toàn, nhưng có cuộc đời chìm nổi, truân chuyên nhất.
Mối tình đẹp nhưng ngắn ngủi của nữ ca sĩ Mộc Lan và ca sĩ Châu Kỳ. (Nguồn ảnh: Nhạc xưa Blog)
Mối tình đẹp nhưng ngắn ngủi của nữ ca sĩ Mộc Lan và ca sĩ Châu Kỳ. (Nguồn ảnh: Nhạc xưa Blog)

Cất tiếng hát giữa tuổi thơ cơ cực

Ca sĩ Mộc Lan tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, ở Hải Phòng trong một gia đình có 8 anh em. Những tháng năm đầu đời, cuộc đời của bà trôi qua một cách bình lặng. Nhưng đến năm bà 7 tuổi, cha bà mất, vì gia cảnh khó khăn, mẹ bà không đủ khả năng gồng gánh một mình nuôi tám đứa con. Cho nên, đến đầu những năm 1940, anh trai cả của bà tên Long phải từ bỏ việc học tập và võ đài - nơi anh đang nổi lên như một võ sĩ quyền Anh trẻ đầy tiềm năng để dắt bà và một người chị em nữa tên Ngọc cùng vào Sài Gòn tha phương cầu thực.

Dù phải sống cuộc đời vất vả với anh trai ở Sài Gòn (TP HCM), nhưng nữ danh ca sớm bộc lộ tài năng thiên phú về âm nhạc. Tại chốn đô thị Sài Gòn, cô gái sở hữu nhan sắc lộng lẫy này may mắn gặp được nhạc sĩ Lê Thương. Ông chính là người đã dìu dắt bà trở thành ca sĩ và trao cho nghệ danh rất đẹp Mộc Lan, tên một loài hoa thuần khiết, ngọt ngào. Vào năm 16 tuổi, bà đã đứng trên sân khấu cất cao giọng ca oanh vàng bài hát “Trên sông Dương Tử” của Lê Thương.

Sau đó, bà được nhạc sĩ Lê Thương, một số người khác hướng dẫn nhạc lý, đào tạo bài bản để chuẩn bị cho sự nghiệp làm ca sĩ. Ca khúc giúp cái tên Mộc Lan tỏa sáng là “Đi chơi chùa Hương” (nhạc sĩ - GS Trần Văn Khê phổ từ bài thơ “Chùa Hương” (hay “Cô gái chùa Hương”) của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp). Ca khúc này kén người hát vì xen kẽ giữa những đoạn hát là phần ngâm thơ và không phải ai cũng có thể thể hiện được nó. Thế nhưng, Mộc Lan đã thể hiện rất thành công “Đi chơi chùa Hương”. Giọng hát của bà đã chinh phục mọi khán giả và nhanh chóng chiếm trọn trái tim của công chúng.

Trong một bài phỏng vấn vào năm 2010, nữ danh ca chia sẻ về bài hát đã làm nên tên tuổi của bà: “Ông Khê viết bài này rất kỳ công, có xen kẽ những đoạn vừa nói, vừa diễn tả rồi lại hát, cho nên bài hát rất dài và rất kén người hát. Tôi may mắn được coi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này... Nghe nói ông Khê về nước mấy năm nay rồi, lẽ ra tôi phải đến thăm ông vì cái ơn hồi đó ông uốn nắn cho giọng hát của tôi từng chút một, nhưng giờ cả hai đều già yếu. Tôi nhớ dạo ông ấy còn ở bên Tây, tôi đã từng về quê của ông ấy ở xã Vĩnh Kim (Cái Bè, Mỹ Tho) hát. Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi...”.

Ngoài ra, nữ danh ca Mộc Lan còn có rất nhiều bài hát nổi tiếng như “Tiếng thời gian”, “Hình ảnh một buổi chiều” (Lâm Tuyền), “Gởi gió cho mây ngàn bay”, “Chuyển bến” (Đoàn Chuẩn), “Thoi tơ” (Đức Quỳnh), “Nhớ nhung” (Thẩm Oánh), “Phố buồn” (Phạm Duy)...

Trong những năm 1950, nữ ca sĩ Mộc Lan không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng bằng giọng hát cao, ngân vang, uyển chuyển, mà còn bởi nhan sắc lộng lẫy, duyên dáng của mình. Nhà văn Trần Áng Sơn - em trai của danh ca Mộc Lan có ghi lại trong bộ sách của mình, tất cả các anh chị của ông đều rất đẹp, đặc biệt là người anh cả cao lớn và chị Ngà (tức nữ ca sĩ Mộc Lan) là đẹp nhất.

Quả thật vậy, chỉ cần ở đâu có bóng hình nữ ca sĩ Mộc Lan, tại đó, tất cả ánh nhìn đều dồn sự chú ý vào bà. Sắc đẹp lộng lẫy thời thiếu nữ của Mộc Lan được mô tả là “đẹp như tranh vẽ, da trắng như trứng gà bóc, răng đều như hạt cườm, tay như là tay tiên”. Rất nhiều nam danh ca, nhạc sĩ tài năng đều say mê, yêu mến vẻ đẹp và tài năng của nữ danh ca Mộc Lan. Mỗi bước chân của bà trên sân khấu được ví như một nữ hoàng. Không sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng nữ danh ca xinh đẹp. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các câu lạc bộ, phòng trà, nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện.

“Hồng nhan bạc phận”

Nhắc đến nữ danh ca Mộc Lan, bên cạnh tài năng âm nhạc thiên phú, người hâm mộ thường nhớ đến đường tình duyên lận đận của bà. Có lẽ, bà đúng với câu “hồng nhan bạc phận”. Dù có rất nhiều mối tình gắn với những ca sĩ, nhạc sĩ tài năng, lãng tử nhưng bà chẳng tìm được một chỗ dựa vững vàng cho đến cuối đời.

Nữ danh ca Mộc Lan tài sắc vẹn toàn nhưng lận đận trong tình duyên. (Nguồn ảnh: Chuyện Xưa)

Nữ danh ca Mộc Lan tài sắc vẹn toàn nhưng lận đận trong tình duyên. (Nguồn ảnh: Chuyện Xưa)

Tại Sài Gòn, Mộc Lan gặp nhạc sĩ Châu Kỳ (1923 - 2008) - “ông hoàng” dòng nhạc trữ tình thời ấy. Lúc Mộc Lan mới gặp Châu Kỳ, ông chỉ là một ca sĩ nổi tiếng vừa từ Huế vào Sài Gòn. Nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc, hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không bị khuất lấp bởi sự rực rỡ, lộng lẫy của nữ danh ca Mộc Lan. Giọng hát của hai người được nhà văn Trần Áng Sơn - em trai nữ danh ca khen ngợi là hòa hợp, như một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan - Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện... Hai người trở thành đôi trai tài, gái sắc rất hợp ý nhau cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, cùng nhau xuất hiện trên khắp các sân khấu, rạp hát, phòng trà.

Sau này, Mộc Lan và Châu Kỳ nên duyên vợ chồng, trở thành một cặp đôi được yêu mến. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, Mộc Lan và Châu Kỳ ly dị vào năm 1954, để lại tiếc nuối cho nhiều người. Sau này, nhạc sĩ Châu Kỳ tiết lộ lý do tan vỡ là vì Mộc Lan đã ngoại tình. Còn phía Mộc Lan, bà nhất định phủ nhận chuyện này. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Kịch Ảnh năm 1957, bà nói rằng mình đã bị người khác nói xấu và xuyên tạc nên chồng đã hiểu nhầm.

Người thứ hai gắn liền với mối tình của nữ danh ca Mộc Lan, không ai khác là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924 - 2001). Có nhiều đồn đoán về nguyên mẫu trong bài hát nổi tiếng “Gửi người em gái miền Nam”. Tuy nhiên lúc sinh thời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chưa bao giờ khẳng định hay tiết lộ đó là ai. Theo lời chia sẻ từ người em gái của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nguyên mẫu của “người em gái miền Nam” là một nữ ca sĩ nổi tiếng, xuất thân từ Hải Phòng. Cái tên Mộc Lan được mọi người nhắc đến đầu tiên.

Được biết, Đoàn Chuẩn tình cờ gặp Mộc Lan tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong một lần người đẹp về Bắc thăm gia đình. Không lâu sau đó, Mộc Lan phải vào Nam. Hai miền Nam - Bắc vốn dĩ khó giữ thông tin liên lạc, lại biết được nữ ca sĩ đã có chồng là nhạc sĩ Châu Kỳ tài năng nhất, nhì Sài Gòn lúc bấy giờ, nên Đoàn Chuẩn cũng giữ kín tình cảm của mình ở trong lòng.

Có rất nhiều giai thoại kể lại về mối tình si của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhưng không ai xác thực được tính đúng, sai. Từ việc ông vào Sài Gòn và thường mua hoa tặng nữ danh ca trong các buổi diễn đến khi quay về miền Bắc, ông vẫn lưu giữ bóng hình người thương bằng cách sáng tác ca khúc “Gửi người em gái miền Nam”. Chỉ biết rằng, theo nghệ sĩ Đoàn Đính, vì những xa cách của địa lý, thời gian và tuổi tác, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và “người em gái miền Nam” không có cơ hội gặp lại nhau nhưng đã trao cho nhau nhiều cảm hứng trong âm nhạc.

Cuối cùng là nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922 - 1998) là một nhạc sỹ có tên tuổi trong làng nhạc Việt. Ông được người yêu nhạc gọi là “Vua tango” bởi ghi dấu ấn nhiều trong các ca khúc tango “ăn khách”. Các bài hát nổi tiếng của ông có thể kể như: “Ngàn thu áo tím”, “Lạnh lùng”, “Bạn lòng”, “Mộng lành”, “Tiễn bước sang ngang”, “Ngỡ ngàng”… Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều bài hát cho các bộ phim nổi tiếng như: “Xin nhận nơi này làm quê hương”, “Giã từ bóng tối”, “Người tình không chân dung”, “Bão tình”… Ca sĩ Hoàng Trọng được đánh giá là có ngoại hình bình thường, da ngăm, dáng người đậm. Dáng vẻ của ông không dễ thu hút phụ nữ, nhưng bù lại ở tính cần cù, đáng tin cậy, hiền hậu. Đồng thời, Hoàng Trọng là một ca sĩ cũng là trưởng ban nhạc mà nữ danh ca Mộc Lan hát chính. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ ra sao, cũng không có nhiều người biết đến. Chỉ biết rằng, vợ của nhạc sĩ Hoàng Trọng rất hay ghen và nghi ngờ chồng ngoại tình. Thậm chí, vợ của ông còn ôm con bỏ về quê nhà, khiến cho ông từ đó ở một mình cho đến cuối đời.

Điều đáng buồn, trong suốt cuộc đời rực rỡ ánh hào quang của mình, nữ danh ca Mộc Lan lại ra đi trong cô đơn. Tại một bài phỏng vấn hơn 10 năm trước đây, hình ảnh nữ hoàng rạp hát, sân khấu thập niên 1950 chỉ còn sự đơn độc trong căn nhà vài chục mét vuông ở TP HCM. Người đời không còn ai nhớ đến bà nữa, chỉ một vài người bạn thân thiết thi thoảng gọi điện hỏi thăm bà. Ngay cả người chồng đầu tiên là ca sĩ Châu Kỳ cũng qua đời, khi bà chưa kịp gặp mặt lần cuối. Bà sống với bệnh tật và việc chăm lo người con gái ngoài 50 tuổi bị bệnh tâm thần. Buồn hơn nữa, đến cả việc nấu cơm, giặt quần áo, dọn nhà,… của bà cũng do anh chị em thuê người đến giúp đỡ.

Đọc thêm