Mùa tuyển sinh năm nay, dự kiến khối ngành Kinh tế, Tài chính, Kế toán vẫn tiếp tục thu hút nhiều thí sinh nộp đơn...
38% người "bỏ phiếu" cho Kinh tế
Kết quả khảo sát trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, có tới 38% trong số trên 80.000 người được hỏi đánh giá tài chính - ngân hàng đang là ngành “nóng” nhất, 22% cho là ngành quản trị kinh doanh. Nhóm ngành từng một thời lừng lẫy là Y, Dược... chỉ có 16% người chọn.
|
Luyện thi trong công trường. Ảnh minh họa: Na Son |
Tổng kết của Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây cũng cho biết, trong cơ cấu ngành nghề đào tạo trung cấp chuyên nghiệp của TP.Hà Nội, lượng người học tập trung cao nhất ở nhóm ngành kinh tế - thương mại - du lịch - dịch vụ (chiếm gần 38%), tiếp đến là nhóm Y - Dược (29%), ngành Sư phạm chỉ chiếm 17%.
Năm 2010, dù tổng số hồ sơ đăng ký dự thi giảm khá mạnh nhưng khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với các khối ngành khác. Có một thực tế là các ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán hay Tài chính - Ngân hàng đều nằm trong tốp năm ngành đang được nhiều trường tuyển sinh nhất.
Nhiều chuyên gia tuyến sinh cho rằng, sự đổ xô vào khối ngành Kinh tế đang có sự bất thường. Năm nay, theo những cơ sở đào tạo đề xuất tăng chỉ tiêu, phần lớn chỉ tiêu xin tăng đều tập trung vào nhóm ngành đang được thí sinh ưa chuộng là ngành Kinh tế. Hơn nữa, các trường đại học địa phương và đại học vùng dù đề xuất tăng 500-1.000 chỉ tiêu nhưng trong đó nhóm ngành Kinh tế chiếm đến hơn 70%.
Bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, những năm gần đây, lượng thí sinh nộp đơn nhiều nhất vào ngành Kinh tế đối ngoại, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh; các ngành Ngoại ngữ thương mại nhận được ít hồ sơ đăng ký hơn. Ông Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính cũng phản ánh các ngành học Kinh tế, Tài chính, Kế toán, Kiểm toán... vẫn đắt hàng.
Công nghệ - kỹ thuật “nhường” ngôi
Theo số liệu thống kê của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - Phó Trưởng ban ĐH và Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thì năm 2010, trong số 488 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong cả nước, có đến 360 nơi đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 nơi mở ngành Kế toán, 297 nơi có ngành Công nghệ thông tin (CNTT), 269 đào tạo ngành Ngoại ngữ, 193 có ngành Tài chính - Ngân hàng... Trong đó, nhiều trường có ngành CNTT và Ngoại ngữ đang phải cố gắng duy trì đào tạo, thậm chí nhiều chuyên ngành Ngoại ngữ buộc phải đóng cửa vì không đủ thí sinh.
Kỳ tuyển sinh vừa qua, chỉ có hai trường có điểm chuẩn vào ngành CNTT tăng là ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội - tăng 1 điểm) và ĐH CNTT (ĐHQG TP.Hồ Chí Minh - tăng 0,5 điểm). Hai trường có điểm chuẩn bằng năm ngoái là ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông Hà Nội.
Còn lại hầu hết các trường đều giảm điểm chuẩn từ 0,5 đến vài điểm so với các năm trước như: ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.Hồ Chí Minh), ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở TP.Hồ Chí Minh). Hơn nữa, khá nhiều trường buộc phải tuyển nguyện vọng 2 ngành CNTT mới mong đủ chỉ tiêu.
Sư phạm... “rớt giá”
Nếu như năm 2005, ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tuyển 2.200 chỉ tiêu cho tổng cộng 27 ngành học, trong đó có 19 ngành sư phạm. Cơn sốt “vào Sư phạm” ngày đó đã tạo nên kỷ lục về tỷ lệ chọi trong các ngành này như ngành Sư phạm Ngữ văn với gần 4.500 thí sinh đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu ngành này chỉ là 100, đạt tỷ lệ chọi 1/45. Tương tự là ngành Sư phạm Địa lý với tỷ lệ chọi cũng là 1/35; Sư phạm Lịch sử: 1/30,5...
Mùa tuyển sinh năm 2010 tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành sư phạm lại khá trầm lặng. ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh chỉ nhận được khoảng 13.000 hồ sơ, tỷ lệ chọi chung toàn trường là 1/4,13. Nếu như các ngành Kinh tế, Ngân hàng của khối Kinh tế có tỷ lệ chọi ngất ngưởng có thể lên tới 40-50 thí sinh thì một số ngành Sư phạm lại thấp thê thảm như Sư phạm Tin học của trường chỉ là 1/3; Sư phạm song ngữ Nga-Anh chỉ 1/0,6; Sư phạm tiếng Pháp 1/0,9...
Cùng với nguồn tuyển thấp, điểm chuẩn đầu vào các ngành Sư phạm cũng liên tục giảm qua các năm. Kỳ tuyển sinh 2010, ngành Sư phạm của ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ “nhỉnh” hơn mức sàn không nhiều như Sư phạm Địa lý chỉ 17 điểm; Sư phạm Mầm non 18 điểm; Sư phạm Tin 16 điểm. Thậm chí, ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cũng phải tuyển sinh NV2 mới đủ chỉ tiêu...
Đứng trước thực tế “chuột chạy cùng sào với vào Sư phạm”, nhiều trường ĐH, CĐ đã giải cứu bằng cách tuyển sinh đa ngành. Trường Cao đẳng Bến Tre, năm 2010 tuyển sinh 780 chỉ tiêu, chia làm 13 ngành đào tạo. Trong đó, chỉ có hai ngành thuộc về Sư phạm là Giáo dục Mầm non và Giáo dục tiểu học, còn lại chia đều cho các ngành ngoài Sư phạm như Tin học, Công nghệ kỹ thuật điện, Kế toán, Quản trị kinh doanh... Trong đó, những ngành “hot” được SV ưa chuộng, vẫn luôn thuộc về khối ngành Kinh tế như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán...
Trường Cao đẳng Cần Thơ có tiền thân là một Trường Cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, trong số 20 ngành nghề đào tạo hiện nay của trường, chỉ có 1/3 là dành cho ngành Sư phạm. Hình thức tuyển ngành Sư phạm là dành cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP.Cần Thơ, không thi tuyển mà xét tuyển dựa trên kết quả thi năm 2010 của những thí sinh đã dự thi khối A, B, C, D1 vào trường ĐH của cả nước. Thí sinh trúng tuyển những ngành này tất nhiên là được miễn học phí.
Tuy nhiên, hàng năm, trường cũng chỉ tuyển được khoảng một nửa số chỉ tiêu Sư phạm được giao. Trong khi đó, những ngành ngoài Sư phạm như Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Công nghệ may...
Chính vì chạy theo trào lưu và thị hiếu vào các ngành Kinh tế, hiện nay bên cạnh một số ngành phải đóng cửa tại các ĐH vùng (mặc dù địa phương có nhu cầu về các ngành Chăn nuôi, Trồng trọt...) thì các trường này năm nay đều mở ngành mới là Kế toán, Tài chính... Do vậy, những năm qua, dù lượng thí sinh đăng kí vào các trường kinh tế truyền thống không tăng đáng kể, nhưng cơ hội vào cùng ngành học đó ở các trường đa ngành lại lớn hơn.
Chẳng hạn năm 2010, ĐH Kinh tế quốc dân cũng chỉ tăng khoảng 1.000 hồ sơ trong tổng số hơn 20.500 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường. Như vậy, thay vì việc đăng kí vào các trường chuyên ngành Kinh tế bằng mọi giá, thí sinh đã lựa chọn vào các trường đa ngành có điểm chuẩn dễ thở hon.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, sự mất cân đối trong tuyển sinh đã dẫn đến chênh lệch trong cán cân ngành nghề đào tạo lẫn nguồn nhân lực cho xã hội trong tương lai. Không chỉ những mùa tuyển sinh gần đây mà ngay kết quả tuyển sinh trong năm 2010 cho thấy nhóm ngành Kinh tế đã chiếm tới trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường. Và sự thoái trào của “cơn sốt” này khi cung vượt cầu trong vài năm tới là điều khó tránh khỏi...
Uyên Na