Hưởng ứng cuộc cải tổ sức khỏe trong giới tăng lữ, hàng ngày, ông Pipit tự tập thể dục tại chùa để giảm cân. "Trước khi ăn kiêng, tôi chỉ có thể đi bộ được 100 m là mệt", nhà sư Pipit, 63 tuổi, cho hay trong cuộc kiểm tra sức khỏe tại một bệnh viện ở Bangkok, rằng ông từng nặng tới 180 kg.
Với số trường hợp mắc béo phì, tiểu đường và gặp các vấn đề về đầu gối tăng vọt, giới chức y tế và tôn giáo Thái Lan tháng 12/2017 đã ban hành "Điều lệ Sức khỏe Nhà sư" nhằm hướng dẫn họ theo dõi những gì mình ăn. Các món nhiều cà ri, đồ ngọt có đường, nước ngọt có ga và đồ ăn nhẹ là những thực phẩm mà các Phật tử thường xuyên biếu các nhà sư.
"Một số người thậm chí biếu các nhà sư cả thuốc lá", ông Prachaksvich Lebnak, phó tổng thư ký Văn phòng An ninh Y tế Quốc gia, nói.
Thái Lan là một trong những nước châu Á có tỷ lệ béo phì cao nhất, theo Ngân hàng Phát triển Á châu. Các thành viên của giới tăng lữ nằm trong số những người mắc béo phì nhiều nhất. Một cuộc khảo sát năm 2016 của đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho thấy tỷ lệ béo phì ở các nhà sư đã tăng lên 48%, trong đó 42% bị huyết áp cao.
Theo quy tắc Phật giáo, các nhà sư bị cấm ăn sau buổi trưa và Đức Phật được cho là đã dạy các tín đồ tránh ăn các bữa khác vào cuối ngày. Tuy nhiên, họ được phép uống một số loại nước trái cây nhất định, được gọi là là pana trong kinh sách Phật giáo, sau buổi trưa, và đây là loại thức uống chứa rất nhiều đường.
Những loại thực phẩm đóng gói có sẵn tại các siêu thị Thái Lan cũng làm trầm trọng thêm vấn đề. Dù bản hướng dẫn kêu gọi các nhà sư chăm sóc sức khỏe để "sẵn sàng truyền dạy các bài giảng của Đức Phật", việc từ chối đồ lễ của các Phật tử là vấn đề rất tế nhị.
Các nhà sư dự tiệc tại một trung tâm chính phủ ở Bangkok |
"Theo lời Đức Phật, bất cứ thứ gì được cho chúng tôi cũng phải nhận. Chúng tôi không được từ chối", Phra Rajvoramuni, trợ lý sư trụ trì chùa Sungvej, Bangkok, nói.
Ông Rajvoramuni hy vọng việc nâng cao nhận thức của các nhà sư về sức khỏe, trong đó có việc đào tạo họ tự kiểm tra sức khỏe căn bản, sẽ mang lại thay đổi. "Các nhà sư cũng nên làm những việc như tập thể dục, đi bộ thiền định, quét dọn chùa vào buổi sáng, quét sân", ông nói.
Bản hướng dẫn được đưa ra sau các sáng kiến nhỏ hơn ở vùng nông thôn Thái Lan. Phra Bhavana Dhamakosit, trụ trì chùa Wat Phochai ở tỉnh Nongkhai, cho biết chùa của ông đã bắt đầu các cuộc kiểm tra y tế cách đây 3 năm, trong đó béo phì và áp huyết cao là vấn đề rất phổ biến.
Dù bản hướng dẫn cũng đề nghị các tín đồ biếu các nhà sư những thực phẩm lành mạnh hơn, các lãnh đạo tôn giáo lo ngại rằng điều này sẽ tạo quá nhiều áp lực lên các Phật tử.
"Tốt hơn và hiệu quả hơn là yêu cầu các nhà sư tránh ăn một số loại đồ ăn nhất định", ông Bhavana nói.
Jongjit Angkatavanich, người thực hiện cuộc khảo sát năm 2016 của đại học Chulalongkorn, cho rằng phải mất ít nhất 3 năm mới có sự thay đổi rõ rệt về vấn đề cân nặng trong giới tăng lữ Thái Lan.
Dù không bắt buộc nhưng các nhà sư quan tâm hơn đến sức khỏe đã bắt đầu nhìn thấy thành quả. Bên cạnh tập thể dục, ông Pipit đang cố gắng ăn ít đi, đặc biệt là với những thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Ông đã giảm được 30 kg kể từ khi bắt đầu theo dõi cân nặng hồi đầu năm nay. "Bây giờ tôi lựa chọn kỹ hơn khi được dân làng biếu đồ ăn", ông nói.